Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Doanh nghiệp Trung Quốc đổ đi nước ngoài tìm lại đơn hàng

Doanh nghiệp Trung Quốc đổ đi nước ngoài tìm lại đơn hàng

Các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đang đổ xô cử các phái đoàn kinh doanh ra nước ngoài để cố gắng tìm lại đơn hàng.

Trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên sau 3 năm, Chen Yuan, nhà xuất khẩu máy tính và phụ kiện điện thoại, chọn Dubai là điểm đến. Ông mô tả việc gặp gỡ các khách hàng lâu năm là “cuộc hội ngộ thú vị của những người bạn cũ”.

“Trong ba năm, họ không vào Trung Quốc, còn chúng tôi thì không ra ngoài. Một khách hàng rất vui và nói với tôi rằng ‘lâu lắm rồi mới nhìn thấy khuôn mặt người Trung Quốc'”, Chen kể lại.

Đó là hôm 6/12, khi Chen cùng khoảng hơn chục doanh nhân và quan chức Ninh Ba (Chiết Giang), đi xúc tiến thương mại. Sau 4 ngày gặp gỡ với các khách hàng cũ và mới, tham dự các sự kiện thương mại ở Trung Đông, họ bay đến Jakarta với hoạt động tương tự.

Vào ngày Chen đặt chân đến Indonesia, một nhóm doanh nghiệp của Gia Hưng vừa trở về từ Nhật Bản trên một chuyển bay thuê bao cho chính quyền thành phố tổ chức. Họ bao gồm 90 đại diện các công ty dệt may đến dự Hội chợ Thời trang Châu Á kéo dài ba ngày ở Tokyo.

“Trước đây, việc ra nước ngoài gặp gỡ khách hàng là rất phổ biến, vì vậy chúng tôi không trân trọng cơ hội nhiều như bây giờ”, Shen Wei, doanh nhân trong đoàn của thành phố Gia Hưng cho biết.

Khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch, chính quyền các địa phương đổ xô cử các phái đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài, cố gắng bù đắp cho ba năm phong tỏa khiến xuất khẩu giảm dần và đầu tư nước ngoài đi xuống.

Hai tháng qua, các lãnh đạo Chiết Giang, Giang Tô và Quảng Đông – những trung tâm xuất khẩu lớn – và các tỉnh có kinh tế mạnh như Tứ Xuyên và Sơn Đông đã cùng các chủ doanh nghiệp đi tham dự các hội chợ thương mại và xây dựng các mối quan hệ mới ở châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi. Với hầu hết, đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi Covid-19 xuất hiện vào cuối 2019.

Trung Quốc tất bật tìm lại đơn hàng xuất khẩu sau 3 năm tách biệt

Ảnh đồ họa tượng trưng cho làn sóng đi xúc tiến thương mại để nối lại chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nguồn: SCMP

Gao Zhendong, nhà tư vấn cho các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư vào Đông Nam Á cho biết đây là tín hiệu tích cực và cần thiết với các nhà sản xuất, xuất khẩu nước này. “Chúng tôi mong đợi có sự bùng nổ lớn hơn trong các hoạt động thương mại như vậy vào đầu năm tới”, ông nói.

Một số thách thức thương mại có thể được khắc phục bằng cách duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng, lý tưởng nhất là thông qua tương tác trực tiếp. Nhưng hầu hết các nhà xuất khẩu Trung Quốc – đặc biệt là quy mô nhỏ và siêu nhỏ với ngân sách eo hẹp – từng gặp khó bởi nhiều quy định như cách ly khách sạn dài ngày lúc trở về, vé máy bay quốc tế đắt đỏ, các chuyến đi bị hủy do dịch hay không được cấp thị thực.

Nhưng giờ đây, ngoài việc trợ cấp một số chi phí chuyến bay và khách sạn, các chuyến đi do chính quyền tổ chức cũng đảm bảo rằng việc xin thị thực sẽ diễn ra suôn sẻ và sẽ có các chuyến bay khứ hồi. Điều này rất quan trọng đối với những doanh nhân đang cân nhắc việc mạo hiểm ra nước ngoài.

“Chỉ cần ngồi cùng nhau và trò chuyện với nhau sẽ hữu ích hơn là viết hàng trăm email”, Shen nói. Ông vừa đàm phán được đơn hàng mới trị giá một triệu USD sau khi gặp khách hàng ở Hàn Quốc lần đầu tiên sau 3 năm, trước chuyến đi Nhật Bản.

Tìm kiếm khách hàng mới thậm chí còn cấp bách hơn với Chen, người đã chứng kiến thị phần sản phẩm của mình tại Mỹ – trước đây là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của ông – bị thu hẹp kể từ khi chính quyền Trump áp đặt mức thuế 25%.

“Nhu cầu từ châu Âu cũng đang giảm; cuộc khủng hoảng năng lượng và Ukraine cũng đang ảnh hưởng đến chúng tôi”, Chen nói.

Mở rộng thị trường sang Trung Đông và Đông Nam Á là mục tiêu của Chen khi tham gia phái đoàn do chính quyền Ninh Ba tổ chức. “Nếu không ra nước ngoài, tôi sẽ không có cơ hội gặp những khách hàng tiềm năng đó”, Chen nói.

Trung Quốc vẫn yêu cầu những người nhập cảnh phải dành thời gian cách ly tại khách sạn và tại nhà. Số lượng các chuyến bay quốc tế vẫn chưa trở lại bình thường. Vì vậy, những người có thể đi nước ngoài vẫn là thiểu số.

Bất chấp những rào cản, một số nhà xuất khẩu nhận thấy chi phí mắc kẹt ở Trung Quốc lớn đến mức vẫn buộc phải tự xuất ngoại thay vì chờ chính phủ chủ động. Lu Hua, chủ một công ty gia công linh kiện và khuôn mẫu chính xác tại Quảng Đông, đã thăm khách hàng ở Bắc Mỹ hồi tháng 10 và chuẩn bị mở nhà máy mới ở Việt Nam.

Đoàn của ông trở lại Trung Quốc vào cuối tháng 11, trước khi Bắc Kinh nơi lỏng chính sách chống dịch. Lu từng lo lắng sẽ gặp khó bởi các nhân viên hải quan và có nguy cơ không được chấp thuận xuất cảnh khi khởi hành. Nhưng vài ngày sau khi trở về, ông nhận thấy sự thay đổi đột ngột trong thái độ của chính quyền. “Từ lãnh đạo cao nhất đến chính quyền địa phương, các công ty xuất khẩu được khuyến khích ra nước ngoài để thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn”, Lu nói.

Dù vậy, những tổn thương do thời gian dài tách biệt có thể không được xoa dịu ngay lập tức, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển đang giảm, suy thoái kinh tế xuất hiện và quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tăng tốc.

“Sẽ cần có thời gian để bù đắp, quá trình này sẽ không nhanh chóng”, Chen nói. Với ngành công nghiệp dệt may cấp thấp đã chuyển sang nơi khác, Mỹ và châu Âu giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc, và sự gián đoạn sản xuất do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt, khách hàng nước ngoài đã đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung cấp thay thế thời gian qua.

“Khách hàng nước ngoài quan tâm nhất đến sự ổn định của chuỗi cung ứng, nghĩa là liệu sản phẩm có được giao đúng hạn hay không. Khi sự bất ổn trong sản xuất gia tăng ở Trung Quốc, họ dần tìm kiếm các thay thế ở Đông Nam Á”, Shen nói.

Lu Hua cũng cho biết một số đơn hàng có thể đã bị mất vĩnh viễn khi ngày càng nhiều công ty đa quốc gia thực hiện cái gọi là chiến lược Trung Quốc cộng một, bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra khỏi nước này.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn hậu cần Descartes, nhập khẩu hàng bằng container của Mỹ trong tháng 10 đã tăng 0,2% so với tháng 9. Nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 5,5%, xuống 45.071 TEU. Sự sụt giảm từ Trung Quốc được bù đắp bằng gia tăng từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước khác.

Christian Roeloffs, Đồng sáng lập kiêm CEO nền tảng trực tuyến về hậu cần Container xChange, cho biết những nỗ lực hướng tới đa dạng hóa nguồn cung ứng và sản xuất chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra.

“Tốc độ đa dạng hóa tỷ lệ thuận với những gián đoạn ở Trung Quốc do nhiều yếu tố như chiến lược zero Covid, tiếp tục ngừng sản xuất và căng thẳng địa chính trị. Nếu chúng xảy ra nhanh hơn, quá trình đa dạng hóa cũng tăng theo”, vị này nói.

Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu đã giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, sau khi giảm 0,3% trong tháng 10. Nhiều chính quyền địa phương có kế hoạch cử thêm phái đoàn ra nước ngoài để tìm lại các đơn hàng, nhưng hầu hết nhà kinh tế dự đoán xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm tới, khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng lo lắng về sự cạnh tranh khốc liệt hơn khi thị phần của họ bị thu hẹp. Shen đánh giá môi trường chung đang rất khắc nghiệt. Trong khi đó, Lu cho rằng chính quyền cần phải làm nhiều hơn nữa để khôi phục niềm tin của khách hàng nước ngoài vào chuỗi cung ứng của đất nước.

“Điều đó cần rất nhiều sự chuẩn bị và hỗ trợ từ chính phủ để khách hàng nước ngoài có thể thấy rằng Trung Quốc đã đưa ra các chính sách thực dụng hơn để đảm bảo rằng người dân có thể đi lại tự do, chuỗi cung ứng sẽ không bị khóa”, ông nói.

Phiên An (theo SCPM)

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-trung-quoc-do-di-nuoc-ngoai-tim-lai-don-hang-4550943.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện