GDP quý I tăng 3,32%
Thông tin trên vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% do một số ngành chủ lực bị ảnh hưởng (công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,37%, khai khoáng giảm 5,6%, sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%) trước chi phí đầu vào tăng cao trong khi lượng đơn đặt hàng vẫn sụt mạnh. Điều này làm giảm 4,76% vào mức tăng trưởng chung.
Động lực tăng trưởng hiện nằm ở khu vực dịch vụ khi trong quý vừa qua tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành dịch vụ đang thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng 11,66%, công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%, dịch vụ gần 44%. Cơ cấu này tương đồng với cùng kỳ năm ngoái.
Quý I cũng chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giảm. Tính chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%).
Nguyên nhân là tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều nước làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã tác động đến kim ngạch xuất nhập hàng hoá của Việt Nam. Dù vậy, cán cân thương mại hàng hoá trong quý vẫn xuất siêu 4,07 tỷ USD.
Đánh giá kết quả tăng trưởng trong quý I, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết con số này thấp hơn so với kịch bản được đưa ra trong Nghị quyết 01 (mức 5,6%). Do đó, để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra là GDP 2023 tăng 6,5%, mức tăng trưởng bình quân ba quý còn lại phải là 7,5%.
“Chúng tôi giữ nguyên kịch bản cho quý II là 6,7%, còn quý III, IV sẽ phải cao hơn kịch bản trong nghị quyết lần lượt 1 và 0,9 điểm phần trăm”, ông Hiếu nói.
Nhìn nhận thách thức là rất lớn khi kinh tế toàn cầu đang khó khăn, tác động ngược đến Việt Nam, nhưng lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng vẫn có một số động lực tăng trưởng về cuối năm.
Thứ nhất, năm nay được xem là điểm rơi của đầu tư công trung hạn cũng như đầu tư phát triển hạ tầng (nằm trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch). Do đầu tư công là giải pháp quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân.
Thứ hai là tiêu dùng dân cư được kỳ vọng phục hồi sau 2 năm đại dịch. Theo ông Hiếu, điều này có được nhờ vào thu nhập của người dân tăng lên, đặc biệt trong tháng 7 này, Chính phủ sẽ điều chỉnh lương cho lao động trong khối nhà nước.
Thứ ba, xuất khẩu và công nghiệp được dự báo cải thiện trong nửa sau của năm 2023 khi kinh tế toàn cầu hồi phục. Việc du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trong quý đã giúp xuất khẩu dịch vụ tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đức Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/gdp-quy-i-tang-3-32-4586860.html