Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Việt Nam có thể tăng hút vốn FDI từ đâu?

Việt Nam có thể tăng hút vốn FDI từ đâu?

Khi vốn Âu – Mỹ còn dè dặt do kinh tế bất ổn, việc tăng thu hút thêm đầu tư từ nội khối châu Á là một hướng Việt Nam nên tận dụng, theo các chuyên gia.

Hai tháng đầu năm, tổng vốn nước ngoài (gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp) vào Việt Nam đạt gần 3,1 tỷ USD, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư. Con số này giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, vốn triển khai thực tế cũng giảm 4,9%, đạt khoảng 2,55 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng diễn biến này có thể dự đoán được. Do tình hình kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn bởi xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát ở các nền kinh tế có dấu hiệu ngắt đà giảm tốc, lãi suất cao trong lúc sức cầu yếu, các nhà đầu tư tiếp tục dè dặt rót tiền.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khó hơn sẽ càng áp lực cho mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam. Bởi các nhà đầu tư ngoại, công ty đa quốc gia trong khu vực và toàn cầu hoạt động tại Việt Nam đang đóng góp hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 25% giá trị đầu tư trong nước.

Ông Joonsuk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC Việt Nam cho rằng năm nay, Việt Nam sẽ có nhiều thách thức bởi suy thoái thương mại toàn cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu, lạm phát gây cản trở tiêu dùng trong nước. “Do đó, việc thu hút trở lại dòng vốn FDI vào thị trường có tầm quan trọng thiết yếu đối với cả tăng trưởng xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa”, ông nói.

Vậy sắp tới Việt Nam có thể hút thêm vốn FDI từ đâu? Các công ty đa quốc gia phương Tây đang vật lộn với những thách thức từ kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị, đây có thể là thời điểm Việt Nam nên tập trung nỗ lực thu hút thêm các dòng vốn FDI trong khu vực nội khối châu Á, theo ông Park.

Các nhà đầu tư châu Á vốn là những người bơm tiền hàng đầu vào Việt Nam nhiều năm qua và tiếp tục ưa chuộng địa điểm này. Hai tháng đầu năm nay, Singapore và Đài Loan dẫn đầu về rót vốn, với quy mô lần lượt gần 980 triệu USD và hơn 400 triệu USD. Xét trong 5 năm gần đây, top 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất hàng năm cũng đến từ nội khối châu Á. Những cái tên thường xuyên dẫn đầu gồm Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây ngày càng có dấu ấn lớn của Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan.

Theo khảo sát kinh doanh hàng năm công bố tháng trước của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tỷ lệ doanh nghiệp Nhật định mở rộng trong 1-2 năm tới ở Việt Nam là 60%, tăng 4,7 điểm so với 2021, và tiếp tục đứng đầu ASEAN. Riêng năm nay, ông Matsumoto Nobuyuk, Trưởng đại diện Jetro tại TP HCM dự báo quy mô dự án bị ảnh hướng nhưng về số lượng sẽ tiếp tục tăng.

Ông Joonsuk Park cũng cho biết đầu năm đến nay đã tiếp nhận một số công ty đa quốc gia ở châu Á quan tâm đến Việt Nam, thuộc nhiều lĩnh vực gồm bán lẻ, bán dẫn, điện tử – linh kiện, nhựa, năng lượng tái tạo, logistics. “Họ đang tìm cách mở rộng hoặc đầu tư mới vào đây”, ông nói.

Không chỉ có những tên tuổi lớn quen thuộc, nhà đầu tư Thái Lan cũng muốn tăng đầu tư vào các lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, bao bì, bán lẻ, sản xuất và hóa chất. Tháng trước, Central Retail cho biết sẽ đầu tư 50 tỷ baht (khoảng 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam trong 5 năm tới.

Vậy Việt Nam có những điểm mạnh nào thu hút dòng vốn nội khối châu Á? Theo các chuyên gia, đầu tiên là sự gần gũi về địa lý và văn hóa. Sự thuận lợi về khoảng cách địa lý giúp những người quyết định đầu tư dễ dàng trong di chuyển. Họ cũng có hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam từ cả góc độ văn hóa và cách thức kinh doanh.

