Kịch bản giá vàng dịp vía Thần Tài chục năm qua
Thống kê của VnExpress cho thấy giá vàng thường diễn biến theo một kịch bản khá tương đồng trong những dịp vía Thần Tài (trước, trong và sau) từ 2013-2022.
Đầu tiên là giá vàng có xu hướng nhích lên từ nửa tháng trước ngày vía Thần Tài (tức trước Tết) và lập đỉnh ngắn hạn ngay khi thị trường giao dịch trở lại sau Tết. Trong 10 năm qua, có 8 lần kịch bản này được lặp lại.
Như năm ngoái, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mỗi lượng vàng miếng bán ra chiều 25 Tết là 62,55 triệu đồng, đến mùng 7 Tết – ngày giao dịch đầu tiên của năm âm lịch Nhâm Dần – đã lên 63,45 triệu đồng. Diễn biến này lặp lại trong mùa vía Thần Tài năm nay khi chiều 28 Tết, SJC bán ra 67,9 triệu đồng một lượng, đến mùng 6 Tết lên 68,5 triệu đồng.
Vàng nhẫn trơn, mặt hàng có đặc tính biến động giá ít hơn vàng miếng, cũng được điều chỉnh liên tục. Năm ngoái lẫn năm nay, nhẫn trơn tại hệ thống SJC hay Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đều tăng không dưới nửa triệu đồng mỗi lượng trước vía Thần Tài vài ngày.
Đà tăng ngắn hạn của giá vàng trong nước thường chấm dứt vào mùng 9 Tết – một ngày trước khi xuất hiện dòng người xếp hàng, chen chúc ở tiệm vàng từ sáng sớm đến tối muộn. Thống kê trong 10 năm gần nhất cho thấy kịch bản này tái diễn 6 lần với mức giảm (tính theo giá đóng cửa giữa hai phiên) dao động vài chục nghìn đến nửa triệu đồng mỗi lượng.
Ví dụ năm 2013, giá vàng miếng SJC bán ra trong ngày mùng 9 Tết giảm 450.000 đồng, xuống 45,3 triệu đồng. Phiên điều chỉnh đột ngột này đã cắt đứt chuỗi tích luỹ kéo dài hơn nửa tháng trước đó ở gần vùng giá 46 triệu đồng.
Tương tự, trong phiên giao dịch hôm qua (30/1), SJC giảm 800.000 đồng một lượng vàng miếng. Nhiều hệ thống kim hoàn lớn trên cả nước như DOJI, Phú Quý, Vietinbank Gold đến các tiệm vàng quy mô nhỏ thậm chí điều chỉnh giảm lên đến một triệu đồng mỗi lượng. PNJ có lúc giảm 1,15 triệu đồng mỗi lượng, từ 56,8 triệu còn 55,65 triệu đồng.
Thị trường đảo chiều đột ngột trước vía Thần Tài một ngày được nhiều tiểu thương buôn vàng lý giải rằng, một số người thấy giá tăng mạnh từ trước Tết nên tranh thủ bán kiếm lời vào mùng 9 Tết. “Lực bán lấn lướt lực mua khiến các hệ thống lớn giảm giá, buộc các tiệm vàng nhỏ cũng điều chỉnh theo”, ông Quý – chủ một tiệm vàng ở TP Thủ Đức (TP HCM) nói.
Đến mùng 10 Tết, thị trường kim loại quý thường chuyển sang một trạng thái mới: tăng vọt vào buổi sáng rồi giảm vào buổi chiều. Đơn cử như mùa vía Thần Tài cách đây 3 năm, các tiệm vàng nâng giá lên hơn 600.000 đồng một lượng ngay lúc mở cửa, đến cuối giờ chiều lại quay đầu giảm 550.000 đồng.
Ông Trần Minh Tớ – chủ tiệm vàng Kim Kim Xuân ở quận 8 – nói rằng đây cũng là hiện tượng thường thấy những năm qua. Sức mua buổi sáng mùng 10 thường rất mạnh bởi tâm lý “rước lộc cầu may”, nhưng mỗi khách chỉ mua tượng trưng 5 phân hoặc một chỉ. Từ trưa đến cuối ngày, lực bán lại chiếm ưu thế và giá quay đầu giảm do nhiều người tiếp tục chốt lời.
“Cách đây mấy năm, tôi có một khách mua mở hàng 2 chỉ, đến chiều đã ôm chục lượng ra bán”, ông Tớ kể.
Tuy nhiên, thống kê dữ liệu giá vàng một thập kỷ qua cho thấy kịch bản “tăng nhanh giảm sốc” trong ngày vía Thần Tài không hoàn toàn chiếm ưu thế. Một số năm trong dịp này, giá vàng cả ngày vẫn đi ngang bất chấp sức mua đột biến và nhiều sản phẩm được ưa chuộng như vàng ép vỉ có hình Thần tài, linh vật và nhẫn trơn cháy hàng từ sớm. Như năm 2021, giá vàng được giới quan sát đánh giá lặng sóng do chỉ tăng 50.000 đồng một lượng, thấp hơn nhiều so với mức tích luỹ hơn nửa triệu đồng trong khoảng một tuần trước đó.
Riêng diễn biến giá vàng sau ngày vía Thần Tài, thống kê gần chục năm qua cho thấy có đến 8 năm giá giảm mạnh. Mức giảm theo giá đóng cửa giữa hai phiên khoảng 100.000-300.000 đồng, có năm biến động hơn một triệu đồng. Những năm xuất hiện lực bán đột biến, một số hệ thống kim hoàn lớn còn phải nới rộng biên độ giữa giá mua và bán lên 1,5 triệu đồng, trong khi bình thường dưới một triệu đồng.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho rằng thị trường vàng hiện nay cạnh tranh không hoàn hảo (không nhiều người mua, người bán và không hình thành giá bình quân) nên chỉ cần một lực bán khoảng 1.000 lượng đã đủ khiến thị trường xoay chiều. Do đó, để giảm thiểu rủi ro xuất phát từ những nhóm đầu cơ trong dịp này, các nhà vàng thường nới rộng biên độ mua bán và điều chỉnh liên tục sau ngày vía Thần Tài.
Không chỉ sau một ngày mà nhiều ngày sau đó, giá vàng có xu hướng hạ nhiệt đáng kể so với ngày vía Thần Tài. Cụ thể, 6 trong 10 năm gần nhất ghi nhận giá vẫn đi xuống sau nửa tháng với mức giảm phổ biến khoảng 300.000 đồng một lượng, cũng có năm (như 2013), giá giảm gần 2 triệu đồng.
Riêng 2022 là trường hợp ngoại lệ khi giá vàng vẫn tăng bền bỉ sau dịp vía Thần Tài. Từ mức đóng cửa 62,2 triệu đồng vào ngày này, giá tăng lên 63,2 triệu sau một tuần và lên 65,8 triệu sau nửa tháng. Tuy nhiên, diễn biến này được các chuyên gia đánh giá có nguyên nhân bất thường là giá thế giới không ngừng tăng do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và lo ngại lạm phát kéo dài.
Phương Đông
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/kich-ban-gia-vang-dip-via-than-tai-chuc-nam-qua-4564889.html