Thủ tướng: Các bộ, ngành không được trả lại kế hoạch vốn đầu tư công
Nội dung này được nêu tại chỉ thị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về giải pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và phục hồi kinh tế xã hội, ngày 23/3.
Năm nay, kế hoạch vốn Quốc hội giao trên 711.700 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu giải ngân ít nhất hơn 676.115 tỷ đồng (tức 95%). Yêu cầu này đặt ra trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn công hai tháng đầu năm mới đạt hơn 49.247 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 2%.
Trên 90% bộ, cơ quan trung ương và 30% địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%, trong đó 44 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. 26 bộ, cơ quan trung ương và 50 địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công. Giữa tháng này, Chính phủ đã lập 5 tổ công tác tháo gỡ giải ngân vốn công.
Tại Chỉ thị lần này, ông Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp ngành tăng phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phối hợp để khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.
“Các cơ quan, địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao năm nay, bố trí vốn, không để tình trạng có vốn mới làm chuẩn bị đầu tư, vốn chờ thủ tục và không trả lại kế hoạch vốn năm 2023”, Chỉ thị của Thủ tướng nêu.
Các đơn vị lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch theo tháng, quý; đưa ra tiêu chuẩn định mức để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương, quyết định đầu tư cho các dự án không có cấu phần xây dựng.
Việc tạm ứng, thanh toán vốn cần được thực hiện ngay khi có khối lượng, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang nơi có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp các dự án đủ thủ tục đầu tư, điều kiện giao vốn trung hạn 2021-2025 và đề xuất phương án xử lý với số vốn đã phân bổ nhưng không thể giao chi tiết nhiệm vụ, dự án.
Bộ này theo dõi giải ngân, khả năng cân đối vốn các dự án nhóm A do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Bộ cũng hướng dẫn các đơn vị lập, thẩm định các quy hoạch theo Luật Quy hoạch và xử lý khó khăn về quy hoạch, đấu thầu.
Với các dự án dùng vốn ODA, vay ưu đãi, Bộ Tài chính xử lý khó khăn về quy trình thủ tục đàm phán, ký hiệp định, rút vốn, giải ngân các dự án theo từng nhóm nhà tài trợ.
Bộ cũng rà soát, đề xuất sửa một số quy định tại Luật Ngân sách nhà nước như chi ngân sách địa phương để đầu tư dự án trên 2 địa bàn, hay điều kiện các đơn vị sự nghiệp vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Kho bạc Nhà nước được giao đảm bảo nguồn, thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho các chủ đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn phát sinh về cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, sỏi cho dự án đầu tư công. Việc đánh giá tài nguyên khoáng sản để khai thác cát biển dùng cho san lấp dự án cao tốc, hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông cửu Long cần được hoàn thành vào cuối năm nay.
Bộ Xây dựng theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đề xuất và báo cáo Thủ tướng các giải pháp gỡ khó khăn bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá vật liệu.
Các bộ, ngành áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án để chọn nhà thầu đủ năng lực; tránh để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá với hợp đồng trọn gói thi công.
Các địa phương giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại. Địa phương cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Địa phương kiểm soát biến động giá, xử lý hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao, giải ngân vốn đầu tư công sẽ bị thay thế và có chế tài xử lý phù hợp.
Về chương trình phục hồi kinh tế, hiện vướng mắc chủ yếu là gói vay hỗ trợ 2% lãi suất. Đến cuối tháng 2 mới giải ngân được 134 tỷ đồng, tức hơn 0,3% tổng quy mô gói (40.000 tỷ đồng). Tại chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo phương án điều chuyển với số tiền còn lại không sử dụng hết trước 25/3.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ số tiền còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, phương án xử lý trước 25/3.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng Bộ Tài chính rà soát các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn còn lại của chương trình phục hồi kinh tế.
Với ba chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thống nhất với Bộ Tài chính và các cơ quan phương án xử lý vướng mắc về giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương 2021-2025, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/3.
Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 chính sách về cải thiện dinh dưỡng và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Các địa phương rà soát danh mục dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải, manh mún.
Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress