Sự ra đời và sụp đổ của đế chế điện thoại Nokia
Nokia thành lập năm 1865 tại Tampere (Phần Lan), bởi kỹ sư khai mỏ Fredrik Idestam. Ban đầu, đây chỉ là một nhà máy bột giấy. Cái tên Nokia được đặt theo tên sông Nokianvirta – nơi Idestam mở nhà máy thứ hai.
Sau này, qua hơn 100 năm hoạt động, Nokia liên tục mở rộng sang ngành cao su (nổi tiếng với ủng, lốp xe) rồi sản xuất cáp và đồ điện tử. Mảng điện thoại của Nokia ra đời năm 1979, với tên Mobira, nhờ liên doanh với hãng sản xuất TV Phần Lan Salora.
Năm 1982, Nokia ra mắt điện thoại di động đầu tiên sử dụng trong xe hơi, có tên Mobira Senator. 5 năm sau, họ sản xuất Mobira Cityman – điện thoại di động cầm tay đầu tiên. Thiết bị này nặng khoảng 800 gr, có giá 24.000 mark Phần Lan khi đó (4.650 euro). Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev từng dùng điện thoại này để gọi từ Helsinki về Moskva.
Nhờ Nokia, Phần Lan khi đó trở thành nơi ra đời của hàng loạt đột phá công nghệ trên thế giới. Năm 1991, Thủ tướng Phần Lan Harri Holkeri đã sử dụng điện thoại Nokia để thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên sóng 2G.
Năm 1992, Nokia ra mắt Nokia 1011. Tuy nhiên, do kinh doanh nhiều mảng, hãng này khó tránh thua lỗ. CEO Nokia khi đó – Jorma Ollila – vì thế quyết định chỉ tập trung vào mảng điện thoại di động và viễn thông. Mảng cao su, cáp và điện tử tiêu dùng sau đó dần bị bán.
Năm 1994, Nokia ra mắt chiếc 2100 – điện thoại đầu tiên có nhạc chuông huyền thoại của hãng này. Chỉ đặt mục tiêu bán được 400.000 chiếc, nhưng cuối cùng, Nokia bán được tới 20 triệu chiếc trên toàn cầu.
Chỉ trong 4 năm, Nokia trở thành hãng điện thoại di động hàng đầu thế giới. Mảng này cũng được định giá khoảng 300 tỷ USD. Đến năm 2001, các dòng điện thoại của họ đã có thêm nhiều tính năng, từ camera đến truy cập web. Doanh thu hàng năm cũng tăng gấp 5 lần.
Giới phân tích nhận xét Nokia đã làm nên cuộc cách mạng điện thoại di động cuối thập niên 90, đồng thời giúp kinh tế Phần Lan giàu có bậc nhất thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Phần Lan, Nokia đóng góp tới 25% tăng trưởng cho Phần Lan giai đoạn 1998-2007. Đây là thời kỳ mà cựu Bộ trưởng Tài chính Phần Lan – Alexander Stubb – gọi là “sự thần kỳ về kinh tế”.
Tuy nhiên, khi đang ở trên đỉnh thành công và có khả năng tận dụng cơ hội từ sự xuất hiện của mạng 3G, Nokia lại phát cảnh báo lợi nhuận và công bố kế hoạch sa thải 1.000 người. Nguyên nhân họ đưa ra là thị trường đi xuống.
Đến năm 2004, Nokia thừa nhận đang dần mất thị phần vào tay các đối thủ, dù họ vẫn là cái tên đứng đầu. Năm 2005, họ bán được chiếc điện thoại thứ 1 tỷ. Theo hãng phân tích số liệu Gartner, thị phần smartphone của Nokia năm 2007 vẫn là gần 50%, với các điện thoại sử dụng hệ điều hành Symbian.
Tuy nhiên, cùng năm đó, Nokia phải thu hồi 46 triệu điện thoại do lỗi pin. Rắc rối khác lớn hơn là Apple ra mắt iPhone. Giới phân tích cho biết sự xuất hiện của iPhone khiến điện thoại của Nokia đột nhiên trở nên lỗi thời như chiếc Mobira Cityman.
Lợi nhuận của Nokia bắt đầu lao dốc khi doanh số iPhone bùng nổ. Năm 2008, Nokia thông báo lợi nhuận quý III giảm tới 30%. Doanh số iPhone thì tăng hơn 300%.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu càng khiến các rắc rối của họ thêm trầm trọng. Năm 2009, Nokia cắt giảm thêm 1.700 nhân viên và ghi nhận năm lỗ đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
Lãnh đạo công ty cho biết đã quá chậm chạp trong việc thích ứng với công nghệ mới. Sự xuất hiện của iPhone đã thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về điện thoại thông minh. Kho ứng dụng của Apple cũng hấp dẫn hơn so với các điện thoại của Nokia.
Khi Samsung và hệ điều hành Android của Google bắt đầu trở thành mối đe dọa, Nokia bổ nhiệm CEO đầu tiên không phải là người Phần Lan – cựu lãnh đạo Microsoft Stephen Elop. Mục tiêu của họ là lật ngược tình thế cho công ty.
Tuy nhiên, Elop đã không làm được điều này. Nokia bị cả Samsung và Apple vượt mặt trong mảng smartphone. Lợi nhuận và doanh thu đều đi xuống. Elop sau đó thông báo hợp tác chiến lược với Microsoft, đưa hệ điều hành Windows Phone vào các sản phẩm thuộc dòng Lumia của Nokia từ năm 2011. Ông khi đó cũng phủ nhận đang đàm phán bán Nokia cho Microsoft.
Năm 2012, Nokia lỗ 1 tỷ USD. Họ cũng mất ngôi hãng điện thoại lớn nhất thế giới về tay Samsung. Thị phần điện thoại di động của Nokia chỉ còn 21%, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường IDC.
Mảng sản xuất smartphone được chuyển sang châu Á. Giới phân tích bắt đầu dự báo Microsoft sẽ mua Nokia khi hãng này cắt giảm 10.000 nhân viên nữa và thông báo nhà máy cuối cùng tại Phần Lan sẽ đóng cửa.
Năm 2013, Microsoft mua lại mảng thiết bị cầm tay của Nokia với giá 5,44 tỷ euro. Tuy nhiên, đến năm 2016, họ phải bán lại mảng này với giá chỉ 350 triệu USD. Bên mua là HMD Global – một công ty tại Phần Lan do cựu nhân viên Nokia thành lập. Thương hiệu Nokia nhờ đó cũng tái xuất trên thị trường điện thoại di động.
Giới phân tích cho rằng Nokia thất bại vì phát triển quá nhanh và ban lãnh đạo của hãng đã chủ quan trên chiến thắng. Họ chậm chạp trong việc phản ứng với những thay đổi trong thế giới xung quanh. Nokia vẫn tiếp tục phát triển hệ điều hành Symbian, nhưng lại chậm đưa vào các tính năng cảm ứng trên nền tảng này. Năm 2010, hãng từng hợp tác với Intel để phát triển một nền tảng di động khác nhưng đã bỏ rơi dự án này sau đó một năm và quay sang làm việc với Microsoft.
Hiện tại, Nokia tập trung vào mảng thiết bị mạng và phần mềm. Họ thành lập Nokia Networks sau khi mua lại cổ phần trong một liên doanh với Siemens. Năm 2015, Nokia mua hãng cung cấp thiết bị viễn thông Pháp Alcatel-Lucent với giá 16,6 tỷ USD để tăng lượng khách hàng và mảng kinh doanh. Hiện Nokia là cái tên dẫn đầu trong mảng thiết bị viễn thông toàn cầu, với doanh thu năm ngoái đạt 26,2 tỷ USD, tương đương năm 2021.
Hà Thu
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/su-ra-doi-va-sup-do-cua-de-che-dien-thoai-nokia-4573306.html