Cách dầu Nga né lệnh trừng phạt
Từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, các công ty phương Tây thống trị một thời đã dần rút lui khỏi hoạt động kinh doanh, vận chuyển và bảo hiểm dầu mỏ của Nga. Thay vào đó, những đơn vị mới và bí ẩn đã bắt đầu thế vai trò.
Từ ‘chợ đen’ đến ‘chợ xám’
Xuất khẩu dầu Nga bị ảnh hưởng trong giai đoạn đầu, khi các lệnh trường phạt của châu Âu có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng hai tháng sau, chúng đã phục hồi về mức tương đương tháng 6/2022. Sản lượng dầu xuất bằng đường biển đã trở lại bình thường và hầu hết được Trung Quốc, Ấn Độ thu mua.
Cùng với đó, lượng dầu Nga bán ra không rõ điểm đến đã tăng vọt, và đang được phân phối qua những kênh không dễ theo dõi. Ngày trước, ngành vận chuyển dầu thống trị bởi phương Tây, với những chủ hàng Hy Lạp, các công ty bảo hiểm của Anh và các ngân hàng Hà Lan và Nhật Bản.
Nhưng tình hình đã thay đổi. Hôm 1/1, các công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới, chuyên bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm, đã quyết định không còn bảo hiểm hoạt động vận chuyển từ các cảng của Nga. Điều này đồng nghĩa các công ty bảo hiểm phương Tây còn rất ít sự lựa chọn ngoài việc rút khỏi hoạt động kinh doanh hoặc chấp nhận một chi phí rủi ro tăng cao.
Ngược lại, thị trường “chợ đen” càng phát triển mạnh. Thị trường này đã có từ lâu, được tận dụng bởi các nhà sản xuất như Iran và Venezuela. Đó là nơi những chiếc tàu chở dầu hư hỏng có niên đại nửa thế kỷ ra khơi, mang dầu đến cho những khách hàng bí mật bằng cách tắt các bộ thiết bị giám sát hải trình.
Đôi khi trong một hành trình, những con tàu này được sơn lại và đổi tên vài lần. Điểm đến là các cảng đông đúc, nơi dầu thô được pha trộn với nhiều loại khác nhau để khó lòng truy xuất nguồn gốc.
Gần đây, một số tàu chở dầu khổng lồ neo đậu ở vùng Vịnh đã bị phát hiện lấy hàng từ các tàu nhỏ hơn của Nga ngoài khơi Gibraltar. Oman và UAE, vốn đã nhập khẩu nhiều dầu của Nga hơn trong 10 tháng đầu năm 2022 so với 3 năm trước cộng lại, được cho là đã pha trộn và bán lại một ít cho châu Âu.
Hay như Malaysia đang xuất khẩu sang Trung Quốc gấp đôi lượng dầu thô mà nước này có thể sản xuất. Phần lớn trong số đó có thể là dầu của Iran, nhưng một số người trong ngành nghi ngờ hiện có cả dầu Nga được trộn vào.
Tuy nhiên, theo The Economist, sản lượng dầu qua kênh “chợ đen” tăng nhưng không nhiều. Thay vào đó, phần lớn dầu Nga vẫn qua kênh hợp pháp nhưng được phương Tây xem là “phi chính thức”, hay gọi là thị trường “xám” (grey market). Đây là nơi dầu Nga dùng dịch vụ hậu cần không phải của phương Tây và vận chuyển đến các quốc gia không nằm trong lệnh phong tỏa.
Thị trường này dựa vào 3 trụ cột chính: một nhóm thương nhân mới, một đội tàu chở dầu lớn, đang phát triển và các nguồn tài chính mới.
Đầu tiên, thay cho hạ tầng dịch vụ và thương nhân phương Tây phần lớn có trụ sở tại Geneva, dầu Nga giờ được vận chuyển bởi những đơn vị mới. Robin Mills, CEO công ty tư vấn Qamar Energy ước tính hơn 30 công ty thương mại của Nga đã thành lập văn phòng ở Dubai từ khi xung đột nổ ra. Khi thương nhân phương Tây rút lui, những công ty mới này xuất hiện để buôn dầu sang Ấn Độ, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ và những nước khác. Hầu hết không có lịch sử kinh doanh dầu của Nga, hoặc thậm chí chưa từng có kinh nghiệm buôn dầu.
Thứ hai, kể từ khi EU lần đầu xem xét các biện pháp trừng phạt, thị trường tàu chở dầu cũ đã bùng nổ. Năm ngoái, gần 200 tàu chở dầu thô đổi chủ, tăng 55% so với 2021, theo nhà môi giới tàu biển SSY. Hầu hết là tàu chở dầu “Aframax” và “Suezmax”, với sức chứa tối đa một triệu thùng. Đây là những con tàu duy nhất đủ nhỏ để cập cảng Nga. Nhu cầu với tàu Aframaxes mạnh đến mức một số gần đây được bán với giá 35 triệu USD, mức giá từng có thể mua được những tàu sức chứa 2 triệu thùng.
