Vinasun ngắt chuỗi 6 năm liên tiếp sa thải nhân viên
Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết đến cuối năm ngoái có 2.013 nhân sự đang làm việc, tăng 136 người so với đầu năm.
Tổng giám đốc Vinasun Tạ Long Hỷ nói rằng đây là một trong những thành công lớn nhất giai đoạn hậu đại dịch, đồng thời khẳng định số liệu trên chưa phản ánh hết mức độ hồi phục và mở rộng kinh doanh bởi công ty có lượng lớn tài xế ký hợp đồng xe thương quyền nên không tính là nhân viên chính thức.
“Thực tế từ tháng 4/2022 đến cuối năm, chúng tôi tuyển khoảng 2.700 tài xế”, ông Hỷ nói với VnExpress.
Vinasun cách đây 6 năm là hãng taxi chiếm thị phần và quy mô nhân sự lớn nhất trong ngành. Cụ thể, hãng có gần 17.200 người lao động vào cuối 2016. Sau đó một năm, lượng nhân viên giảm còn khoảng 7.100 người do hãng chuyển sang hoạt động theo mô hình xe thương quyền (hợp tác kinh doanh) và ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của các ứng dụng gọi xe công nghệ. Từ đó đến khi dịch bùng phát, số lượng nhân viên không ngừng giảm và lúc thấp nhất chỉ còn bằng 10% giai đoạn hoàng kim.
Theo ông Hỷ, năm qua, Vinasun đã thay đổi và áp dụng nhiều chính sách mới để thu hút tài xế trở lại như hỗ trợ tiền ký quỹ tối thiểu 2 triệu đồng một người, hỗ trợ doanh thu để bù giá xăng, thưởng cho người có công giới thiệu tài xế mới và tăng mức chia phần doanh số vượt định mức.
Trong số này, chính sách ưu tiên tỷ lệ ăn chia theo định mức và vượt định mức cho tài xế được ông Hỷ đánh giá là trụ cột giúp công ty không chỉ hút người lao động đã nghỉ việc trở lại mà còn có thêm tài xế từ các ứng dụng gọi xe công nghệ chuyển sang. Vinasun đang thu 10-20% phần doanh số vượt định mức để trang trải chi phí vận hành ứng dụng, tổng đài đặt xe, bến bãi… Phần còn lại khoảng 80-90% doanh số vượt định mức thuộc về tài xế. Nhờ đó, thu nhập mỗi ca của tài xế dao động từ 1-1,5 triệu đồng vào ngày thường và 2-3 triệu đồng những đợt cao điểm.
Bên cạnh đó, ông Hỷ cho rằng nhu cầu di chuyển hồi phục mạnh sau đại dịch và chính sách bình ổn giá để cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành giúp Vinasun kéo được lượng khách lớn quay lại, nhờ đó tài xế yên tâm và giới thiệu đồng nghiệp tìm đến hãng. Công ty cũng đầu tư thêm 550 xe mới, cung cấp dịch vụ taxi hạng sang với giá cước cao hơn thông thường 1.000 đồng mỗi km để phục vụ những thị trường trọng điểm.
“Tài xế đông, nhu cầu đi lại tăng nên lượng xe tham gia kinh doanh hai quý cuối năm ngoái luôn đạt 100% đội xe của hãng, trong khi cùng kỳ có đến phân nửa phải nằm bãi”, ông Hỷ chia sẻ.
Kết quả kinh doanh năm ngoái được cải thiện đáng kể và giúp Vinasun hoàn thành mục tiêu “bằng mọi giá phải có lãi” để tránh án hủy niêm yết cổ phiếu. Cụ thể, hãng ghi nhận doanh thu xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021 và hồi phục về mức trước dịch. Tiết giảm nhiều khoản chi phí và có thêm nguồn thu từ thanh lý xe cũ, quảng cáo trên taxi giúp công ty báo lãi trước thuế 187 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ 277 tỷ đồng).
Vinasun hiện có tổng tài sản hơn 1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có hơn 345 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu Vinasun (VNS) biến động mạnh nhờ thông tin kết quả kinh doanh tích cực. Mã này duy trì mạch tăng hai phiên liên tiếp, trong đó một phiên tăng hết biên độ, lên 18.400 đồng. So với vùng đáy ngắn hạn vào giữa tháng 11, thị giá cổ phiếu đã tăng 35%.
Phương Đông
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/vinasun-ngat-chuoi-6-nam-lien-tiep-sa-thai-nhan-vien-4563866.html