Việt Nam vượt tiến độ các cam kết tạo thuận lợi thương mại
Đến tháng 6, Tổng cục Hải quan cho biết đã thực hiện 21 trong tổng số 24 điều khoản của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại. Việt Nam dự kiến tuân thủ đầy đủ Hiệp định này của WTO vào cuối năm 2024. Thông tin được công bố tại Hội nghị Thương mại “Cải cách Hải quan và Triển vọng Thương mại Việt Nam” ngày 7/12.
Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), đơn vị tài trợ Dự án Tạo thuận lợi Thương mại, đánh giá những cải cách của Việt Nam được thực hiện đến nay đã tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn; đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cả trong khu vực và trên toàn cầu.
Giai đoạn 2015-2020, Việt Nam bãi bỏ khoảng 40 văn bản quản lý chuyên ngành; ban hành, sửa đổi, bổ sung 70 văn bản. Năm 2020, số nhóm hàng hóa còn chịu sự quản lý chồng chéo là 13 (so với 38 vào 2017). Hiện tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm xuống còn 19%, từ mức 30% vào năm 2015.
Riêng 4 năm gần đây, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết ngành hải quan đã tiến bộ trong 4 hoạt động: chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ; cơ chế một cửa quốc gia, ASEAN; chương trình doanh nghiệp ưu tiên và đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng.
Gần đây, Tổng cục Hải quan ban hành Thông tư 81 về Quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan và xây dựng Nghị định kiểm tra chuyên ngành. USAID đánh giá Nghị định này sẽ giảm 54% các biện pháp can thiệp tại cửa khẩu, từ đó giúp tiết kiệm cho các doanh nghiệp khoảng 67 triệu USD mỗi năm, thông qua việc cắt giảm khoảng 2,5 triệu ngày công và các chi phí nhập khẩu liên quan.
Tuy nhiên, ông Bradley Bessire, Phó giám đốc USAID tại Việt Nam cho rằng Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn trong cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với cam kết của các bộ ngành liên quan. Trong đó, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương sẽ chịu trách nhiệm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Về dài hạn, ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết chiến lược ngành đến 2030 là xây dựng mô hình hải quan số, thông minh, xanh…
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,8%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Số lượng tờ khai hải quan được xử lý là 14,6 triệu. Năm nay, tính đến ngày 15/11, kim ngạch xuất nhập khẩu sơ bộ đạt 664,7 tỷ USD, trong đó xuất siêu là 8,66 tỷ USD.
Viễn Thông
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/viet-nam-vuot-tien-do-cac-cam-ket-tao-thuan-loi-thuong-mai-4545330.html