Kênh đầu tư nào sinh lợi tốt nhất từ Covid-19 đến nay?
Gửi tiết kiệm, USD, vàng và chứng khoán là những kênh đầu tư truyền thống được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt với nhà đầu tư ít vốn và không chuyên.
Nếu làm một phép tính từ giai đoạn Covid-19 đến nay, với 100 triệu đồng phân bổ vào mỗi kênh đầu tư, khoản tiền nhà đầu tư nhận lại được sau ba năm có sự khác biệt đáng kể (không tính giao dịch lướt sóng, mua bán liên tục).
Vàng
Giá vàng miếng biến động mạnh trong hai năm Covid-19 và có xu hướng ổn định hơn trong phần lớn giai đoạn 2022. Tính chung trong ba năm qua, giá vàng miếng SJC tăng hơn 50%, từ 42 triệu đồng lên 67-68 triệu đồng một lượng vào cuối 2022.
Tình trạng bất ổn địa chính trị và kinh tế khiến nhà đầu tư trú ẩn vào kim loại quý, kéo giá vàng thế giới và trong nước lên cao. Bên cạnh đó, nguồn cung vàng miếng SJC hạn chế khiến “cầu lớn hơn cung”. Điều này theo giới buôn vàng, càng kéo giá vàng miếng lên cao và tách biệt với thế giới. Giá vàng miếng tăng mạnh hơn thế giới nhưng lại giảm chậm hơn hoặc thậm chí biến động ngược chiều, có những phiên chênh lệch giữa hai thị trường lên tới 20 triệu đồng một lượng.
Theo đó, với 100 triệu đồng bỏ vào vàng miếng từ đầu 2020, khoản tiền nhà đầu tư có được vào cuối 2022 là hơn 150 triệu đồng, tương đương mức sinh lời 50%. Thậm chí nếu nhà đầu tư bán ra đúng vào thời điểm vàng miếng đạt đỉnh 74 triệu đồng vào tháng 3/2022, mức sinh lời có thể đạt hơn 60%.
Như vậy, nếu không tính các giao dịch lướt sóng hay mua bán liên tục, vàng miếng là kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời vượt trội từ giai đoạn dịch Covid-19 đến nay.
Bên cạnh vàng miếng, vàng nhẫn tròn trơn và vàng trang sức nguyên liệu cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, nhưng mức giá biến động thấp hơn và cũng có độ vênh ít hơn so với giá thế giới.
Nhu cầu tìm đến vàng trong năm 2023 được Tổng cục thống kê dự báo sẽ cao hơn, do nhà đầu tư lo ngại kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Kênh đầu tư truyền thống này được giới chuyên gia dự đoán vẫn còn tiềm năng tăng giá nhưng mức độ biến động khó đạt được như giai đoạn trước.
Gửi tiết kiệm tiền đồng
Với kênh gửi tiết kiệm, môi trường lãi suất thấp đã kéo dài suốt phần lớn ba năm qua. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động từ 5-7% một năm, tuỳ theo ngân hàng.
Khoản tiền 100 triệu đồng nếu gửi tiết kiệm 12 tháng từ đầu 2020, tự động tái tục cả gốc lẫn lãi sẽ gia tăng lên 122-125 triệu đồng vào cuối 2022.
Giai đoạn lãi suất thấp khiến dòng tiền có thời điểm từng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác “bùng nổ” hơn như chứng khoán, bất động sản. Tới nửa cuối 2022 đến nay, lãi suất tăng nhanh và mạnh khi thanh khoản hệ thống căng thẳng, khiến các khoản tiền gửi đáo hạn vào 2023 sẽ có mức lãi tốt hơn, lên tới 8-11% một năm.
Môi trường lãi suất cao, theo giới phân tích, sẽ tiếp tục duy trì ít nhất tới hết nửa đầu 2023. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, dư địa tăng lãi suất huy động và cho vay vẫn còn trong năm nay. Quá trình tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp diễn ít nhất cho tới hết nửa năm 2022 khiến VCBS dự báo, lãi suất đạt đỉnh vào nửa đầu năm nay, sau đó đi ngang và hạ nhiệt dần.
USD
USD là kênh trú ẩn sinh lời kém nhất tính trong ba năm qua. 100 triệu đồng nhà đầu tư bỏ ra mua USD vào đầu 2020 tới cuối 2022 chỉ có giá trị khoảng 101 triệu đồng (tính theo tỷ giá mua, bán chính thức của Vietcombank).
Tỷ giá USD/VND có những những lúc biến động mạnh nhưng trong thời gian rất ngắn, gần đây nhất là vào quý III/2022, nhưng sau đó cũng nhanh chóng “hạ nhiệt”.
Với chính sách chống đôla hoá nền kinh tế và kiểm soát tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, người giữ USD gần như không có lãi trong ba năm qua. Thậm chí, người cầm USD còn chịu thiệt nếu tính đến “chi phí cơ hội” so với việc gửi tiết kiệm bằng tiền đồng.
Trong năm 2023, các chuyên gia của SSI dự báo tỷ giá USD/VND sẽ không biến động mạnh như năm trước trong bối cảnh đồng bạc xanh được kỳ vọng đã lập đỉnh vào cuối 2022 và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào giữa năm 2023.
Cổ phiếu
Cổ phiếu là hình thức đầu tư rủi ro lớn hơn nhiều so với gửi tiết kiệm, giữ vàng và USD. Do đó, mức hiệu suất sinh lời của kênh này tuỳ thuộc vào từng ngành, từng cổ phiếu, thời điểm mua bán và chiến lược của từng nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên nếu dựa trên VN-Index, chỉ số này có nhiều thời điểm cao gấp đôi so với vùng “đáy” 660 điểm vào cuối tháng 3/2020.
Cũng bỏ tiền vào chứng khoán nhưng nếu đầu tư gián tiếp thông qua quỹ mở, lấy ví dụ quỹ cổ phiếu của Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), mức sinh lời tại phần lớn thời điểm ghi nhận trong ba năm qua tốt hơn so với VN-Index.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn tìm kiếm cơ hội sinh lời từ một số kênh khác như bất động sản hoặc tiền số… Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn thích hợp cho những nhà đầu tư không chuyên.
Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/kenh-dau-tu-nao-sinh-loi-tot-nhat-tu-covid-19-den-nay-4564117.html