Đại biểu Quốc hội: Đừng vẽ quy hoạch như Paris, New York
Thảo luận tại tổ ngày 6/1 về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, các đại biểu Quốc hội cho rằng quy hoạch phải đặt mục tiêu phát huy được ưu thế, lợi thế của đất nước, địa phương.
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu TP HCM, góp ý Việt Nam học tập kinh nghiệm các nước làm quy hoạch, song khi thực hiện, vẽ đồ án phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của đất nước. “Chúng ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris, trong khi nguồn lực có hạn”, ông Ngân nói.
Đồng tình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ví dụ, quy hoạch đến năm 2030 cần tạo khung cứng về cơ sở hạ tầng cho toàn bộ đất nước. Cụ thể, bao nhiêu sân bay, cảng biển, các tuyến đường cao tốc… trọng điểm cần đầu tư. Trong đó phải tính đến nguồn lực trong nước bao nhiêu, vay nước ngoài, xã hội hóa qua hợp tác đối tác công tư (PPP)… là bao nhiêu. Có như vậy, sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ triển khai các dự án và mới sớm đến đích.
Ông Ngân cũng lưu ý vấn đề quy hoạch “treo” khi tầm nhìn của bản quy hoạch tổng thể quốc gia tới 20-30 năm tới. Tức là, xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, đảm bảo quyền lợi của người dân với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch.
“Đang là quy hoạch và ý tưởng mà khu nhà dân đã được quy hoạch sẽ bị vướng quyền lợi nên cần có sự phân đoạn. Người dân lo lắng là sẽ dính quy hoạch gì đây, nên khi thực hiện phải thông báo cho họ biết”, ông Ngân nói.
Phân tích thêm, ông Trần Công Phàn, Phó chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, đại biểu tỉnh Bình Dương, nêu hiện nay tỉnh nào cũng có sân bay, cảng, khu công nghiệp mà không dựa trên nguyên tắc nào.
“Sân bay quốc tế thì ít nhất phải cách nhau 500 km. Chúng ta có khoảng 450 km nhưng 5-6 cái sân bay quốc tế. Đầu tư dàn trải như vậy thì không được”, ông Phàn nhận định.
Nêu ví dụ Singapore chỉ bằng Phú Quốc nhưng sân bay của họ đi khắp cả thế giới, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh quan điểm, xây dựng quy hoạch phải dựa trên thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo sự phát triển chung cho đất nước.
Cũng nhắc tới trọng điểm đầu tư, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc dẫn ví dụ cơ chế phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông, vùng này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tạo nên sạt lở, ngập mặn, gây ảnh hưởng đến “vựa lúa” tại đây và đe dọa đến an ninh lương thực. Do vậy, trong tương lai phải xây dựng hạ tầng, kè chống sạt lở, hồ nước ngọt để giảm thiểu tác động ít nhất, đảm bảo vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững. Đáng tiếc, nét đặc trưng này của vùng lại chưa được thể hiện trong quy hoạch.
Còn ông Nguyễn Viết Thắng, đại biểu Kiên Giang, băn khoăn khi chỉ số phát triển nông nghiệp vẫn giữ mục tiêu duy trì 3,5 triệu ha đất trồng lúa. Như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn tới vẫn duy trì 1,7 triệu ha đất trồng lúa, không được chuyển đổi.
Ông Thắng lo ngại việc trên khiến khu vực này tụt hậu kinh tế so với các vùng khác. Trường hợp vẫn giữ chỉ tiêu này, ông đề nghị, Chính phủ cần đưa ra cơ chế, chính sách phụ trợ để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Bởi “chỉ có cây lúa thôi, vùng sẽ khó phát triển thành trọng điểm kinh tế, hiện đại”.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi giải trình ở tổ cũng nêu cái khó trong lập Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu theo phương pháp tích hợp này. Ông cho hay, thực tế cả nước đã định hình 6 vùng kinh tế xã hội nên bản quy hoạch lần này kế thừa, xây dựng quy hoạch trên nguyên tắc phát triển 6 vùng hiện tại.
Do lần đầu tiên thực hiện quy hoạch theo phương pháp tích hợp, chưa có tiền lệ nên chưa có kinh nghiệm cả trong nước, quốc tế. Theo ông Dũng, không thể lấy mô hình các nước để áp vào, xây dựng quy hoạch cho Việt Nam vì mỗi nước có điều kiện đặc thù khác nhau.
“Kinh nghiệm, cách làm của các nước cũng chỉ để tham khảo. Cũng không thể thuê tư vấn, chuyên gia nước ngoài lập quy hoạch này bởi không ai có thể thay chúng ta lập thay quy hoạch. Vì chính mình là người hiểu mình nhất”, ông Dũng nói.
Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/dai-bieu-quoc-hoi-dung-ve-quy-hoach-nhu-paris-new-york-4556992.html