5 gợi ý giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng năm 2023
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu – chiếm 90% lượng doanh nghiệp và hơn 50% lực lượng lao động, theo World Bank. Theo sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2022, cả nước có hơn 857.000 doanh nghiệp. Một số ước tính cho biết tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 98%.
Theo bà Jeni Mundy, Phó chủ tịch Cấp cao, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh thẻ Visa, để đương đầu với những áp lực và nắm bắt cơ hội trong môi trường kinh tế nhiều biến động của năm 2023, 5 xu hướng sau đây có thể là chìa khóa tăng trưởng cho doanh SME.
Cân bằng công việc và đời sống cho nhân viên
Trong tuyển dụng nhân tài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kém hấp dẫn về phúc lợi như thiếu phòng tập thể dục, bữa trưa miễn phí hay hỗ trợ di chuyển so với các công ty lớn.
Tuy nhiên, họ vẫn có ưu thế cạnh tranh ở một số khía cạnh. Theo Gallup, có 2 yếu tố đang được ứng viên đánh giá quan trong tương đương với tiêu chí lương bổng và phúc lợi, gồm đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và đời sống, cùng với đó là ý thức rõ hơn về mục đích cá nhân của nhân viên. Chúng là điều SME có thể cải thiện.
Doanh nghiệp có thể dùng nhiều phương thức từ website, mạng xã hội, hoạt động tiếp thị bổ trợ để truyền tải những giá trị cốt lõi mà ứng viên đang tìm kiếm để hai phía gặp nhau. Bằng chiến lược khách hàng chứng thực, kết hợp chia sẻ câu chuyện nội bộ từ đội ngũ nhân viên, SME sẽ có ưu thế cạnh tranh cao, khác biệt hóa với các đối thủ – dù lớn hay nhỏ – và thu hút nguồn lực nhân tài ổn định.
Thu hẹp khoảng cách về khoa học công nghệ
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự doán 70% giá trị mới được tạo ra trong giai đoạn 10 năm nay sẽ dựa trên các thành tựu công nghệ hỗ trợ quá trình số hóa doanh nghiệp. Mức sống và tỷ lệ hạnh phúc ngày càng được quyết định bởi sự tham gia của các thành tựu công nghệ trong nền kinh tế số hóa.
Đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc trao đổi mua bán, thanh toán trở nên thuận tiện, an toàn; đồng thời việc tiếp cận khách hàng mới sẽ dễ dàng hơn, vận hành hiệu quả và tăng trưởng tốt hơn. Điều này gián tiếp nâng cao khả năng phục hồi của các doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế hoặc đối diện với các tác động bên ngoài lớn như đại dịch vừa qua. Do đó, chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách về khoa học công nghệ là cần thiết.
Đặt uy tín và bảo mật cao là mục tiêu hàng đầu
Dựa trên mối quan hệ mật thiết với khách hàng, khả năng tiếp cận và định hướng cộng đồng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đơn vị đáng tin cậy nhất ở Mỹ. Theo một khảo sát của Viện Gallup (là một công ty tư vấn và phân tích có trụ sở ở Mỹ), 68% người được khảo sát đánh giá cao mức độ tin cậy của doanh nghiệp nhỏ, so với 17% của các doanh nghiệp lớn.
Giá trị niềm tin rất dễ lung lay và luôn cần được củng cố. Sơ suất bảo mật sẽ để lại hậu quả lâu dài. Và vì khả năng phục hồi chưa đủ vững vàng, các doanh nghiệp SME là mục tiêu hàng đầu cho nguy cơ bị tấn công hệ thống bảo mật. Để bảo vệ hoạt động kinh doanh và khách hàng, các đơn vị này nên chủ động đảm bảo hệ thống bảo mật được tích hợp công nghệ bảo vệ phù hợp.
Số hóa bán hàng, thanh toán, quản lý tài chính
Việc thanh toán cho các nhà cung cấp, đối tác và nhận lại các khoản thanh toán từ khách hàng là quan trọng như nhau. Mặc dù giao dịch này chiếm phần lớn sự quan tâm của chủ doanh nghiệp, các giải pháp số hóa sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tự động hóa, theo dõi các giao dịch từ đối tác và góp phần vận hành hoạt động kinh doanh một cách thuận tiện hơn.
Trong năm 2023, bà Jeni gợi ý SME duy trì các hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và đẩy mạnh thanh toán trực tuyến. Các doanh nghiệp nhỏ nên tăng cường tập trung sử dụng tích hợp các công cụ đo lường và ứng dụng tài chính, để hỗ trợ các khâu lập chiến lược, lưu chuyển dòng tiền, phân bổ ngân sách, kiểm soát chi phí, khai thuế, và những hạng mục khác liên quan. Khi các ứng dụng này ngày càng được tích hợp rộng rãi, chủ doanh nghiệp sẽ gia tăng khả năng kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
Củng cố khả năng nắm bắt xu hướng
Tương tự năm 2022, lạm phát cao, hạn chế về nguồn nhân lực và những thách thức về chuỗi cung ứng sẽ là bài toán cho tất cả doanh nghiệp. Vì vậy, họ cần trở nên linh hoạt với sự biến động của thị trường để đạt được thành công.
Theo nghiên cứu của Visa, 86% lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ được hỏi cho rằng bất ổn kinh tế là một trong những nỗi trăn trở thường trực. Giải tỏa điều này, bà Jeni cho rằng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công cụ số hóa, vấn đề tài chính trong kinh doanh, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ điều chỉnh phương hướng, chiến lược trong tình hình biến động đang diễn ra.
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng 44% lãnh đạo doanh nghiệp đang trong giai đoạn tích hợp AI, chuẩn bị và theo sát xu hướng chuyển đổi này. “Mặc dù thời điểm này đang ở giai đoạn đầu tiên, cá nhân tôi cảm thấy hào hứng, chờ đợi khả năng ứng dụng Chat GPT AI vào những tình huống thực tiễn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Jeni Mundy nói.
Dỹ Tùng
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/5-goi-y-giup-doanh-nghiep-vua-va-nho-tang-truong-nam-2023-4576374.html