Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Nhật Bản tìm cách hút du khách phương Tây giàu có

Nhật Bản tìm cách hút du khách phương Tây giàu có

Bù đắp sự thiếu hụt khách Trung Quốc do Covid-19, Nhật Bản đang tìm cách tạo ra các sản phẩm vừa lòng du khách giàu có từ phương Tây.

Chủ tịch Hiệp hội các đại lý du lịch Nhật Bản Hiroyuki Takahashi cảnh báo, sự phục hồi của ngành du lịch nước này sau Covid-19 phụ thuộc vào việc có thể tái định hình để phục vụ được thói quen chi tiêu của khách phương Tây hay không khi du khách Trung Quốc vẫn vắng bóng.

“Với việc đồng yen giảm mạnh so với USD, ngành du lịch nên tận dụng tình hình để tinh chỉnh các sản phẩm hạng sang và bán chúng cho những du khách giàu có”, ông Hiroyuki nói.

Dữ liệu được công bố gần đây cho thấy, Nhật Bản đã đón 498.600 du khách nước ngoài vào tháng 10, nhiều gấp đôi so với số lượng hồi tháng 9, nhờ vào việc dỡ bỏ tất cả hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19. Mặc dù vậy, lượng du khách đến nước này vẫn giảm 80% so với cùng kỳ 2019 – năm mà Nhật Bản đón số khách tham quan kỷ lục lên đến 31,8 triệu người.

Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản cho biết, cứ 4 du khách đến nước này vào tháng 10, có 1 người đến từ Hàn Quốc, trong khi 11% đến từ Mỹ, 2% đến từ Úc, Pháp và Anh.

Việc phục hồi của ngành du lịch Nhật Bản cũng được nhìn nhận đang gặp khó khăn trước những chính sách hạn chế đi lại chặt chẽ của Trung Quốc – nơi chiếm hơn 30% du khách nước ngoài đến Nhật hàng năm trước đại dịch. Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều để phục vụ nhóm khách hàng này như thuê nhân viên thông thạo tiếng Quan thoại hay lập riêng các cửa hàng bách hoá, chuỗi hiệu thuốc cho họ.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn khách Trung Quốc, một số địa phương ở Nhật đang tạo ra những điểm thu hút mới, tập trung vào các hoạt động ngoài trời nhằm hút khách từ Mỹ, châu Âu và Úc. Ví dụ, đảo Kyushu sẽ cho ra mắt Tour de Kyushu, một cuộc đua xe đạp giống như Tour de France vào tháng 10 năm sau.

Ông Hiroyuki cho biết, có hai loại khách du lịch giàu có gồm những người muốn mua sắm, ăn uống sang trọng và những người coi trọng kỳ nghỉ dựa trên trải nghiệm. Theo đó, ông dự đoán các sản phẩm như du lịch mạo hiểm ở các vùng núi của Nhật sẽ tăng lên.

Việc đạt được mục tiêu chi tiêu du lịch nước ngoài hàng năm khoảng 5.000 tỷ yen (34 tỷ USD) mà Thủ tướng Fumio Kishida đặt ra trong điều kiện không có khách Trung Quốc được ông Hiroyuki đánh giá là rất khó khăn. Năm 2019, riêng khách Trung Quốc chiếm gần 40% tổng chi tiêu khách nước ngoài tại Nhật.

Một thách thức khác mà ngành du lịch phải đối mặt là tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng sau khi các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, khách sạn… cắt giảm nhân sự trong mùa dịch.

“Các khách sạn và công ty xe buýt không thể nhận đủ đặt phòng ngay cả khi họ có chỗ trống vì không có đủ nhân viên phục vụ”, ông Hiroyuki nói.

Trên thực tế, trước khi đại dịch xảy ra, ngành du lịch đã có tiếng với mức lương thấp và tỷ lệ nghỉ việc cao. Mức lương trung bình của ngành khách sạn năm 2019 là 266.300 yen (khoảng 1.896 USD), thấp hơn 21% so với mức trung bình của tất cả ngành.

Ngành này còn tồn tại một lực lượng lao động lớn tuổi với 30% nhân viên trên 60 tuổi. Theo Bộ Nội vụ, tình hình thiếu hụt nhân sự thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi những người này nghỉ hưu trong vài năm tới.

Ngoài ra, ngành công nghiệp du lịch cũng phải đối phó giá cả leo thang của đủ loại hàng hoá, từ thực phẩm đến điện, trong khi, khách hàng của họ phản đối tăng chi phí.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi cần phục vụ khách hàng cao cấp và nâng cao lợi nhuận,” ông Hiroyuki kết luận.

Đức Minh (theo Financial Times)

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/nhat-ban-tim-cach-hut-du-khach-phuong-tay-giau-co-4538371.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện