Đại biểu Quốc hội: Quy hoạch quốc gia vẫn dàn trải, ôm đồm
Ngày 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nêu ý kiến, ông Trịnh Xuân An, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh, đại biểu tỉnh Đồng Nai, ví “quy hoạch tổng thể quốc gia như người lính mở đường, tạo động lực phát triển” nên phải được tính toán khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược rõ ràng.
“Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là định hướng lớn để phát triển đất nước, không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đã được Đại hội Đảng ban hành”, ông An nhận xét.
Ông cũng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên đưa ra quá chi tiết các mục tiêu, chỉ cần quy định các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu để các ngành, địa phương có căn cứ lập quy hoạch cấp thấp hơn một cách chủ động.
“Những nội dung nào là lợi thế so sánh, cạnh tranh phải nêu rất rõ trong quy hoạch, chứ dàn trải, ôm đồm chỗ nào cũng ghi một chút sẽ không rõ được những gì chúng ta có khả năng trở thành điểm sáng thế giới”, ông An nhấn mạnh.
Đồng tình, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị nêu dẫn chứng, dự thảo quy hoạch đưa ra hai kịch bản tăng trưởng với những con số “quá chi tiết”.
Kịch bản thấp, dự báo tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3% một năm giai đoạn 2021-2030 và 6,5% một năm 2031-2050, Việt Nam đạt nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Kịch bản cao (kịch bản phấn đấu), dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7% một năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng đạt 7,2% một năm giai đoạn 2031-2050.
Theo ông Đồng, nếu mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, rõ ràng cần chọn phương án tăng trưởng cao, nhưng nhìn lại những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế – xã hội thời gian qua thì tính khả thi không cao.
“Với quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia, cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh. Do đó, quy hoạch không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển, hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị góp ý.
Trường hợp vẫn giữ các chỉ tiêu cụ thể ở kịch bản tăng trưởng cao, ông Đồng đề nghị làm rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai ra sao để tạo ra đột phá, động lực hay những trụ cột chính cho phát triển. Tương tự, các mục tiêu về mức thu nhập bình quân đầu người như tới năm 2050 đạt ngưỡng 27.000-32.000 USD một người, cũng cần được tính toán rất kỹ. “Quy hoạch tổng thể quốc gia cần ưu tiên cho không gian phát triển, hơn là những con số quá cụ thể”, ông Đồng nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương cũng nhận xét, Quy hoạch tổng thể quốc gia thiếu trọng tâm, trọng điểm” khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng và chưa đúng với quan điểm về tổ chức không gian phát triển.
Theo bà Nga, 6 vùng không gian phát triển đều có sản phẩm du lịch chính gần như giống nhau. 4/6 vùng xác định sản phẩm du lịch chính là biển đảo, 5/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là sinh thái, 6/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là biên giới gắn với cửa khẩu…
“Có vẻ như đây là sự liệt kê tổng hợp tất cả sản phẩm du lịch hiện có của các vùng, chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể”, bà Nga nhận xét.
Vì thế, cần rà soát sản phẩm du lịch chính mỗi vùng theo hướng sản phẩm thật sự nổi trội, chứ không phải sự liệt kê có phần lộn xộn tất cả sản phẩm du lịch các vùng. “Khi xác định được sản phẩm du lịch chính, chúng ta mới có thể có phương hướng, kế hoạch tập trung đầu tư để phát triển. Còn cứ dàn trải, đầy đủ, e rằng lại rơi vào sự đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả và không khắc phục được những hạn chế đang tồn tại”, bà Nga nói.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là bản quy hoạch lần đầu được lập theo phương pháp tích hợp, song theo ông Tạ Văn Hạ, đại biểu tỉnh Quảng Nam, tính tích hợp lại chưa được thể hiện rõ. Ông nêu thực tế, việc tích hợp, kết nối các quy hoạch hiện là khó khăn nhất ở địa phương.
“Đi một đoạn đường đang rất đẹp, rất tốt, nhưng đến một đoạn khác rất xấu, sang bên kia lại thấy đẹp. Hỏi ra mới biết đó là khúc kết nối giữa hai huyện hoặc hai tỉnh”, ông Hạ nói và cho rằng đây là vấn đề cục bộ, địa phương chỉ biết đến lĩnh vực, địa phận của mình.
Ông lưu ý sự tích hợp giữa quy hoạch kinh tế xã hội và xây dựng. Quy hoạch xây dựng sẽ điều chỉnh rất nhiều, cần phải cụ thể, nhưng tích hợp với quy hoạch kinh tế xã hội thế nào lại chưa được thể hiện rõ trong dự thảo.
Góp ý thêm, ông Trịnh Xuân An nói, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xem xét những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư, đảm bảo khả thi và đáp ứng chiến lược cho đất nước thì đưa ra giải pháp cụ thể.
Chẳng hạn, những lĩnh vực như giao thông, đất đai, quốc phòng an ninh… nên được coi là quy hoạch “cứng” do Nhà nước đầu tư và cần chốt trong chiến lược phát triển chung. Còn các lĩnh vực như y tế, giáo dục… nên được xác định là quy hoạch “mềm” để xã hội hoá, huy động nguồn lực ngoài Nhà nước thực hiện.
Tức là, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải vừa có quy hoạch “cứng” và “mềm”, tránh đi vào chi tiết, chỉ tiêu quá cụ thể, thậm chí bó khung có thể hạn chế phát triển thời gian tới.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói đây là lần đầu Việt Nam xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, nên “rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song quan trọng, cấp thiết và các bộ, ngành địa phương đang rất mong đợi để lập các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành”.
Ông Dũng cũng nhìn nhận điểm khó nhất khi lập quy hoạch này là “làm sao không chung quá, không chi tiết quá”. Ông nói sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tinh thần quy hoạch chiến lược theo hướng phân vùng, liên kết vùng và xác định không gian phát triển đất nước… có trọng tâm, trọng điểm và tạo ra động lực phát triển mới.
Đề cập tới lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao, GDP đạt bình quân 7% một năm cho cả giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tác động, cân đối các nguồn lực, cũng như dự báo tình hình thế giới, yêu cầu phát triển của đất nước theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tới 2030.
Ông thông tin, sẽ cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương đương 35% GDP để thực hiện kịch bản này. Nguồn lực thực hiện sẽ được huy động từ Nhà nước, tư nhân, đối tác công tư (PPP), đầu tư nước ngoài…
Theo lịch trình, chiều 9/1, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới 2050.
Anh Minh – Sơn Hà
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/dai-bieu-quoc-hoi-quy-hoach-quoc-gia-van-dan-trai-om-dom-4557292.html