Năm lãi lớn của ngành hóa chất
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính lợi nhuận năm ngoái vượt 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2021. Tức bình quân mỗi ngày, Vinachem lãi hơn 16 tỷ đồng – mức kỷ lục từ năm 2014 đến nay.
Tương tự, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) lãi sau thuế khoảng 6.040 tỷ đồng năm 2022, gấp hơn 2,4 lần so với năm trước đó. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin năm 2007.
Hai “ông lớn” về khí – điện – đám là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ – DPM) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – DCM) cũng có kết quả kinh doanh kỷ lục năm 2022. Đạm Phú Mỹ báo lợi nhuận hơn 5.600 tỷ đồng, tăng 77% trong khi Đạm Cà Mau lãi khoảng 4.280 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2021.
Giá bán sản phẩm tăng và tận dụng tốt thị trường xuất khẩu trở thành yếu tố chính khi lý giải về khoản lợi nhuận kỷ lục của các công ty. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam xuất khẩu hơn 3.100 triệu USD hóa chất trong năm ngoái, tăng gần 25% so với năm 2021. Riêng nhóm phân bón, chỉ số giá xuất khẩu đã tăng hơn 42% trong năm ngoái.
Ban lãnh đạo Vinachem cũng cho biết năm 2022, giá phân bón thế giới tăng cao tại tất cả thị trường. DAP có thời điểm lên tới 1.000 USD một tấn, đạm urê đạt 900 USD một tấn tại khu vực châu Á. Nhờ thế, giá các loại phân bón của Việt Nam cũng tăng theo. Một số sản phẩm phân bón chủ lực của Vinachem như urê, DAP, NPK giữ ổn định ở mức cao là điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả cao.
Theo Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, nhờ tăng sản lượng và hưởng lợi giá bán mà doanh thu phốt pho vàng tăng 112%, axit phosphoric trích ly tăng 62%… Trong khi đó, Đạm Phú Mỹ tận dụng thời điểm giá cao để xuất khẩu urê, nâng sản lượng xuất khẩu năm 2022 lên khoảng 190.000 tấn, tăng 280% so với kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh tích cực ngành hóa chất được dự đoán kéo dài trong thời gian tới khi thị trường hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Báo cáo gần đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán giá phốt pho vàng sẽ tăng cao nhờ nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu vẫn mạnh. Tương tự, giá phân DAP sẽ tăng thêm do nguồn cung thiếu hụt, hỗ trợ biên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá gạo đang có xu hướng tăng sẽ hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ phân bón giá cao.
Nhìn chung về ngành phân bón, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) đưa ra ba kịch bản cho năm nay từ bi quan, trung bình đến lạc quan theo mức độ nhu cầu tiêu thụ. Điểm chung của cả ba kịch bản này là có rất ít khả năng giá phân bón giảm xuống mức thấp trong năm nay.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của SSI Research cho rằng riêng lợi nhuận nhóm doanh nghiệp sản xuất phân urê sẽ giảm trong năm 2023. Dự đoán trên dựa vào giả định giá mặt hàng này đi lùi do xuất khẩu từ Nga và Trung Quốc sẽ phục hồi, chi phí đầu vào urê (than và khí tự nhiên) có thể giảm và nhu cầu có dấu hiệu suy yếu. Dẫu vậy, phân bón urê có thể tăng giá nếu nguồn cung khí tự nhiên và than bị gián đoạn đột ngột do xung đột Nga-Ukraine.
Tất Đạt
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/nam-lai-lon-cua-nganh-hoa-chat-4567378.html