Châu Âu khó đưa lạm phát xuống dưới 2%
Kể từ tháng 7, ECB đã nâng lãi suất thêm kỷ lục 200 điểm cơ bản (2%). Đây là bước tiến lớn của cơ quan này trong việc kiềm chế lạm phát từng chạm 10,6% trong tháng 10.
Tuy nhiên, sức ép hiện vẫn rất lớn, khi giá năng lượng còn ở mức cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục và tốc độ tăng lương ngày một cao. Các biện pháp kích thích của chính phủ đang đi ngược lại chính sách thắt chặt của ECB. Tất cả những điều này cho thấy lạm phát sẽ chỉ giảm chậm trong những tháng đầu năm 2023.
Lạm phát lõi, vốn được ECB theo dõi sát hơn, vẫn ở mức cao. “Lạm phát lõi khó có khả năng chạm đỉnh cho đến giữa năm 2023 và sau đó sẽ chỉ giảm chậm. Với tình hình này, mục tiêu đưa lạm phát về 2% của ECB sẽ còn rất xa vời”, Christoph Weil – nhà kinh tế học tại Commerzbank nhận định.
Khi lạm phát giảm chậm, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể mất niềm tin vào cam kết của ECB. Họ sẽ điều chỉnh hành vi với lương và giá cả để phản ánh lạm phát cao hơn, từ đó khiến giá càng khó giảm.
Kịch bản này vẫn chưa xảy ra, nhưng lạm phát kỳ vọng dài hạn đang rất cao và tiếp tục đi lên. Tuần tới, ECB sẽ đưa ra các dự báo mới. Giới phân tích cho rằng các con số của ECB sẽ vẫn cao hơn mục tiêu trong năm 2024 và chỉ xuống 2% năm 2025.
Suy thoái được cho là sẽ giảm đáng kể áp lực giá. Tuy nhiên, đợt suy thoái này có thể nhẹ hơn dự báo, theo các số liệu gần đây từ niềm tin tiêu dùng đến sản lượng công nghiệp.
Các cơ sở dự trữ khí đốt cũng đã đầy, đồng nghĩa việc phân bổ hạn ngạch sử dụng khí đốt sẽ không diễn ra. Các chính phủ cũng đang giúp doanh nghiệp và hộ gia đình thông qua chính sách trợ cấp. Sự tắc nghẽn nguồn cung – vốn kéo lạm phát lên cao khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch – cũng đang hạ nhiệt.
“Tình hình hiện tại vẫn chưa cải thiện nhiều, nhưng các doanh nghiệp và hộ gia đình đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm rồi. Họ đang lạc quan hơn vào tương lai”, Katharina Koenz tại Oxford Economics nhận định, “Thị trường lao động vững chắc sẽ hỗ trợ các gia đình trong thời kỳ giá năng lượng cao”.
Dù vậy, thị trường lao động mạnh cũng có thể là một vấn đề. Tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu hiện ở mức thấp kỷ lục, với 6,5%. Các doanh nghiệp đã trải qua thời kỳ tuyển dụng khó khăn sau Covid-19 và rất ngại sa thải.
“Chúng tôi cho rằng các công ty sẽ lưỡng lự trong việc sa thải do đã chật vật tuyển dụng vài quý gần đây”, Raphael Brun-Aguerre – nhà kinh tế học tại J.P. Morgan nhận định.
Điều này khiến lương nhân công tăng lên, đẩy các nhà hoạch định chính sách vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, mức tăng là cần thiết do lạm phát khiến lương thực của người lao động đi xuống. Nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy sau vài năm tăng mạnh, tốc độ tăng lương sẽ quay về đúng mục tiêu của ECB.
“Tăng trưởng lương có thể đạt 4% cuối năm nay và giữ nguyên trong năm sau”, Bank of America Merrill Lynch cho biết.
Sức ép lạm phát có thể sẽ khiến ECB phải duy trì nâng lãi suất. Lãi tiền gửi 1,5% tại đây có thể tăng gấp đôi. “Tôi cho rằng giờ đề cập đến thời điểm kết thúc là quá sớm. Lãi suất có thể lên trên 3%”, thành viên hội đồng chính sách ECB Gabriel Makhlouf cho biết trên Reuters.
Hà Thu (theo Reuters)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/chau-au-kho-dua-lam-phat-xuong-duoi-2-4545375.html