Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Tiêu dùng nội địa – gam màu sáng cho nền kinh tế

Tiêu dùng nội địa – gam màu sáng cho nền kinh tế

Tiêu dùng nội địa được xem như điểm sáng cuối năm trong bối cảnh xuất khẩu – một động lực tăng trưởng kinh tế – có dấu hiệu suy giảm.

Sau đà tăng tốt nửa đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam lần lượt giảm tốc và chính thức suy yếu ở tất cả lĩnh vực vào tháng 11. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng qua giảm 8,4% so với cùng kỳ 2021 (mức giảm cao hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia) và được HSBC đánh giá là giai đoạn “chững lại” đã tới.

Nhập khẩu tháng 11 cũng giảm 7,4%. Điều này ngụ ý rằng xuất khẩu khó vực dậy “một sớm một chiều” khi nhu cầu mua vật tư đầu vào giảm. Theo SSI, khả năng để xuất khẩu có thể đảo chiều tăng trưởng trong tháng 12 là khá thấp.

Khi bức tranh có nét trầm, nền kinh tế chứng kiến tiêu dùng nội địa bất ngờ tăng mạnh tháng qua. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng, tăng trưởng lĩnh vực này là 20,5% và nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng đến 16,9%.

“Bất chấp các yếu tố bên ngoài suy yếu, nhu cầu trong nước tiếp tục bùng nổ phần nào đem tới cứu cánh. Tuy tốc độ bắt đầu giảm nhiệt, doanh thu bán lẻ vẫn là trụ cột vững mạnh cho tăng trưởng trong tháng 11”, báo cáo của HSBC nhận định.

Thực tế những tháng cuối năm, trong lúc nhiều nhà máy giảm nhân sự hay cho công nhân nghỉ Tết sớm, nhóm doanh nghiệp dịch vụ như F&B, bán lẻ hay du lịch liên tiếp công bố những hoạt động mở rộng, tạo nên những mảng màu sáng tối đan xen cho nền kinh tế.

Tuần qua, Startbucks mở cửa hàng mới tại Hội An (Quảng Nam), giúp mở rộng sự hiện hiện của thương hiệu này lên 7 tỉnh, thành phố với hơn 85 cửa hàng. Trước đó, chuỗi Cafè Amazon đến từ Thái Lan nhân dịp tung ra 3 thức uống mới đã bày tỏ tham vọng mở thêm khoảng 5 cửa hàng ngay trong tháng này.

Và nhà cung ứng các nguyên liệu kem, sữa đầu vào cho 2 chuỗi này là FrieslandCampina Professional cũng vừa chính thức hiện diện tại Việt Nam từ 7/12. Đây cũng chính là nhà cung cấp cho hàng loạt cái tên lớn khác như McDonald’s, KFC, Marriot International, hay Hilton Hotels and Resorts…

Vốn quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam hàng chục năm qua bằng các sản phẩm B2C như sữa Cô Gái Hà Lan, việc nhảy vào mảng B2B của “đại gia” ngành sữa cho thấy đánh giá cao về triển vọng của mảng F&B và du lịch thời điểm này.

Ngoài ra, các đơn vị khác từ kinh doanh quần áo đến thực phẩm đóng gói cũng cho thấy sự khởi sắc. Uniqlo mở thêm cùng lúc 2 cửa hàng tại Hà Nội tháng trước và chuẩn bị vận hành một cửa hàng mới tại Thiso Mall (TP HCM) khi vừa tròn 3 năm thâm nhập.

Từ tháng trước, Mondelez Kinh Đô tung ra 38 bộ sản phẩm bán Tết ở gần 200.000 điểm bán offline lẫn online. Ngay sau đó, mặt hàng chủ lực là bánh bông lan Solite còn có thêm phiên bản mới đắt tiền hơn do dùng 100% trứng gà nuôi thả (cage-free eggs) chuẩn chăn nuôi nhân đạo của HFAC.

Sức nóng của tiêu dùng nội địa ngày một tăng, với cuộc cạnh tranh sôi nổi về độ phủ của hàng loạt tên tuổi ngành bán lẻ, bằng cách nhượng quyền hoặc tối ưu hóa hệ sinh thái kinh doanh. GS25 là cái tên đáng chú ý khi vừa cán mốc 200 cửa hàng vào đầu tháng 11 nhờ nhượng quyền.

Trong khi đó, thương vụ Nova Consumer mua lại Sunrise Foods vào tháng 6 để liên kết tới 450.000 điểm bán lẻ và phát triển mảng trang trại; hay The Sherpa (Masan Group) mua lại 85% Phúc Long Heritage là các ví dụ về nỗ lực tối ưu hệ sinh thái nhằm mở rộng thị phần.

“Có thể ví 2 năm đại dịch như giai đoạn nghiên cứu thị trường và năm nay chính là thời điểm chín muồi để tung ra các kế hoạch mở rộng cũng như bứt phá trong cuộc đua ngành bán lẻ”, bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ, Colliers Việt Nam, nhận định.

Mua sắm trong ngày Black Friday hôm 25/11 tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Mua sắm trong ngày Black Friday hôm 25/11 tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Cùng với đó, du lịch dần hồi sinh và bắt đầu đóng góp cho tăng trưởng của dịch vụ tiêu dùng. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 gấp 39,7 lần so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, khách quốc tế đạt gần 3 triệu. Dù vắng bóng khách Trung Quốc, Việt Nam đã chủ động khai thác những thị trường mới như Ấn Độ.

Khách ngoại dần tìm đến cũng là lúc các đơn vị lữ hành, lưu trú bung sức trở lại. Trung tuần tháng 9, Four Seasons bổ nhiệm ông Marcel Oostenbrink làm Tổng Giám đốc tại khu nghỉ dưỡng Four Seasons The Nam Hai (Hội An). Việc đưa một chuyên gia lĩnh vực quản lý nhà hàng, khách sạn cao cấp, có nhiều năm làm việc tại châu Âu, Caribê, và Trung Đông về Việt Nam theo tập đoàn này là nhằm “nắm bắt các cơ hội mới tại thị trường nội địa”…

Dù không khí tương đối sôi động, tiêu dùng nội địa cũng đứng trước một số áp lực và rào cản nhất định.

Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 14,9% so với cùng kỳ 2019 – năm trước Covid-19. Mặc dù vậy, nó chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch từ năm 2020 đến nay, theo Tổng cục Thống kê.

Trên cơ sở này, SSI cho rằng tiêu dùng nội địa có phục hồi nhưng chưa thể quay về tốc độ tăng trưởng như thời kỳ trước dịch. Trong đó, lý do ngoài du lịch còn thiếu “khách ruột” Trung Quốc, vấn đề chú ý hơn đang là lạm phát.

Lạm phát bắt đầu tăng tốc kể từ cuối quý II, đáng chú ý là giá thuê nhà tăng 17% trong 2 tháng 9 và 10, rồi 2% vào tháng 11. Đây là yếu tố phần nào tác động tới tiêu dùng nội địa. Tháng trước, lạm phát toàn phần tăng 4,4% so với cùng kỳ 2021, còn lạm phát cơ bản gần đạt mức 5% bởi sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu.

Theo HSBC, áp lực lạm phát sẽ còn tăng trong vài quý tới, khiến Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng phải tiếp tục có những biện pháp tiền tệ để “hãm phanh”.

SSI cho rằng áp lực này sẽ lớn dần hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt khi xem xét việc điều chỉnh giá các nhóm hàng thuộc quản lý của chính phủ như điện, y tế, giáo dục hay tác động truyền dẫn của tỷ giá đối với chi phí nhập khẩu.

Trong nhận định mới đây, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá kinh tế Việt Nam năm sau đối mặt nhiều khó khăn, thách thức từ cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Sức mạnh của tiêu dùng nội địa dù hấp dẫn nhưng trong bối cảnh hiện tại cũng khiến các nhà đầu tư phần nào thận trọng.

Bà Trang Đỗ gần đây quan sát thấy xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn “đi săn” quỹ đất ở khu vực đô thị mở rộng và các thành phố hạng 2, hạng 3 như Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng. Tuy háo hức trước tiềm năng thị trường, họ cũng áp dụng chiến lược “chờ đợi và quan sát”.

Theo bà, trong bối cảnh còn nhiều bất ổn vĩ mô, các nhà đầu tư cần thêm thời gian để theo dõi những tác động từ hiệu ứng domino tới nền kinh tế Việt Nam như thế nào trong 2-3 năm tới. Ngoài ra, mặt bằng và thủ tục cũng là rào cản.

“Chúng tôi đã có dịp trao đổi với đại diện các thương hiệu này và họ rất quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam sau dịch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ là tìm kiếm mặt bằng có vị trí, diện tích phù hợp và theo đuổi các thủ tục đầu tư và xin giấy phép”, bà Trang nói.

Viễn Thông

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/tieu-dung-noi-dia-gam-mau-sang-cho-nen-kinh-te-4547758.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện