Tốc độ tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ dần chững lại
Tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và Thách thức” do Đại học Kinh tế TP HCM tổ chức ngày 11/3, các chuyên gia đánh giá những đóng góp và tăng trưởng GRDP của vùng đang “có dấu hiệu chững lại”.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ở Đông Nam Bộ từng đạt trung bình trên 10% rồi giảm rõ rệt trong thập niên gần đây, duy trì trung bình 7-8% mỗi năm. Đặc biệt, tăng trưởng GRDP giảm sâu trong năm 2020-2021 do Covid-19. Sức hút FDI cũng suy giảm khi quy mô trung bình mỗi dự án của vùng chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn mức bình quân cả nước là 12,42 triệu USD.
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP HCM và 5 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tháng 10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 đặt mục tiêu đây là vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với mức 8-8,5% mỗi năm giai đoạn đến 2030. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người cuối thập niên này sẽ đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD mỗi năm.
Mục tiêu này đặt ra trong bối cảnh vùng chỉ chiếm 9% diện tích và 20% dân số cả nước nhưng đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách năm 2021. Tuy nhiên, Nghị quyết 24 cũng xác nhận nơi này đang “tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp”.
Tình trạng của Đông Nam Bộ theo các chuyên gia đến từ loạt điểm nghẽn. Nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài thuộc Đại học Kinh tế TP HCM, chỉ ra điểm đầu tiên là nguồn nhân lực thiếu cả lượng lẫn chất. Tỷ lệ lao động có kỹ năng chỉ xấp xỉ trung bình cả nước. 10 năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng trung bình hàng năm khoảng 1%, hiện ở mức dưới 25% tổng lao động, dù đã có TP HCM và Bình Dương sở hữu lao động có tay nghề tỷ lệ lớn.
Thứ hai, tăng trưởng của Đông Nam Bộ chủ yếu nhờ thâm dụng vốn, năng lượng. Giai đoạn 2013-2020, vùng với tốc độ tăng trưởng trung bình xấp xỉ 6,5% mỗi năm với hơn một nửa đóng góp từ vốn và 20% đóng góp từ lao động. Đóng góp từ quản trị, đổi mới công nghệ chiếm khoảng 30%.
“Điều đáng quan tâm là theo thời gian, phần đóng góp từ khía cạnh chất lượng tăng trưởng đang có xu hướng giảm và giảm mạnh nhất năm 2020”, GS Hoài cho biết. Cùng với đó, GRDP tạo ra từ một đơn vị điện năng cũng giảm dần.
Thứ ba, tỷ lệ thu ngân sách vùng so với thu ngân sách cả nước xấp xỉ 45-50% nhưng tỷ lệ chi so với với chi ngân sách cả nước xấp xỉ 15%. Theo GS.TS. Hoài, điều này là chưa tương xứng khi vùng còn gặp khó về nhiều điểm nghẽn khác như R&D, đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Theo quy hoạch đến 2030, vùng có 970 km cao tốc, hiện mới khai thác thực tế hơn 10% so với quy hoạch. Nguyên nhân chính đến từ sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng
Trong khi, tỷ trọng chi R&D/GRDP giai đoạn hơn 20 năm qua toàn vùng chỉ đạt mức xấp xỉ 0,1%. Đây là tỷ lệ thấp vì cơ cấu kinh tế vùng này thiên về công nghiệp và dịch vụ. Nếu so sánh với chi R&D/GDP, Thái Lan đang là 1%, Trung Quốc hơn 2%. “Mặc dù có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế của đất nước, trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng còn thấp”, GS. TS. Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định.
Nhìn lại giai đoạn 2022 trở về trước, các chuyên gia cho rằng Đông Nam Bộ phát triển chủ yếu dựa trên thâm dụng lao động ít kỹ năng, vốn, năng lượng, và tài nguyên đất.
Để tìm lại đà tăng trưởng cao dựa vào thâm dụng tri thức, khoa học công nghệ dịch vụ, nhóm nghiên cứu gồm GS.TS Võ Thanh Thu (Đại học Kinh tế TP HCM) và ThS. Phạm Quang Văn (Trường Đại học Công nghệ TP HCM) cho rằng cần triển khai thí điểm chính sách đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công – tư và đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh, có chính sách chấp nhận rủi do.
Với cơ sở hạ tầng, cần nhất vẫn là giải bài toán vốn. Ngoài tỷ lệ chi ngân sách cho vùng cần cải thiện, TS Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP HCM cho rằng nên có cơ chế rõ ràng trong việc các địa phương được nhận lại nguồn thu vượt trội hàng năm ra sao, cộng với thay đổi cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tốc độ đầu tư hạ tầng.
Ngoài ra, chi cho đầu tư phát triển mang tính chất liên vùng là chi của trung ương, chưa có cơ chế huy động các địa phương trong vùng. Hiện tại mỗi tỉnh thành vùng đều có các quỹ đầu tư phát triển địa phương, như TP HCM có Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC).
Ngoài HFIC có quy mô vốn khoảng 5.000 tỷ đồng, các quỹ tương tự các tỉnh cộng lại dưới 5.000 tỷ đồng, tức tổng quy mô các quỹ đầu này còn nhỏ so với các hạ tầng lớn liên vùng nên đây chỉ mang tính vốn mồi tại từng địa phương riêng lẻ.
Do đó, theo đại diện HFIC, cần nghiên cứu cơ chế hợp vốn để đầu tư các dự án liên vùng. Ngoài ra, TP HCM cũng đang đề xuất cơ chế được dùng ngân sách thành phố để chi cho các dự án liên vùng.
“Nếu có cơ chế quỹ đầu tư hạ tầng chung, thể chế mở sẽ huy động được nguồn lực, giúp vùng phát triển”, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận xét.
Theo GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài, điều tiên quyết để triển khai thành công các giải pháp khơi thông là phải thành lập được một hội đồng vùng để huy động các nguồn lực triển khai các vấn đề như liên kết sản xuất và tiêu thụ, liên kết các địa phương giải quyết về môi trường và giao thông kết nối.”Hội đồng vùng phải có cơ chế vượt trội, có thực quyền trong việc thu hút và quản trị đầu tư công, liên quan đến phát triển bền vững vùng”, ông Hoài lưu ý.
Thời gian tới, để góp phần phát triển nhân lực, giúp các địa phương tiếp cận những xu hướng mới trong việc thiết kế và vận hành chính sách, Đại học Kinh tế TP HCM đã thành lập Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (Institute for Regional Development Research and Consulting, IRDRC) và Chương trình “UEH Đông Nam Bộ 2030”, đào tạo nguồn quản lý trung, cao cấp chất lượng cao.dành cho 6 tỉnh thành vùng.
Viễn Thông
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/toc-do-tang-truong-vung-dong-nam-bo-dan-chung-lai-4579969.html