Việt Nam cần hơn 11 tỷ USD đầu tư hạ tầng xăng dầu, khí đốt
Theo Bộ Công Thương, hệ thống kho khí hoá lỏng (LPG) dự trữ khá hạn chế, với 10 kho, dung tích 10.000 m3 trở lên. Cả nước cũng chưa có kho khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) đưa vào vận hành. Việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho đến các hộ tiêu thụ cũng gặp khó khăn, do khi quy hoạch, các khu công nghiệp chưa dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.
Với xăng dầu, hiện cũng chưa có hệ thống kho riêng quốc gia, nên xăng dầu dự trữ vẫn phải gửi tại kho của doanh nghiệp với lượng thành phẩm khá mỏng, khoảng 9 ngày nhập khẩu ròng. Tổng mức dự trữ xăng dầu (gồm lưu thông, sản xuất và dự trữ quốc gia) khoảng 65 ngày nhập khẩu ròng.
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, ngày 30/3, Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam tính nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75-80 ngày nhập ròng đến 2030, và 90 ngày nhập khẩu ròng đến 2050. Khí đốt dự trữ đạt tối thiểu 15 ngày tiêu thụ.
Bộ này ước tính tổng vốn đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đến 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng (tương đương trên 11,4 tỷ USD). Vốn này chủ yếu huy động từ nguồn ngoài ngân sách, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Còn vốn ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên nâng dự trữ xăng dầu quốc gia.
Góp ý, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho rằng, xăng dầu, khí đốt chịu tác động lớn từ biến động thị trường quốc tế, khả năng cung ứng và nhu cầu thị trường, cũng như chuyển đổi năng lượng, môi trường. Vì thế, ông Bảo lưu ý tới “tính động” của dự thảo quy hoạch vì liên quan tới cơ cấu năng lượng chuyển đổi, phát triển các loại nhiên liệu mới trong tương lai. “Cần tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng sẽ biến động”, ông Bảo nói.
TS. Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, đồng tình quy hoạch cần tính tới cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhắc lại bất cập của thị trường xăng dầu cuối năm 2022, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói, quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia là “xương sống” bảo đảm lưu thông năng lượng. Do đó, bản quy hoạch này phải giải quyết các bài toán về dự báo nhu cầu thị trường, tương thích với quy hoạch đất đai, năng lượng, môi trường và đô thị.
Hiện dự trữ quốc gia vẫn “hoà chung” cùng dự trữ thương mại của doanh nghiệp nên theo ông, dự thảo quy hoạch cần chỉ ra những tồn tại về hạ tầng dự trữ, cung ứng trước đây, như cơ chế điều hành, giám sát, quản lý, điều phối trong mạng lưới dự trữ.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, Bộ Công Thương – cơ quan chủ trì lập quy hoạch – phân định rõ cấp độ trong hệ thống cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt (tư nhân, doanh nghiệp, quốc gia). Việc này nhằm có cơ chế vận hành tương ứng với các tình huống biến động trên thị trường xăng dầu, “không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước hay khoán trắng cho doanh nghiệp”.
“Hệ thống kho dự trữ tư nhân, doanh nghiệp phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại hay dự trữ quốc gia cho tình huống khẩn cấp phải được xác định rõ ràng về cơ chế quản lý, điều hành”, Phó thủ tướng nêu.
Ông giao Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch đánh giá kỹ tác động môi trường, thiết kế cơ sở dữ liệu về thị trường xăng dầu, khí đốt để kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành.
Bộ Công Thương cũng được giao lên kế hoạch, dự án và hoàn thiện cơ chế giám sát, tài chính, điều phối để triển khai sau khi quy hoạch được thông qua.
Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/viet-nam-can-hon-11-ty-usd-dau-tu-ha-tang-xang-dau-khi-dot-4587558.html