Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Giá xăng dầu năm nay sẽ ra sao?

Giá xăng dầu năm nay sẽ ra sao?

Với dự báo giá xăng dầu thành phẩm giảm 12-20% so với 2022, giá trong nước sẽ khó có những “đợt sóng mạnh”.

2022 là năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu thế giới. Bình quân giá các mặt hàng xăng dầu ở mức 110-120 USD một thùng, tăng 40,5-60% so với 2021.

Giá “vàng đen” phụ thuộc rất lớn vào biến động địa chính trị, nên không ngạc nhiên khi dự báo của các tổ chức quốc tế về thị trường nhiên liệu liên tục thay đổi.

Trong báo cáo đưa ra đầu tháng này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu thô Brent năm 2023 tương đối ổn định quanh mức 85 USD một thùng trong quý II, sau đó giảm từ quý III cho đến cuối năm 2024. Theo đó, mỗi thùng dầu Brent sẽ có giá bình quân 83 USD năm nay, và giảm về 79 USD vào năm 2024 do lượng dầu tồn kho trên toàn cầu tăng.

Giá dầu thô WTI (giá tham chiếu của Mỹ) cũng có diễn biến tương tự, ở mức trung bình 77 USD một thùng trong năm 2023 và 72 USD mỗi thùng trong 2024.

Tuy nhiên những diễn biến mới từ động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc và mạnh tay cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu cho các nhà máy lọc dầu tư nhân của chính quyền Bắc Kinh… khiến giới phân tích cho rằng nhu cầu dầu sẽ khởi sắc mạnh. Goldman Sachs trong báo cáo vừa công bố đưa ra dự báo giá dầu sẽ vượt 100 USD một thùng trong năm nay và nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2,7 triệu thùng một ngày, dẫn tới nguy cơ thị trường thiếu cung vào nửa sau của năm nay.

Goldman Sachs cho rằng nếu giá dầu yếu hơn dự báo, OPEC+ (liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và một số thành viên ngoài khối gồm Nga) sẽ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng đã công bố, hoặc giảm nhiều hơn để giữ giá dầu.

Người dân đổ xăng trên đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức, TP HCM), tháng 10/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Người dân đổ xăng trên đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức, TP HCM), tháng 10/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Với biên độ giá dầu thô vẫn ở mức cao, Hãng nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie dự báo giá thành phẩm xăng dầu thế giới năm nay quanh mức 95-105 USD một thùng. Bộ Công Thương đánh giá, mức này giảm khoảng 12-20% so với giá bình quân năm ngoái, song vẫn ở mức cao nên sẽ ảnh hưởng tới kinh tế trong nước.

Giá xăng dầu trong nước thực tế phụ thuộc rất lớn và trực tiếp từ giá thế giới. Biến số chiến sự Nga – Ukraine, hay việc Trung Quốc mở cửa tới đâu sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19… sẽ là ẩn số tác động lớn tới giá nhiên liệu này trong nước. Năm ngoái, giá bán lẻ xăng trong nước đã tăng 29-38%, còn dầu 55,6-59,8% so với bình quân năm trước đó.

Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) nhìn nhận, mặt bằng giá nhiên liệu vẫn biến động trong năm nay do phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá thế giới và các ẩn số tình hình địa chính trị toàn cầu, nhưng sẽ khó vượt mức đỉnh đã lập hồi giữa năm 2022, tức gần 33.000 đồng mỗi lít xăng.

Trong khi đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính lạc quan hơn. Ông cho rằng, nhiều lo ngại Trung Quốc mở cửa sẽ hút lượng lớn nhiên liệu sản xuất, khiến giá năng lượng đắt đỏ hơn. Không loại trừ khả năng này nhưng ông Thịnh tin, mức tăng giá của nhiên liệu sẽ không nhiều.

“Giá dầu thô dự báo quanh mức 80 USD một thùng, nên giá thành phẩm xăng dầu biến động nhẹ. Vì thế giá bán lẻ trong nước xoay quanh mức như hiện tại, hoặc tăng nhẹ, chứ khó đột biến như thời điểm giữa năm ngoái”, ông Thịnh nói.

Giá xăng dầu trong nước được cơ quan quản lý điều hành theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thông qua hai giải pháp chủ yếu là nguồn cung và điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá bán (thuế, phí…).

Ở khía cạnh nguồn cung, Việt Nam hiện có 2 nhà máy lọc dầu (Bình Sơn và Dung Quất) sản xuất, cung ứng khoảng 70-75%, còn lại nhập khẩu 25-30% cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Năm ngoái Lọc dầu Nghi Sơn đạt công suất trung bình cả năm gần 88% tương ứng 33 chuyến dầu thô (8,9 triệu tấn). Tổng lượng hàng sản xuất và cung cấp ra thị trường 7,4 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có 7,7 triệu m3 xăng dầu cho thị trường nội địa. Năm nay nhà máy này đặt mục tiêu công suất gần 80% do có gần 2 tháng bảo dưỡng tổng thể, tương ứng chế biến khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô.

Trong khi đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất khoảng 7 triệu m3 xăng, dầu cho thị trường trong năm ngoái.

Tình hình tiêu thụ năm nay tăng cao để phục hồi sản xuất, kinh tế sau dịch Covid-19, Bộ Công Thương dự kiến sản lượng xăng dầu tiêu thụ tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Cơ quan này đã phân giao tổng lượng xăng dầu nhập khẩu (từ các nhà máy lọc dầu trong nước, nhập khẩu nước ngoài) cho các doanh nghiệp đầu mối, gần 26 triệu m3, tấn. Trong đó, xăng đạt xấp xỉ 11 triệu m3, chiếm trên 42%; dầu diesel 14,5 triệu m3, chiếm gần 56% tổng cầu tiêu dùng. Ngoài ẩn số tình hình địa chính trị thế giới, theo các chuyên gia, việc hai nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn, Dung Quất) đều có kế hoạch bảo dưỡng tổng thể kéo dài. Vì thế, nguồn cung là vấn đề cơ quan quản lý cần tính toán kỹ, phân giao lượng nhập khẩu bù đắp cho các đầu mối sớm, sát… để tránh rơi vào tình trạng thiếu cục bộ.

Theo đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ bảo dưỡng tổng thể lần đầu từ 25/8 trong 55 ngày, còn với Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5, kéo dài 50 ngày từ 22/6. Đơn vị này cũng lên phương án rút ngắn thời gian bảo dưỡng khoảng 5-7 ngày so với kế hoạch.

Nhưng ông Bùi Ngọc Bảo nói không nên quá lo lắng chuyện nguồn cung khi các nhà máy lọc dầu trong nước bảo dưỡng. Chưa kể, Bộ Công Thương đã tính toán và đưa ra phương án phân giao tổng nguồn tăng 10% so với năm ngoái.

“Các nhà máy cần thông báo rõ ràng và thực hiện đúng cam kết về thời gian bảo dưỡng, lượng hàng tồn dự trữ… để nhà chức trách tính toán phương án tăng nhập khẩu bù đắp nếu thiếu”, ông nói.

Mặt khác theo ông, nhà chức trách vẫn còn công cụ điều tiết thông qua Quỹ bình ổn xăng dầu, giảm thuế, phí trong cơ cấu giá bán lẻ… trong trường hợp biến động bất thường về giá. Năm nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu giảm 50% so với biểu khung thuế đến hết năm 2023, tức mỗi lít xăng (trừ ethanol) chịu 2.000 đồng; các mặt hàng dầu (trừ dầu hoả) là 1.000 đồng mỗi lít; dầu hoả 600 đồng, mỡ nhờn 1.000 đồng…

Dư địa giảm tiếp thuế này vẫn còn, nên khi xảy ra tình huống bất thường, nhà chức trách có thể tính toán, đề xuất cấp có thẩm quyền đưa về mức sàn của biểu khung thuế.

“Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động có tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Cơ quan quản lý cần theo dõi sát, chặt chẽ để có kịch bản điều hành linh hoạt, hợp lý, tránh bị động”, ông Bảo lưu ý.

Anh Minh

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/gia-xang-dau-nam-nay-se-ra-sao-4559979.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện