Các lệnh trừng phạt Nga tác động lên kinh tế châu Âu thế nào
Bản đánh giá tác động này được các nước thực hiện trong bối cảnh EU thảo luận đề xuất cho gói trừng phạt thứ 9 áp lên Nga. Lần này, mục tiêu mới là lĩnh vực thiết bị bay không người lái của Nga. Ngoài ra, lệnh hạn chế với đầu tư, ngân hàng và xuất khẩu công nghệ cũng sẽ bị siết thêm.
Theo báo cáo, các lệnh trừng phạt đã gây ra vấn đề về chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như gỗ và kim loại quý. Tuy nhiên, việc gián đoạn quy mô lớn chủ yếu do các xu hướng trên thị trường toàn cầu, xung đột Nga – Ukraine và các biện pháp trả đũa của Moskva, Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết.
Lệnh cấm nhập khẩu gỗ khiến giá tăng và gây ra nhiều vấn đề về nguồn cung. Một số sản phẩm khan hiếm vì chiến sự và biện pháp đáp trả của Moskva hơn là lệnh trừng phạt, ví dụ như các loại khí hiếm neon và xenon, vốn cần thiết để sản xuất chip.
Cú sốc với nguyên vật liệu thô cần thiết đến nay vẫn chưa xảy ra. Nhập khẩu nhôm, nickel, titan vẫn tăng. Nhập khẩu vàng và palladium giảm nhẹ.
Một lĩnh vực khác chịu ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine là sự phụ thuộc của EU vào đường sắt của Nga trong trao đổi hàng hóa với Trung Quốc, báo cáo cho biết. Vấn đề này có khả năng ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển. Trong khi đó, giá thực phẩm, nông sản – vốn tăng vọt trước chiến sự – hiện bắt đầu giảm nhờ sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
EU đang nỗ lực khiến các lệnh trừng phạt gây tổn thương cho Nga nhiều hơn là các nước thành viên. Hungary – quốc gia vẫn phản đối một số chính sách trừng phạt của EU – đã đổi lỗi cho lệnh trừng phạt của khối này khiến kinh tế Hungary xuống dốc. Dù vậy, bản phân tích vừa công bố chỉ ra những chỉ trích này đã bị phóng đại.
Tính đến cuối tháng 11, EU đã chấp thuận hơn 150 biện pháp cấp quốc gia nhằm giảm thiểu các cú sốc từ việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo bản đánh giá, các chính sách trên có quy mô 525,5 tỷ euro (554 tỷ USD).
EU đã nỗ lực làm rõ hoặc thậm chí chỉnh sửa các biện pháp trừng phạt để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến xuất khẩu lương thực của Nga, hoặc kìm hãm nguồn thu dầu mỏ của nước này quá nhiều.
Các chính sách hạn chế xuất khẩu của EU cũng được thiết kế nhằm hạn chế tác động từ chuỗi cung ứng. Tỷ trọng hàng hóa Nga đã giảm xuống còn 9% tổng nhập khẩu, thay vì 40-45% trước chiến sự. Các sản phẩm nhập khẩu chủ chốt được thay thế bằng hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Trước xung đột Nga – Ukraine, kinh tế EU được dự báo tăng trưởng mạnh, quay về tiền đại dịch. Tuy nhiên, cuộc chiến đã khiến giá cả tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, gây sức ép lên tài chính công của các nước muốn giảm thiểu tác động từ giá năng lượng.
So với Mỹ hay Nhật Bản, EU đặc biệt chịu tác động từ giá năng lượng tăng cao. Việc này tạo ra thách thức với khả năng cạnh tranh và khiến sản lượng của nhiều nhà máy giảm xuống. Các chính sách do các nước áp dụng nhằm hạn chế tác động lên doanh nghiệp và hộ gia đình được dự báo có quy mô tương đương 0,9% GDP EU năm 2022.
Sau nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga và cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, nhập khẩu khí đốt và dầu thô Nga đã giảm đáng kể, hiện chỉ bằng một phần ba so với đầu năm, báo cáo cho biết. Quá trình chuyển tiếp của lệnh cấm nhập dầu Nga bằng đường biển đang cho phép các nước tìm nguồn cung thay thế, giải quyết vấn đề về cơ sở hạ tầng và nâng cấp nhà máy lọc dầu.
Dù vậy, việc nguồn cung từ Nga tiếp tục gián đoạn sẽ làm u ám thêm triển vọng lạm phát và hoạt động kinh tế, theo báo cáo. Đến nay, nguồn cung từ một số tuyến đã bị cắt giảm.
Dù GDP EU vẫn tăng trong nửa đầu năm nay, lạm phát khối này lại chạm đỉnh 11,5% trong tháng 10. Tăng trưởng cũng không đồng đều, khi một số nước ghi nhận mức tăng thấp kỷ lục, hoặc thậm chí âm. Niềm tin tiêu dùng hiện cũng chạm đáy và nền kinh tế không loại trừ nguy cơ suy thoái, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Hà Thu(theo Bloomberg)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/cac-lenh-trung-phat-nga-tac-dong-len-kinh-te-chau-au-the-nao-4546058.html