Thứ hai, nhờ sức hấp dẫn của đặc quyền tự do tiếp cận 15 trong số các thị trường nhóm G20 nhờ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Ngoài ra, thu nhập và tài sản ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu đã củng cố những nỗ lực tiến sâu hơn vào thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam.

Dù vậy, Việt Nam cũng có những thách thức. Đây không phải là điểm đến hấp dẫn duy nhất trong chiến lược mở rộng chuỗi sản xuất ra ngoài Trung Quốc (China +1). Trong khi Thái Lan và Indonesia vẫn đang là điểm đến yêu thích của chuỗi cung ứng ôtô, với các dự án tỷ USD mới được công bố gần đây, Việt Nam khả dĩ hơn trong mảng hút vốn ngành điện tử. Tuy nhiên, đây lại là mảng mà Ấn Độ cũng đang được nhiều nhà đầu tư để ý đến.

GoerTek – nhà sản xuất tai nghe AirPods cho Apple và máy trò chơi PlayStations – cho biết đang đầu tư 280 triệu USD vào Bắc Ninh để mở rộng sản xuất ngoài Trung Quốc. Nhưng họ cũng đồng thời xem xét rót tiền ở Ấn Độ. “Chúng tôi nhận được yêu cầu từ khách hàng hầu như mỗi tháng. Bạn có kế hoạch mở rộng sang Ấn Độ không?”, Phó chủ tịch Kazuyoshi Yoshinaga nói với Bloomberg gần đây.

Nhà máy của GoerTek tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh công ty

Nhà máy của GoerTek tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnhcông ty

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng sẽ còn nhiều việc phải làm để lợi thế thu hút vốn của Việt Nam củng cố hơn trong mắt các nhà đầu tư châu Á. Trong đó, hạ tầng mềm và hạ tầng cứng vẫn tiếp tục cần hoàn thiện. Với hạ tầng mềm, Joonsuk Park cho rằng nhiệm vụ lúc này là phải tăng tốc gấp đôi nỗ lực củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào các khung pháp lý.

Đại diện Jetro cũng quan tâm đến vấn đề này. Theo ông, một mặt, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là thị trường phát triển và tiềm năng trong tương lai nhưng rủi ro kinh doanh của họ là tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính, hệ thống thuế, thực trạng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thủ tục visa, cấp phép lao động.

Với hạ tầng cứng, ngoài tiếp tục phát triển hạ tầng vận tải để kéo giảm chi phí logistics nội địa cho doanh nghiệp, một số chuyên gia lưu ý thêm về nhân tố phát triển bền vững cho các khu công nghiệp, nắm bắt xu hướng tuân thủ ESG (các tiêu chí về môi trường, xã hội, quản trị).

Bà Cao Lê Tường Vân, Giám đốc Dịch vụ Thị trường Vốn & Đầu tư của Colliers Việt Nam, nhận định dù quá trình ra quyết định đầu tư chậm lại và tâm lý phòng thủ, yếu tố ESG trong bất động sản sẽ ngày càng quan trọng năm nay. Khi hầu hết công ty chuẩn bị đối mặt với những thách thức kinh tế toàn cầu, mỗi USD chi tiêu phải xét trong tầm nhìn dài hạn. Các dự án ESG có chi phí vận hàng thấp hơn sẽ có điểm cộng lớn.

Đồng quan điểm, ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp, Colliers Việt Nam cho rằng trong bối cảnh bất ổn kéo dài, các tác nhân thị trường sẽ đánh giá lại danh mục đầu tư của họ, hướng đến các tài sản chất lượng cao và chống lạm phát.

“Do đó, việc phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam cần đảm bảo tích hợp các yếu tố bền vững cũng như hệ sinh thái để nâng cao sức hấp dẫn và độ sẵn sàng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn và dài hạn”, ông khuyến nghị.

Viễn Thông

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/viet-nam-co-the-tang-hut-von-fdi-tu-dau-4578146.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện