Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Doanh nghiệp địa ốc ‘thắt lưng buộc bụng’ năm 2023

Doanh nghiệp địa ốc ‘thắt lưng buộc bụng’ năm 2023

Nhiều nhà phát triển bất động sản lên kế hoạch tiết kiệm chi phí, giảm tốc đầu tư, giãn tiến độ dự án, hạ phân khúc sản phẩm để vượt khó trong các tháng tới.

Do các dự báo diễn biến thị trường bất động sản vẫn còn nhiều thách thức trong năm Quý Mão, đa số doanh nghiệp chọn phương án kinh doanh an toàn, phòng thủ để giảm thiểu rủi ro. Ghi nhận của VnExpress tại 10 công ty địa ốc tại TP HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, hơn 70% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết chọn kịch bản kinh doanh thận trọng trong năm nay.

Phó tổng giám đốc một công ty bất động sản đang phát triển nhà liền thổ tại TP Thủ Đức tiết lộ, năm 2023, doanh nghiệp giảm 30-50% lượng vốn đầu tư và giảm tốc độ thi công dự án để tránh áp lực dòng tiền. Lãnh đạo doanh nghiệp này giải thích, do lo ngại sức mua của thị trường chưa thể phục hồi trong 3 quý đầu năm, công ty sẽ chủ động chậm lại vài nhịp mọi hoạt động liên quan đến chi tiêu dòng vốn lớn, nhằm ưu tiên dự trữ nguồn lực để phòng thủ trong 12 tháng tới.

“Năm 2023 chỉ cần vượt khó là đã đạt mục tiêu. Việc tăng trưởng và bứt phá sẽ là nhiệm vụ của chu kỳ 2024-2025”, ông nói.

Tương tự, chủ tịch HĐQT một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 3, TP HCM cho biết trong 12 tháng tới doanh nghiệp đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu, thu hẹp nhân sự, tái cấu trúc sản phẩm và tăng trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Ông cho hay, từ việc chỉ phát triển dòng sản phẩm có giá trung bình trên dưới 3 tỷ đồng trong nửa thập kỷ trước, năm Quý Mão, công ty hạ phân khúc sản phẩm xuống, tập trung phát triển loại nhà ở có giá trên dưới 1,5 tỷ đồng tại khu Đông TP HCM.

Thị trường bất động sản khu Nam TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Thị trường bất động sản khu Nam TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cũng chia sẻ, năm Quý Mão doanh nghiệp ưu tiên tái cấu trúc sản phẩm song song với tái cấu trúc bộ máy và chủ yếu vận hành bằng dòng tiền tích lũy.

Thanh khoản thị trường khá yếu trong năm 2022, nhiều khả năng tiếp tục kéo dài sang năm 2023 nên công ty nhắm đến phát triển bất động sản đáp ứng nhu cầu thật. Đây là loại nhà ở thuộc phân khúc vừa túi tiền, có giá trên dưới một tỷ đồng một căn ở tỉnh giáp ranh phía Tây Nam TP HCM, cũng là dòng sản phẩm có nhu cầu lớn nhưng khan hiếm nguồn cung trên thị trường suốt nhiều năm qua.

Ông Quyền phân tích, khó khăn của thị trường hiện nay có liên quan nhiều đến tâm lý, khủng hoảng niềm tin khi người chưa mua đang có xu hướng do dự, chần chừ ra quyết định. Ngược lại, người đã mua tài sản lại gặp khó khăn thanh toán tiếp theo tiến độ, muốn rời đường đua do đuối tài chính. Để giải quyết bài toán thanh khoản, các sản phẩm tung ra thị trường năm 2023 phải nhắm đến các tiêu chuẩn bền vững như: giá bán hợp lý, đáp ứng được nhu cầu ở thật và nằm trong khả năng chi trả của số đông.

Trong khi đó, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM có trụ sở tại quận 10 nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường bất động sản và nền kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp tục khó khăn năm 2023, công ty chủ động thực hiện chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp liên tục rà soát và bán bớt một số dự án không phù hợp để linh hoạt dòng tiền trong những quý tới. “Công ty không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng trong năm Quý Mão mà ưu tiên ổn định hệ thống, cải thiện các chỉ số tài chính về mức an toàn hơn”, ông nói.

Trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp bất động sản thuộc top 5 khu vực phía Nam, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, đánh giá có đến 80% doanh nghiệp tiết lộ họ chọn đầu tư kinh doanh thận trọng và cắt giảm trong năm 2023. Phản ứng này được xem là phù hợp với tình hình thực tế, khi quá trình sàng lọc thị trường địa ốc trở nên bức thiết trong ngắn và trung hạn.

Các khó khăn chung của doanh nghiệp địa ốc năm 2022 gồm: mất thanh khoản, thiếu vốn, tắc pháp lý, nợ lớn, chịu lãi vay cao, theo ông Nghĩa, đã lên đến đỉnh điểm tạo thành mầm bệnh và sẽ tiếp tục kéo dài di chứng sang năm Quý Mão. 12 tháng tới là thời gian quan trọng để các doanh nghiệp tìm ra biện pháp điều trị nhằm chữa dứt các triệu chứng bệnh tật đã trở nặng thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình điều trị này diễn ra đầy khó khăn khi các nguồn lực đều yếu, dẫn đến đa số các doanh nghiệp có xu hướng thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi phí, giảm tốc đầu tư, giãn tiến độ dự án, hạ phân khúc sản phẩm để vượt bão.

Sức khỏe của các chủ đầu tư địa ốc bao gồm cả quy mô lớn lẫn quy mô vừa và nhỏ, đều sẽ trở thành tâm điểm chú ý trong năm 2023 khi nhất cử nhất động của các doanh nghiệp đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Chẳng hạn, chỉ cần một doanh nghiệp địa ốc xuất hiện dấu hiệu kinh doanh sa sút hoặc mất thanh khoản cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thị trường do hiệu ứng tâm lý lây lan.

Vì vậy, theo ông Nghĩa, chiến lược thắt lưng buộc bụng của các doanh nghiệp trong 12 tháng tới có mặt tích cực là chặn đứng chu kỳ đầu tư kinh doanh bùng nổ một cách dễ dãi, mở ra chu kỳ đầu tư kinh doanh thận trọng nhưng hướng đến sự phát triển bền vững hơn.

Trong chỉ thị của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau Tết Quý Mão mới đây, Ngân hàng Nhà nước được giao có biện pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với doanh nghiệp và người mua. Thủ tướng cũng lưu ý thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản; cơ cấu lại thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Vũ Lê

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-dia-oc-that-lung-buoc-bung-nam-2023-4563630.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện