VNG được định giá hơn 360 triệu USD ngày đầu lên UPCoM
Ngày 5/1/2023, cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG sẽ giao dịch phiên đầu tiên trên thị trường UPCoM ở mức tham chiếu 240.000 đồng. Biên độ giao dịch là 40%.
Với 35,8 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, ước tính giá trị vốn hóa của VNG trong phiên chào sàn đạt hơn 8.600 tỷ đồng, tương đương hơn 360 triệu USD. Con số này chỉ bằng 1/3 mức định giá để một doanh nghiệp được xem là “kỳ lân” – điều mà VNG từng đạt được vào năm 2014 theo đánh giá World Start-up Report.
Mức giá chào sàn của VNG cũng thấp hơn mức mà doanh nghiệp này từng chào bán cổ phần cho đối tác. Đầu năm 2015, VNG phát hành gần 300.000 cổ phiếu cho một cổ đông chiến lược với giá hơn 666.000 đồng mỗi cổ phần.
VNG được thành lập vào năm 2004, tên ban đầu là Công ty cổ phần Trò chơi Vi Na (Vinagame), vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Qua 16 lần tăng vốn, quy mô vốn của VNG hiện tại đạt hơn 358 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông nước ngoài nắm 49% cổ phần, cổ đông trong nước giữ hơn 31%, còn lại là cổ phiếu quỹ gần 20%. Nếu tính theo số cổ phiếu đang lưu hành (loại trừ phần cổ phiếu quỹ), nhà đầu tư nước ngoài có tỷ lệ biểu quyết hơn 61% và phần này chỉ do một cổ đông nắm giữ.
Trong bản công bố thông tin, VNG Limited, pháp nhân mới thành lập có trụ sở tại Cayman Islands, là cổ đông nước ngoài duy nhất và cũng là cổ đông lớn nhất của VNG với sở hữu 49%, tương ứng tỷ lệ biểu quyết hơn 61,1% sau khi loại trừ phần cổ phiếu quỹ.
Ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT VNG, nắm 9,8% cổ phần (12,3% về tỷ lệ biểu quyết). Cổ đông lớn còn lại là Công ty cổ phần Công nghệ Big V giữ 5,7% về tỷ lệ biểu quyết. Ông Vương Quang Khải, đồng sáng lập và Phó tổng giám đốc điều hành VNG, sở hữu hơn 4% vốn.
Hoạt động kinh doanh chính của VNG gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây. Công ty cũng hoạt động tại Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Phillipines, Myanmar, Đài Loan, Indonesia.
Mảng hoạt động mang lại nhiều doanh thu nhất cho VNG là dịch vụ trò chơi trực tuyến, chiếm khoảng 70-80% tổng doanh thu những năm gần đây.
9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 5.760 tỷ đồng, trong đó riêng dịch vụ trò chơi trực tuyến đóng góp hơn 4.000 tỷ, tương ứng tỷ trọng hơn 70%. Mảng quảng cáo trực tuyến đứng thứ hai về quy mô, đem về cho VNG hơn 930 tỷ đồng, còn lại là dịch vụ thanh toán, tài chính dịch vụ đám mây, bản quyền nhạc và các dịch vụ khác.
Tuy nhiên, VNG liên tục báo lỗ từ năm 2021, bởi khoản lỗ tại các công ty liên kết, công ty con, chủ yếu là Zion và Tiki. 9 tháng đầu năm nay, công ty này cũng lỗ hơn 764 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Zion – đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay, lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong năm ngoái, đánh dấu mức kỷ lục trong chuỗi thời gian kinh doanh dưới giá vốn liên tục từ năm 2016. Đây vốn được xem là mảng “đốt tiền” của VNG trong thời gian qua.
Đến cuối tháng 9 năm nay, công ty mẹ của ZaloPay ghi nhận giá trị đầu tư vào ví điện tử này tăng 26,5% so với đầu năm, lên hơn 2.560 tỷ đồng. Tuy vậy, VNG trích lập dự phòng gần 2.270 tỷ đồng, tăng hơn 214 tỷ đồng so với giữa năm.
Đến cuối quý III, VNG có tổng tài sản hơn 9.189 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hợp nhất đạt 5.579 tỷ đồng.
Minh Sơn
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/vng-duoc-dinh-gia-hon-360-trieu-usd-ngay-dau-len-upcom-4554702.html