Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

‘Đấu thầu tập trung thuốc hiếm để giảm rủi ro cho lãnh đạo bệnh viện’

‘Đấu thầu tập trung thuốc hiếm để giảm rủi ro cho lãnh đạo bệnh viện’

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng thuốc ít, thuốc hiếm cần được đấu thầu tập trung để tìm đơn vị cung cấp, đồng thời cũng giảm rủi ro cho người đứng đầu các bệnh viện.

Nội dung này được nêu tại Hội nghị đại biểu chuyên trách, cho ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Quốc hội chiều nay (5/4).

Đại biểu đề nghị thực hiện đấu thầu tập trung với hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng rất nhỏ, rất hiếm “vì như vậy thì mới đấu thầu được, mới có nhà cung cấp, bởi khi mua số lượng quá ít thì không ai bán”.

Bên cạnh đó, việc đấu thầu tập trung các loại thuốc ít, thuốc hiếm cũng để phục vụ cho bệnh nhân tất cả bệnh viện, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. “Một bệnh có phác đồ điều trị rồi, hướng dẫn các bác sĩ ở các tuyến có thể dùng được nhưng vì không có thuốc buộc người ta phải kéo nhau tập trung về các bệnh viện tuyến trên, cho nên rất khó khăn”, ông nói.

Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng việc đấu thầu tập trung sẽ hạn chế rủi ro cho cả người mua sắm lẫn bệnh nhân, tránh mua phải thuốc trôi nổi. Việc này cũng đảm bảo “an toàn cho giám đốc bệnh viện khi quản trị, khỏi bị sa sẩy chuyện nọ chuyện kia”.

“Mua sắm thuốc men, vật tư y tế là một hoạt động khó, dễ sai sót và cũng rất hay bị lợi dụng, tiêu cực. Vì vậy, rất mong Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu sửa đổi lần này để đảm bảo chặt chẽ, rõ và khả thi”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.

Ông đề nghị, một quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế nên thu gọn còn hai giai đoạn. Thứ nhất là đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, thậm chí là cấp quốc gia, lựa chọn các nhà thầu với tiêu chí quan trọng nhất là chất lượng và giá trần. Thứ hai, các cơ sở y tế có nhu cầu căn cứ vào kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp số lượng đủ, phù hợp hoạt động, với giá không cao hơn giá trần.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội). Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội). Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ở góc độ khác, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng có những loại thuốc, vật tư y tế nên để cho các đơn vị địa phương tự chủ thực hiện.

Theo ông, có những loại thuốc rất cần, quan trọng ở cơ sở nhưng vì có những vấn đề ở bước đấu thầu tập trung nên thời gian kéo dài, bị đình trệ. “Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, không thể để như vậy được”, ông nói và cho rằng, với các bệnh viện công đủ năng lực nên để họ tự chủ, “thiếu gì là mua luôn”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đồng tình với nhận xét này, bởi “đấu thầu tập trung những sản phẩm thuốc, thiết bị, vật tư dùng số lượng lớn là rất cồng kềnh”.

Ông ví dụ, một cái băng, gạc hay một cái kim tiêm nhưng có đến 30-40 loại, tùy theo từng loại bệnh, từng mục đích sử dụng khác nhau. Nếu số lượng lớn và rất lớn thì nên quy định để các cơ sở y tế, các bệnh viện tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung, vì sẽ chủ động, hợp lý và kịp thời hơn, không cồng kềnh, không chờ đợi. “Họ cần loại này, tên như thế, nhưng khi mua cũng vẫn tên đấy nhưng chủng loại khác thì không dùng được”, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) thì đề nghị bổ sung việc áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và vật tư y tế để điều trị cho người bệnh nhưng cơ sở khám, chữa bệnh không có sẵn.

Về đàm phán giá, quy định theo dự thảo Luật áp dụng với thuốc là biệt dược hoặc thuốc chỉ có 1-2 nhà sản xuất. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá với thiết bị và vật tư y tế.

Theo ông, thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, nội soi, can thiệp tim mạch, siêu âm, nên thường chỉ có 1-2 hãng sản xuất hoặc bán hàng, tương tự máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch.

“Quý vị chắc rất quen với stent động mạch, nếu stent thông thường chỉ khoảng 20-30 triệu nhưng loại độc quyền có thể đắt gấp hai, ba lần, từ 20 lên tới 70 triệu. Như vậy chúng ta cần có cơ chế đàm phán giá để mua sắm với giá tốt nhất, điều này cũng có lợi cho cả bệnh nhân và cho quỹ bảo hiểm y tế”, ông Khảm nói.

Trước ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (Quốc hội) cho biết sẽ tiếp thu và nghiên cứu thêm. Theo ông, mua sắm tập trung là với số lượng lớn, còn lại phân cấp cho các bệnh viện, các cơ sở y tế tự quyết định, kể cả thuốc, vật tư hiếm cũng tự quyết định được. “Hiếm thì giá khác và trong trường hợp cả nước cần dùng thì chúng ta phải sử dụng phương án đàm phán giá”, ông nói.

Với đấu thầu tập trung, ông Toàn cho biết, trong luật mới có quan điểm là danh mục đấu thầu của thuốc và y tế sẽ do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, danh mục này không cố định.

“Sau khi đã hình thành giá trên thị trường thì sản phẩm có thể ra khỏi danh mục. Danh mục đấy mới đầu là 100 chẳng hạn, nhưng sau một thời gian hình thành mà tốt, có thị trường rõ nét, thì có thể chỉ còn 5, còn 10”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết.

Minh Sơn

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/dau-thau-tap-trung-thuoc-hiem-de-giam-rui-ro-cho-lanh-dao-benh-vien-4589930.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện