Ngành sản xuất vừa phục hồi đã chững lại
Kết luận này được đưa ra dựa trên chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 giảm xuống 47,7 điểm từ so với mức 51,2 điểm trong tháng 2. Đây là lần thứ tư trong 5 tháng qua, PMI về dưới ngưỡng 50 điểm.
PMI là chỉ số được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân nhóm sản xuất, dịch vụ nhằm đánh giá sức khoẻ chung của cả nền kinh tế. Lấy ngưỡng 50 điểm, lĩnh vực sản xuất được xác nhận là mở rộng nếu chỉ số đạt trên 50 và thu hẹp nếu dưới 50.
Theo S&P Global, các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh, dù ít hơn đáng kể so với mức ghi nhận trong khoảng cuối 2022, đầu 2023.
Các công ty được khảo sát cho biết, việc đà tăng trưởng dừng lại trong tháng 3 nhìn chung phản ánh bức tranh tương đối ảm đạm của nhu cầu. Cả tổng khối lượng đơn đặt hàng mới, đơn hàng xuất khẩu mới đều giảm. Đây là lần giảm thứ tư trong 5 tháng của số đơn đặt hàng mới nhưng là lần giảm đầu tiên trong 3 tháng của số đơn mới từ nước ngoài.
Tương ứng với số đơn đặt hàng giảm, sản lượng ngành sản xuất cũng đi xuống trong tháng 3 sau khi tăng ở tháng trước. Dù vậy, mức giảm vẫn khiêm tốn. Sản lượng tăng ở nhóm hàng hoá đầu tư cơ bản nhưng giảm ở nhóm hàng hoá tiêu dùng, hàng hoá trung gian. Tồn kho hàng thành phẩm hầu như không thay đổi so với tháng trước.
Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực sụt giảm trong quý là nguyên nhân tác động khiến GDP quý I chỉ tăng 3,32%, theo công bố của Tổng cục Thống kê hôm 29/3. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,37%, khai khoáng giảm 5,6%, sản xuất và phân phối điện giảm 0,32% trước chi phí đầu vào cao còn lượng đơn đặt hàng vẫn khan hiếm.
Bên cạnh đó, khi khảo sát 6.500 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo, Tổng cục Thống kê cho biết, các doanh nghiệp đánh giá tình hình quý I/2023 khó khăn hơn quý IV/2022. Nguyên nhân chính là nhu cầu thị trường trong nước thấp với 52,4% doanh nghiệp lựa chọn. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 5 năm gần đây. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn cho biết, “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” và “lãi suất vay vốn cao” cũng ảnh hưởng nhiều trong quý I với tỷ lệ chọn lần lượt 47,8% và 37%.
Điểm tích cực trong lĩnh vực sản xuất tháng này, theo S&P Global, là có những dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát giảm vào đầu quý I. Tốc độ lạm phát đang ở mức chậm nhất kể từ tháng 10/2022, giúp kết thúc thời kỳ tăng lạm phát chi phí.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global đánh giá, dù tăng trưởng trong ngành sản xuất bị chững lại, các doanh nghiệp vẫn hy vọng đây chỉ là bước lùi tạm thời và tin tưởng triển vọng trong 1 năm tới.
“Thời kỳ gia tăng chi phí kéo dài đã kết thúc khi áp lực giá cả đã giảm do nhu cầu yếu, trong khi việc phục hồi hoạt động chuỗi cung ứng tiếp tục tăng nhanh”, ông nói.
Đức Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/nganh-san-xuat-vua-phuc-hoi-da-chung-lai-4588959.html