Nỗi đau kinh tế sau một năm xung đột Ukraine
Một năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, kinh tế toàn cầu vẫn đang gánh hậu quả. Nguồn cung ngũ cốc, phân bón và năng lượng bị siết lại. Lạm phát tăng tốc. Bất ổn kinh tế xảy ra trong bối cảnh tăng trưởng nhiều nơi vẫn còn mong manh sau đại dịch.
Các nước giàu cùng nhiều doanh nghiệp lớn đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất là một cuộc suy thoái đầy đau đớn. Nhưng ở các nền kinh tế đang phát triển, hậu quả vẫn còn rất nặng nề.
Tại Ai Cập (nơi một phần ba dân số sống trong nghèo khổ), Halima Rabie – một góa phụ 47 tuổi – đã chật vật nhiều năm nay để nuôi 5 đứa con còn đi học. Hiện tại, Rabie phải cắt giảm cả những lương thực thiết yếu nhất do giá ngày càng tăng.
“Tôi không thể chịu được nữa. Thịt và trứng giờ đã trở thành đồ xa xỉ”, Rabie cho biết. Cô hiện làm lao công tại một bệnh viện ở Giza.
Lạm phát là vấn đề nổi bật trên thế giới năm qua. Giá cả vốn đã tăng tốc từ giữa năm 2021, do nhu cầu hồi phục sau đại dịch trong khi nguồn cung không theo kịp. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và nhiều nước khác cũng góp phần kéo lạm phát lên. Xung đột Nga – Ukraine năm ngoái vì thế càng khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Giá nhiên liệu và lương thực tăng vọt trên toàn thế giới. Giá xăng tại Mỹ hồi giữa năm liên tiếp lên cao nhất lịch sử. Trong khi đó, Đức có thời điểm phải mua khí đốt với giá gấp 14 lần năm ngoái.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương nhiều nước phải đối phó bằng cách liên tục nâng lãi suất. Việc này khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn đứng trước rủi ro rơi vào suy thoái. Đồng đôla Mỹ mạnh lên cũng khiến hàng loạt tiền tệ các nước khác mất giá.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu sau đó dần hạ nhiệt. Mùa đông ấm hơn bình thường tại châu Âu giúp giảm giá khí đốt tự nhiên, đồng thời hạn chế tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng lên khu vực này sau khi bị Nga cắt phần lớn nguồn cung khí đốt.
Adam Posen – Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng chiến sự tại Ukraine là “một thảm họa nhân đạo”. Ông nhận định tác động của nó lên kinh tế toàn cầu “là một cú sốc đã qua”.
Dù vậy, cuộc chiến này vẫn đang gây ra nhiều đau thương. Nathan Sheets – kinh tế trưởng toàn cầu tại Citi cho rằng châu Âu “sẽ vẫn phải trải qua thách thức lớn” dù giá năng lượng đã giảm. Khu vực này vẫn có rủi ro rơi vào suy thoái.
Giá khí đốt tự nhiên tại đây vẫn đang cao gấp 3 lần trước chiến sự. Sven Paar – chủ một hiệu giặt là tại Walduern (Đức) đang đối mặt với nguy cơ tốn khoảng 165.000 euro (176.000 USD) tiền khí đốt năm nay để vận hành 12 máy giặt. Số tiền năm ngoái chỉ là 30.000 euro.
“Chúng tôi phải chuyển mức tăng này sang khách hàng”, Paar nói. Anh đã gửi kèm hóa đơn năng lượng cho khách khi thông báo tăng giá.
“Đến nay, việc này vẫn có hiệu quả. Khách hàng của chúng tôi cũng có phàn nàn, nhưng họ sẽ chuyển chi phí qua cho khách của họ nữa”, ông nói.
Dù vẫn có lượng khách ổn định, việc kinh doanh của Paar cũng đang đi xuống. Các nhà hàng đón ít khách hơn, đồng nghĩa số khăn trải bàn cần giặt giảm đi. Nhiều khách sạn đóng cửa để tiết kiệm chi phí sưởi ấm trong mùa thấp điểm, khiến số khăn phải giặt ít đi theo.
Giá lương thực cao tác động mạnh nhất đến nhóm người nghèo. Xung đột gây gián đoạn nguồn cung lúa mỳ, lúa mạch và dầu ăn từ cả Ukraine và Nga – những nhà cung cấp lớn cho châu Phi, Trung Đông và châu Á. Nga còn là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc đã giúp vận chuyển phần nào lương thực từ Biển Đen. Tuy nhiên, nó sẽ hết hạn tháng tới.
Tại Ai Cập – nước nhập khẩu lúa mỳ nhiều nhất thế giới – Rabie đã phải làm thêm công việc thứ hai ở một phòng khám tư hồi tháng 7. Tuy nhiên, cô vẫn khó theo kịp giá cả tăng. Mỗi tháng, Rabie kiếm được chưa đầy 170 USD.
Rabie chỉ nấu thịt mỗi tháng một lần và phải tìm đến các thức ăn thường bị bỏ đi, có giá rẻ hơn, để đảm bảo các con có protein. Nhưng kể cả những mặt hàng đó cũng đang ngày càng khan hiếm. Chính phủ Ai Cập đã đề xuất người dân thử ăn chân và cánh gà để có protein, khiến nhu cầu tăng vọt. “Chân gà giờ cũng đắt đỏ”, Rabie cho biết.
Tại Nigeria – nước nhập khẩu rất nhiều lúa mỳ Nga – giá lương thực đã tăng 37% năm ngoái. Giá bánh mỳ tăng gấp đôi tại những nơi thiếu lúa mỳ.
“Mọi người phải lựa chọn nên mua thực phẩm nào? Có nên để tiền đó mua đồ ăn không? Hay để đi học? Mua thuốc?”, Alexander Verhes – Giám đốc hãng sản xuất các sản phẩm từ lúa mỳ Life Flour Mill Limited tại bang Delta cho biết.
Ít nhất 40% hiệu bánh tại thủ đô Abuja tại Nigeria đã phải đóng cửa do giá bột mỳ tăng 200%. “Những hiệu còn hoạt động thì chấp nhận không có lãi”, Mansur Umar – Chủ tịch hiệp hội thợ bánh tại đây cho biết. “Rất nhiều người đã dừng ăn bánh mỳ để chuyển sang món rẻ hơn”, ông nói thêm.
Tại Tây Ban Nha, chính phủ đã chi 300 triệu euro (320 triệu USD) để giúp các nông dân mua phân bón. Giá của sản phẩm này đã tăng gấp đôi kể từ xung đột tại Ukraine.
“Phân bón là mặt hàng thiết yếu, vì đất cũng cần được chăm sóc. Nếu đất không được bón phân, cây cối cũng không phát triển được”, Jose Sanchez – một nông dân tại làng Anchuelo, phía đông Madrid cho biết.
Tất cả những điều này sẽ khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu tăng 2,9% năm 2023, thấp hơn so với 3,4% năm ngoái. IMF ước tính giá tiêu dùng tại các nước phát triển tăng 7,3% năm ngoái. Tốc độ này tại các nước nghèo hơn là 9,9%. Cả hai đều cao gấp đôi mức dự báo trước xung đột.
Tại Mỹ, lạm phát khiến nhiều doanh nghiệp phải linh hoạt hơn. Stacy Elmore – đồng sáng lập hãng kinh doanh mái che The Luxury Pergola ở Noblesville, Indiana cho biết chi phí bảo hiểm sức khỏe cho 8 nhân viên đã tăng 39% năm qua, lên 10.000 USD mỗi tháng. Vì thiếu nhân sự, cô còn phải nâng lương từ 24 USD lên 30 USD một giờ.
Lạm phát khiến khách hàng ngần ngại mua các sản phẩm giá vài chục nghìn USD được bán qua đại lý. Việc này khiến doanh thu năm ngoái của họ lao dốc. Vì thế, Elmore chuyển sang các mẫu mã có thể tự lắp đặt tại nhà và bán chúng trực tiếp cho khách.
“Lạm phát cao quá. Chúng tôi phải khiến sản phẩm của mình hấp dẫn hơn, giá cả phải chăng hơn với khách hàng bình dân”, Elmore cho biết.
Còn tại Jakarta (Indonesia), những người bán hàng rong biết rằng họ không thể chuyển mức tăng giá sang những khách hàng vốn chẳng dư dả gì. Vì thế, một số chọn cách giảm kích cỡ sản phẩm.
“Một kg gạo trước đây nấu được 8 phần đồ ăn. Nhưng giờ chúng tôi chia ra 10 phần”, Muroki (52 tuổi) – chủ một quầy đồ ăn cho biết. Khách hàng “sẽ không ghé vào” nếu giá quá cao.
“Chúng tôi mong hòa bình trở lại. Vì sau cùng, chẳng ai thắng hay thua cả. Tất cả đều sẽ thành nạn nhân”, ông nói.
Hà Thu(theo AP)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/nhung-noi-dau-kinh-te-sau-mot-nam-xung-dot-ukraine-4572681.html