Xuất khẩu tôm năm nay dự báo nhiều khó khăn
Thông tin được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu tại hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023, ngày 3/3.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2021, đạt mức kỷ lục. Nguyên nhân nhờ vào lượng đơn hàng gối đầu từ năm 2021 do Covid-19 bị đình lại, giá tôm tăng, cộng với nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, VASEP nhận định, xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ đối mặt nhiều thách thức. Bởi năm nay hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Bên cạnh đó, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến giảm tiếp khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu rất khó khăn.
Ngoài ra, với tồn kho còn lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm nay. Nhu cầu vẫn sẽ tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung dồi dào hơn và lợi thế về vị trí địa lý.
Với thị trường châu Âu, do nền kinh tế khu vực này tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang đây không được đánh giá tích cực trong năm 2023.
Cũng theo ông Hòe, vấn đề nguồn nguyên liệu là yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các đơn vị phải xem lại xu hướng thị trường để thay đổi cơ cấu sản phẩm; thiết lập các vùng nuôi riêng để chủ động nguồn tôm và giá cả. Doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm và xuất khẩu sản phẩm mang tính chất đặc thù của Việt Nam, như tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh, sinh thái,…
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty thủy sản Minh Phú cho rằng giá thành sản xuất tôm Việt Nam quá cao, nên khó cạnh tranh được với Ecuador và Ấn Độ. Nguyên nhân do tỷ lệ nuôi thành công thấp và chi phí đầu tư lớn.
“Tỷ lệ nuôi tôm thành công của ta chỉ đạt dưới 40%; trong khi ở Ecuador là trên 90%, Ấn Độ hơn 60%. Muốn nuôi tôm có tỷ lệ thành công cao, yếu tố con giống là quan trọng nhất”, ông Quang nói và cho rằng nhà nước, ngành chuyên môn cần nghiên cứu giải pháp để có những khu nuôi tôm tập trung, nhằm giảm chi phí.
Tổng cục Thủy sản cho biết theo kế hoạch năm 2023, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống khoảng 140-150 tỷ con; diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; sản lượng tôm các loại 1.080 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.
An Minh
Từ ngày 22/2, eBox tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.Là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, eBox nhằm giúp các độc giả phát triển bản thân, nâng cao giá trị cuộc sống.
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/xuat-khau-tom-nam-nay-du-bao-nhieu-kho-khan-4577079.html