Tổng cộng, hạm đội tàu mà Nga có thể vận dụng để tránh trừng phạt khoảng 360 chiếc. Reid l’Anson, nhà phân tích hàng hóa của công ty dữ liệu Kpler, cho biết nếu tất cả tàu phương Tây không chở dầu Nga thì đội tàu này vẫn đủ khả năng duy trì hoạt động xuất khẩu cho Nga ở mức hiện tại. Vấn đề chỉ là nhiều tàu đã hơn 20 năm tuổi mà phải thực hiện những chuyến đi rất dài.
Thứ ba, những thương nhân mới phải tìm các nhà tài chính để cấp vốn và bảo hiểm cho hoạt động của họ. Khi các ngân hàng phương Tây tránh xa, nguồn vốn được hỗ trợ bởi tín dụng từ nhà nước Nga. Ngoài ra, các ngân hàng của vùng Vịnh và gã khổng lồ năng lượng ADNOC của nhà nước UAE cũng tham gia.
Tương tự, kể từ tháng 12, các công ty Nga dường như đã tham gia cung cấp bảo hiểm hàng hóa và tàu thuyền. Các chuyên gia bảo hiểm nghi ngờ một số cảng phục vụ các quốc gia sử dụng dầu thô của Nga, đặc biệt là Ấn Độ, đã hạ thấp mức độ bảo hiểm mà họ yêu cầu các tàu chở dầu phải có.
Khả năng phát triển của thị trường ‘xám’
Theo công ty dữ liệu Kayrros, Trung Quốc và Ấn Độ có thể mua thêm dầu Nga vì các kho trữ của họ vẫn chưa đầy hai phần ba. Việc này là do hầu hết dầu họ mua được tinh chế và bán lại, thay vì tích trữ. Ngày 3/1, Trung Quốc tăng hạn ngạch xuất khẩu dầu tinh chế lên gần 50% so với 2021. Đây được cho là tiền đề để mua thêm dầu thô Nga và xuất khẩu sản phẩm tinh chế.
Với việc dầu Brent đang giao dịch ở mức chỉ hơn 80 USD mỗi thùng thì dầu Urals của Nga vốn bán ra đã không quá mức trần 60 USD. Do vậy, việc muốn tuân thủ cũng không khó. Nhưng khi Trung Quốc mở cửa khiến nhu cầu dầu tăng và giá có thể leo thang thì dầu Urals sẽ được xuất khẩu nhiều hơn qua thị trường “xám”.
Vòng trừng phạt tiếp theo với các sản phẩm tinh chế càng thúc đẩy đáng kể thị trường này. Vào tháng 12, châu Âu đã mua một triệu thùng dầu diesel và các sản phẩm chưng cất sạch khác mỗi ngày, tương đương với 55% xuất khẩu của Nga. Bây giờ Nga sẽ phải tìm người mua mới.
Trung Quốc và Ấn Độ có ít nhu cầu với các sản phẩm dầu tinh chế. Do đó, Nga có thể nhắm các thị trường nhỏ hơn như Brazil và Mexico. Tuy nhiên, đội tàu vận chuyển những sản phẩm này khá ít và những chuyến đi dài sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt tàu. Những điều này cho thấy Nga sẽ không thể bán nhiều dầu tinh chế của mình hơn khi vòng trừng phạt mới hiệu lực, Do vậy, Nga có thể tiếp tục đẩy thêm càng nhiều càng tốt dầu thô vào thị trường “xám”.
Với Nga, việc mở rộng thị trường “xám” có lợi, giúp bộ máy xuất khẩu ngoài tầm kiểm soát của các trung gian Âu Mỹ. Phương Tây sẽ ngày càng khó trong việc định giá chính xác dầu Urals, với chi phí vận chuyển, bảo hiểm và chiết khấu mà Nga thỏa thuận riêng với người mua.
Trong khi đó, điều này sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới thêm phân mảng theo địa giới chính trị và rủi ro hơn. Vào tháng 12, một số công ty lớn của phương Tây, bao gồm ExxonMobil và Shell, cho biết sẽ không thuê tàu chở dầu của Nga nữa. Cùng với đó, một lượng lớn xăng dầu của thế giới đang được vận chuyển bởi các công ty không có tiếng tăm, trên những con tàu cũ kỹ, thực hiện những hành trình dài hơn và khó khăn hơn.
Nếu có tai nạn, công ty bảo hiểm có thể không sẵn lòng hoặc không thể bồi thường thiệt hại. Các đồng minh của Ukraine có lý do để tẩy chay dầu Nga, nhưng điều đó không ngăn được bờ biển của họ bị ô nhiễm.
Phiên An (theo The Economist)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/cach-dau-nga-ne-trung-phat-4565156.html