Khi nào cần lạnh lùng nơi làm việc
Niềm vui, sự nhiệt tình và phấn khích khả năng dẫn đến động lực cao hơn, trong khi thái độ hữu nghị và sự kết nối sẽ thúc đẩy sự hợp tác. Nhưng dù phần lớn thời gian việc thể hiện cảm xúc có thể có lợi, song một số tình huống nếu bộc lộ cảm xúc thô thiển, chưa được lọc sẽ gây tác dụng ngược.
Đó là lúc bạn cần giữ thái độ lạnh lùng, nhưng không đồng nghĩa kìm nén cảm xúc hoặc không trung thực. Nó đơn giản là sự điều tiết cảm xúc, bằng cách nhận thức được nét mặt, ngôn ngữ cơ thể của bạn và sử dụng chúng một cách có chiến lược. Dưới đây là những cách để giúp bạn làm điều đó.
Lựa chọn tình huống
Khuôn mặt lạnh lùng không phù hợp với mọi tình huống, cũng không phải là cách giao tiếp nhất quán. Che giấu quá nhiều, quá thường xuyên có thể khiến bạn bị giảm mức độ tin cây, năng lực và vẻ đáng yêu. Vậy làm thế nào để bạn quyết định khi nào nên lạnh lùng?
Hãy tự hỏi thể hiện cảm xúc sẽ giúp ích hay cản trở mục tiêu của bạn? Nếu bạn đang cố gắng xây dựng các mối quan hệ, sử dụng bộ mặt lạnh lùng có thể bị coi là không chân thành hoặc không quan tâm, trong khi nếu bạn đang đàm phán thì việc này có thể hữu ích.
Cùng với đó là xét vai trò tương tác. Ví dụ, nếu đang điều hành một cuộc họp, bạn có thể muốn thể hiện sự tự tin và quyết đoán hơn. Trong khi nếu là người tham gia, bạn có thể muốn thể hiện sự cởi mở và dễ tiếp thu hơn.
Ngoài ra, cần cân nhắc xem tình huống giao tiếp yêu cầu cách tiếp cận thận trọng hay cởi mở. Tiêu chuẩn của những người hoặc tổ chức đang giao tiếp cũng quan trọng. Các nền văn hóa và các nhóm khác nhau có những kỳ vọng khác nhau về việc thể hiện cảm xúc.
Xác định phản ứng vô thức
Việc xác định dấu hiệu thể chất hoặc hành vi tiết lộ cảm xúc hoặc ý định của bạn. Điều này có thể hữu ích để giúp bạn kiểm soát phản ứng của mình và duy trì bộ mặt lạnh lùng trong các tình huống thích hợp.
Khi bạn tương tác với mọi người trong suốt cả ngày, hãy quan sát bản thân trong những bối cảnh khác nhau. Ghi lại bất kỳ khác biệt nào phát sinh khi bạn bình tĩnh so với lúc hồi hộp, lo lắng, tức giận hoặc căng thẳng. Ví dụ như luồn tay qua tóc, đung đưa trên ghế, tránh giao tiếp bằng mắt, hoặc cắn móng tay.
Nhìn lại các phản ứng của chính mình trong các tình huống khác nhau sẽ đưa ra lời giải thích tâm lý. Bạn cũng có thể nhờ một người cố vấn hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy quan sát và ghi nhận lại những phản ứng mà chính bạn không nhận ra.
Chú ý ngôn ngữ cơ thể
Khi sử dụng khuôn mặt lạnh lùng, bạn không muốn trông giống như một bức tượng. Sẽ thành công hơn nếu nét mặt duy trì một chút ấm áp. Hít thở sâu và chậm vài lần để làm dịu cảm xúc. Tưởng tượng bạn đang giải phóng mọi căng thẳng khỏi khuôn mặt.
Hãy thử làm dịu ánh nhìn. Nếu cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, bạn có thể vô tình nheo mắt hoặc nhìn chằm chằm vào thứ gì đó. Vì vậy, hãy thử tập trung vào một điểm ở xa để thư giãn cơ mắt.
Duy trì bộ mặt lạnh lùng còn liên quan đến việc giọng thấp và chậm. Nói từ cơ hoành (bụng dưới) để tạo ra giọng nói trầm và vang hơn. Dùng những cụm từ trung lập giúp thúc đẩy cuộc trò chuyện nhưng không làm lộ cảm xúc.
Luyện kiểm soát cảm xúc
Càng có thể tự điều chỉnh, bạn càng dễ dàng thể hiện cảm xúc theo cách mình cảm thấy tự hào. Bạn có thể thực hành phản ứng, không phản ứng, với các công cụ đơn giản để làm dịu hệ thống thần kinh, như “kỹ thuật tiếp đất” thông qua việc đếm ngược từ 100, hoặc tưởng tưởng mình đang đứng trong một khung cảnh thanh bình, êm dịu, như bãi biển hoặc khu rừng.
Một cách khác là kỹ thuật “phơi nhiễm lạnh”, bằng cách cầm một cốc nước đá, ngậm một viên đá hoặc tạt nước lạnh lên mặt. Hãy nhớ rằng, có khuôn mặt lạnh lùng không có nghĩa là kìm nén cảm xúc của bạn hoặc trở thành người máy. Đó là việc chú ý đến nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của bạn để giao tiếp hiệu quả và đạt được mục tiêu. Hãy tin tưởng vào khả năng giữ bình tĩnh, điềm tĩnh và tự chủ của bạn cho dù có bất kỳ thử thách nào xảy đến.
Phiên An (theo Harvard Business Review)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/khi-nao-can-lanh-lung-noi-lam-viec-4578603.html