Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

GDP bình quân đầu người năm 2050 có thể tới 32.000 USD

GDP bình quân đầu người năm 2050 có thể tới 32.000 USD

Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5-7,5% một năm vào giai đoạn 2031-2050 và GDP bình quân đầu người đến 2050 khoảng 27.000 – 32.000 USD.

Sáng 5/1, phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo ông Dũng, quy hoạch giai đoạn trước bộc lộ những hạn chế, yếu kém khi không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính; liên kết vùng yếu, đầu tư dàn trải, chưa hình thành khung kết cấu hạ tầng, đô thị phân bổ chưa hợp lý…

Nguyên nhân được Chính phủ nhìn nhận, do tư duy phát triển còn dàn trải, thiếu trọng tâm. “Thiếu quy hoạch mang tính tổng thể, thiếu cơ chế, chính sách và chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành khung kết cấu hạ tầng quốc gia…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, đọc tờ trình Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia, sáng 3/1. Ảnh: Phạm Thắng

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, đọc tờ trình Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia, sáng 3/1. Ảnh: Phạm Thắng

Vì thế, lần trình Quy hoạch tổng thể quốc gia này, Chính phủ lập, đưa ra quan điểm tổ chức không gian phát triển hiệu quả, trọng điểm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

Hai kịch bản tăng trưởng, phát triển được Chính phủ đưa ra tại báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Kịch bản thấp, mục tiêu GDP bình quân đạt 7% giai đoạn 2021-2030 và GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 7.500 USD.

Kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5 – 7,5% một năm vào giai đoạn sau 2030, đến 2050. Cùng đó, thu nhập bình quân đầu người đến 2050 đạt 27.000 – 32.000 USD.

Năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành khoảng 95,6 triệu đồng một người, tương đương hơn 4.100 USD, tăng gần 400 USD so với 2021.

Như vậy, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tới 2030 sẽ gấp gần 2 lần và tới năm 2050 gấp 8 lần so với thu nhập hiện nay.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh Ủy ban Kinh tế nhận xét kịch bản thấp là thận trọng, trong khi đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất cao nếu thực hiện theo kịch bản cao.

Để tránh xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng cao vượt quá khả năng đáp ứng nguồn lực đầu tư, ông Thanh cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc nghiên cứu, bổ sung “kịch bản trung bình”.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn kế hoạch thực hiện cụ thể với hai kịch bản tăng trưởng, cũng như nguồn lực để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

Chẳng hạn, với mục tiêu tăng trưởng 7% giai đoạn 2021-2030 thì quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng để huy động vốn đầu tư, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng) .

Hay theo báo cáo quy hoạch của Chính phủ, vốn đầu tư ngân sách, khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy nhu cầu về vốn đầu tư cho xây dựng các công trình thuỷ lợi, đê điều, công trình phòng, chống ngập, úng, giao thông đường sắt… là rất lớn, trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế.

Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, để xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia, sáng 5/1. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia, sáng 5/1. Ảnh: Phạm Thắng

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đưa ra định hướng phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế, trên cơ sở vùng kinh tế trọng điểm hiện nay.

Theo đó, vùng động lực phía Bắc gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Vùng động lực phía Nam là TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu. Vùng miền Trung có khu vực ven biển Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các cực tăng trưởng tương ứng mỗi vùng là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên, như hành lang kinh tế Bắc – Nam và 2 hành lang kinh tế Đông – Tây là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Mộc Bài – TP HCM – Vũng Tàu.

Về định hướng phát triển với các ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng Dũng cho hay sẽ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ số, kinh tế tuần hoàn…

Ngành dịch vụ sẽ xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính… mang tầm khu vực và thế giới; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến…

Mạng lưới kết cấu hạ tầng sẽ tập trung xây dựng đường bộ cao tốc kết nối trung tâm kinh tế lớn, các vùng động lực, hành lang kinh tế; đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn.

Ngoài ra, tờ trình cũng nêu ra định hướng phát triển không gian biển, khai thác và sử dụng vùng trời, giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tổ chức không gian phát triển vùng và định hướng liên kết vùng, định hướng sử dụng đất quốc gia.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét, các giải pháp đưa ra chưa cụ thể hoá những định hướng phát triển. “Các giải pháp cơ chế, chính sách đưa ra còn chung chung, chưa mới, chưa đột phá”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung các định hướng về chính sách chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xã hội về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân… trong bối cảnh mới.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 6/1, và hội trường ngày 7/1, trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết về vấn đề này ngày 9/1.

Anh Minh

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/gdp-binh-quan-dau-nguoi-nam-2050-co-the-toi-32-000-usd-4556404.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện