Lãnh đạo Lazada Việt Nam cho biết luôn tạo điều kiện để nhân sự, nhất là những người trẻ, có cơ hội thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo, thỏa sức phát triển kỹ năng cá nhân. Các sáng kiến tiềm năng đều được tiếp thu, đánh giá hiệu quả và đưa vào ứng dụng nếu khả thi.
Đây cũng là điểm nổi bật trong chiến lược quản lý nhân sự “lấy con người làm cốt lõi” của doanh nghiệp này. Đồng thời, việc tiếp nhận những ý tưởng mới mẻ cũng giúp Lazada Việt Nam liên tục có những đổi mới sáng tạo, từng bước gia tăng trải nghiệm cho người dùng.
Nhìn lại thị trường thương mại điện tử trong hai năm qua với sự bùng nổ mạnh mẽ cùng dư địa phát triển rộng mở, lĩnh vực này đã trở thành miếng bánh béo bở của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Đặc biệt tại quốc gia trăm triệu dân như Việt Nam, tính cạnh tranh của thị trường này càng khốc liệt. Điều này buộc các nền tảng thương mại điện tử không ngừng đổi mới sáng tạo, mang đến nhiều giá trị hơn để giữ chân người dùng.
Đồng thời, đây cũng là lúc để hiện thực hóa các chiến lược bền vững. Với thương mại điện tử, đầu tư vào con người và công nghệ là yếu tố song hành, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp trong thời đại 4.0.
Với hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam Đặng Anh Dũng đã có những góc nhìn mới lạ về “sức sống” của ngành thương mại điện tử.
Trong tập 16 Talkshow The Next Power, phát sóng trên VnExpress ngày 12/1, ông cho rằng các nền tảng thương mại điện tử cần hoạch định chiến lược phát triển bền vững cả ngắn lẫn dài hạn để có thể tự tin đi đường dài và tạo giá trị lớn cho người dùng. Song song đó, vị lãnh đạo cũng hé lộ cụ thể hơn về định hướng của Lazada Việt Nam, đó là lấy con người làm trọng tâm và không ngần ngại đầu tư để trụ vững trước “sóng” thị trường.
Theo Phó Tổng, sức mua trên thương mại điện tử thời gian tới dự kiến tiếp tục tăng trưởng, trải rộng đa ngành hàng. Người dùng cũng có xu hướng mua sắm thông minh hơn, tìm kiếm thêm nhiều trải nghiệm , mong chờ thêm nhiều giá trị trên hành trình mua sắm trực tuyến.
Tiếp cận bằng chất lượng dịch vụ; công nghệ song hành tài chính
Săn sale trong các đợt lễ hội mua sắm lớn từ lâu đã trở thành thói quen tiêu dùng của người Việt, nhất là trong đại dịch. Ưu đãi sâu, nhiều voucher, tiện lợi… là điểm hút người mua của các sàn thương mại điện tử. Trong tương lai, ông Đặng Anh Dũng khẳng định các chương trình khuyến mãi vẫn sẽ là yếu tố không thể thiếu, như một phần DNA của thương mại điện tử và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên về lâu dài, các sàn nên cân đối bằng những yếu tố khác, tìm giải pháp tiếp cận người dùng tinh tế hơn. Với Lazada, ông Dũng cho biết đơn vị tập trung vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trải nghiệm mua sắm.
“Thay vì chỉ tập trung vào giảm giá, chúng tôi đầu tư nâng cấp công nghệ để mang đến trải nghiệm tốt cho người dùng. Ngoài ra, Lazada cũng luôn hướng đến phát triển toàn diện, bền vững. Trong đó, con người và công nghệ là trọng tâm của chiến lược tương lai”, ông Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Lazada Việt Nam cũng nhấn mạnh để đủ sức đầu tư vào hai yếu tố trên, cần có tiềm lực tài chính vững chắc. Cả ba tạo thành vòng lặp khép kín, bổ trợ lẫn nhau xuyên suốt quá trình vận hành.
Con người là trọng tâm của mọi chiến lược
Bước sang năm thứ 10, Lazada Việt Nam đã gầy dựng được nền tảng công nghệ, hạ tầng logistics cùng đội ngũ nhân sự vững chắc. Ông Đặng Anh Dũng cho biết, trong 10 năm tiếp theo, những mục tiêu đầu tư của Lazada sẽ có sự thay đổi, cả về thứ tự ưu tiên, chiến lược dài hạn lẫn ngắn hạn.
Đi sâu hơn vào câu chuyện, Phó Tổng cho biết những năm gần đây Lazada thu hút rất nhiều nhân sự trẻ, hầu hết ở độ tuổi Gen Z, năng động và sáng tạo. Khi mới gia nhập môi trường này từ năm 2019, ông buộc phải thay đổi để thích nghi, không ngại học hỏi từ những cấp dưới trẻ tuổi.
Thay đổi lớn nhất với ông Đặng Anh Dũng là phải phản ứng nhanh và học cách đưa ra quyết định trong tích tắc. Những kỹ năng giúp ông sớm thích nghi ngoài tư duy phản biện nhanh chóng còn có giải phóng bản thân khỏi tư duy sợ sai.
Ngại thay đổi, sợ mắc lỗi và e dè trước những quyết định là điều thường thấy ở các nhân sự trẻ thiếu kinh nghiệm, chưa được cọ xát nhiều. Ở vị trí lãnh đạo, Phó Tổng Lazada Việt Nam giúp họ vẽ ra bức tranh tổng thể rộng lớn về con đường sự nghiệp và định hướng công ty. Từ đó, họ có thể mường tượng bản thân cần gì, phát triển ở đâu, tiết chế điểm nào… từng bước hoàn thiện kỹ năng.
“Ở Lazada, ai cũng được trao quyền tự do phát triển bản thân. Mỗi cá nhân đều có cơ hội đóng góp ý tưởng, phô bày khả năng. Tôi cho phép nhân sự của mình mắc lỗi sai. Vì sai mới rút được kinh nghiệm. Nhưng không được vấp ba lần trong cùng một sai lầm. Lần đầu do thiếu kinh nghiệm, lần hai do chưa đủ thông minh, lần ba là do cẩu thả”, ông nói.
Phó Tổng cho biết hiện toàn Lazada có hơn 1.000 nhân sự dưới 30 tuổi. Lãnh đạo một đội ngũ trẻ, ông Dũng cho biết khó áp dụng kiểu bảo gì, làm nấy. Ông chọn cách trao quyền, truyền cảm hứng, khuyến khích tinh thần tự chủ và tự đưa ra quyết định.
“Con đường, định hướng đã được ban lãnh đạo vẽ sẵn, đi thế nào và phát triển đến đâu là phần của các bạn. Chúng tôi luôn hạn chế can thiệp vào quá trình sáng tạo để các bạn được tự do bung xõa và phát huy tối đa tiềm năng bản thân”, ông nói thêm.
“Learn, unlearn, relearn”
Lúc mới gia nhập Lazada, việc ra quyết định trong môi trường biến chuyển nhanh chóng mang lại cho Phó Tổng giám đốc Đặng Anh Dũng áp lực lớn. Ông đánh giá thương mại điện tử thay đổi nhanh chóng đến mức “chỉ cần giậm chân tại chỗ là tụt hậu”. Việc làm thế nào huy động sức mạnh tập thể từ các phòng ban, tạo nên doanh nghiệp vững mạnh từ sự kết nối, thấu hiểu và quyết tâm cũng là thử thách ông Dũng đối mặt từ những ngày đầu tiên.
Phó Tổng đặt tên cho hành trình làm quen với tất cả sự mới mẻ này là “Learn, unlearn, relearn”. Trước khi tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm mới, bản thân ông phải “unlearn” vài thứ, dành không gian dung nạp nội dung khác rộng và hữu ích cho bức tranh chung của doanh nghiệp.
Tuy nhiên khi đã quen với tốc độ, mọi thứ trở nên dễ dàng, suôn sẻ hơn. Ông Dũng còn tranh thủ học hỏi thêm nhiều sáng kiến từ các bạn trẻ, kết hợp với kinh nghiệm lâu năm từ thời còn làm tài chính để có những quyết định sáng suốt trong thời gian ngắn nhất.
Trước thềm năm mới 2023, vị Phó Tổng cũng hé lộ thêm về tầm nhìn tương lai và định hướng của Lazada sắp tới. Đơn vị tiếp tục xem con người là trọng tâm phát triển cho mọi chiến lược. Theo đó, hầu hết các kế hoạch đều sẽ xoay quanh mục tiêu bồi dưỡng thế hệ tương lai và củng cố chuyên môn cho đội ngũ nhân sự hiện hữu.
Lazada hiện sở hữu các đội ngũ có nền tảng kiến thức bền vững như Business Intelligence, thương mại, marketing… Mỗi nhân sự đều được đào tạo kỹ năng Strategy Planning (lên kế hoạch chiến lược) và phân tích dữ liệu. Dù hướng đến chuyên môn hóa, song Lazada vẫn đảm bảo các phòng ban khác nhau đều có thể đọc hiểu dữ liệu tài chính, quảng cáo, marketing… để đưa ra phương án, chiến lược phù hợp, hiệu quả.
“Làm thế nào để đào tạo ra đội ngũ thương mại điện tử với khả năng bứt tốc nhanh chóng là thử thách lớn trong thị trường hiện nay. So với nước ngoài, nhân lực Việt Nam có thể còn khá mỏng với vài mặt hạn chế. Lazada sắp tới sẽ mang trách nhiệm này, giúp họ củng cố để dày dặn hơn trong tương lai gần”, ông Đặng Anh Dũng kết luận.
Thy An
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/pho-tgd-lazada-viet-nam-nhan-su-tre-dung-so-mac-loi-sai-4540485.html