Vì sao các dự báo về kinh tế Mỹ liên tục sai?
Bộ Thương mại Mỹ hôm nay cho biết GDP quý II tăng 2,4% (đã hiệu chỉnh theo cơ sở năm). Tốc độ này cao hơn quý I và lớn hơn dự báo tăng 1,8% của các nhà phân tích trong khảo sát của hãng dữ liệu Refinitiv.
Chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng 1,6% trong quý II (hiệu chỉnh theo cơ sở hàng năm), thấp hơn mức 4,2% trong quý I nhưng vẫn đủ để thúc đẩy tăng trưởng vì chiếm phần lớn hoạt động kinh tế và góp gần một nửa tổng mức tăng GDP.
Người Mỹ đang được hưởng lợi từ một thị trường lao động mạnh mẽ, với mức tăng lương gần đây đã vượt qua lạm phát. Bộ Lao động cho biết các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã giảm 7.000 đơn vào tuần trước, xuống còn 221.000. Đây là mức thấp trong lịch sử, tương đương mức trung bình năm của 2019.
Cùng với đó, đầu tư kinh doanh tăng trưởng 7,7% trong quý II, tăng mạnh so với mức 0,6% trong quý I. Hai yếu tố này kết hợp lại đã đánh bại dự báo trước đó của các nhà kinh tế về một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu vào giữa năm nay do lãi suất tăng.
Kết quả tăng trưởng quý II làm tăng thêm triển vọng “hạ cánh mềm”, tức kinh tế giảm tốc một cách chậm rãi và ổn định thay vì giảm mạnh và gây ra suy thoái. “Chúng ta đã vượt qua điểm nguy hiểm. Thay vì nghiêng về suy thoái hơn, tình hình đã cân bằng giữa khả năng suy thoái và không suy thoái,” Amy Crews Cutts, Kinh tế trưởng của hãng tư vấn AC Cutts & Associates, bình luận.
Hôm 26/7, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), đưa lãi suất tham chiếu vào khoảng 5,25-5,5% – cao nhất kể từ năm 2001. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói niềm tin về khả năng hạ cánh mềm đã tăng.
Các chuyên viên của Fed đã không còn dự đoán về một cuộc suy thoái như những gì họ nghĩ vào đầu năm.
Kinh tế Mỹ đã mở rộng hơn 2% trong năm qua, sau khi sụt giảm nhẹ vào đầu 2022. Tăng trưởng đã gần tương ứng với tốc độ được ghi nhận trong thập kỷ trước khi đại dịch xảy ra. Nhiều nhà kinh tế vẫn dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm tốc vào cuối năm nay và năm 2024, nhưng nỗi lo suy thoái kinh tế đã vơi đi. Conference Board cho biết niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tiếp tục được cải thiện trong tháng 7. Họ đã ít lo lắng hơn về suy thoái kinh tế và nhiều người bày tỏ sự lạc quan về tương lai.
Các doanh nghiệp nhỏ cũng đang cảm thấy tốt hơn về nền kinh tế. Vào tháng 7, 37% doanh nghiệp nhỏ họ tin rằng nền kinh tế sẽ xấu đi trong 12 tháng tới, mức tốt nhất kể từ tháng 2/2022, theo công ty tư vấn Vistage Worldwide.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và toàn cầu trong năm nay có thể sẽ mạnh hơn so với ước tính trước đây.
Vì sao dự báo suy thoái tại Mỹ lại liên tục sai, khiến giới chuyên gia và doanh nghiệp ngày càng khó phán đoán?
Về cơ bản, đặc điểm và bối cảnh kinh tế hiện có nhiều điểm chưa có tiền lệ trong các chu kỳ tăng trưởng và suy thoái trước đây của siêu cường này.
Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, tổ chức học thuật xác định chu kỳ kinh doanh của nước này, Mỹ đã có 12 lần mở rộng và 13 lần suy thoái kể từ năm 1945. Cho đến năm 1981, quá trình mở rộng kéo dài trung bình 3,7 năm và thường kết thúc do Fed tăng lãi suất để đối phó lạm phát.
Nhưng vào năm 1981, Chủ tịch Fed khi đó là Paul Volcker đã tạo ra một cuộc suy thoái sâu sắc để lạm phát giảm trong một thời gian dài, cuối cùng ổn định ở mức khoảng 2%. Năm 1984 và một lần nữa vào năm 1994, Fed đã tăng lãi suất trước khi lạm phát thực sự bùng phát, và nền kinh tế hai lần đó tiếp tục tăng trưởng liên tục 6 năm nhờ toàn cầu hóa, tăng trưởng lực lượng lao động và tiến bộ công nghệ.
Bốn lần kinh tế mở rộng kể từ năm 1981 kéo dài từ 6 đến gần 11 năm. Thay vì lạm phát, 4 lần này thường kết thúc bằng một rạn nứt nào đó, ví dụ suy thoái ngành công nghệ vào 2001, vỡ bong bóng nhà đất năm 2007. Kỷ lục tăng trưởng kéo dài gần 11 năm kết thúc vào tháng 2/2020 là cá biệt, không phải do lạm phát hay khủng hoảng tài chính, mà do đại dịch và các đợt phong tỏa. Nếu không có Covid-18, nó vẫn có thể tiếp tục kéo dài thêm đến nay.
Vậy chu kỳ hiện tại giống với các chu kỳ trước hay sau năm 1981 hơn? Nhìn bề ngoài, nền kinh tế đang rất giống chu kỳ của những năm 1960 và 1970 ở điểm là quá nóng và bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Nhưng Fed chưa bao giờ “hạ cánh mềm” khi lạm phát vượt xa mục tiêu và thị trường lao động chặt chẽ như hiện nay.
Nhưng nền kinh tế cũng có điểm giống với các chu kỳ sau 1981 là xuất hiện các rạn nứt trong vài lĩnh vực do lãi suất tăng. Năm nay, đã có 3 ngân hàng Mỹ sụp đổ nhưng lại không lan rộng hơn và tác động chỉ khiêm tốn.
Trong một báo cáo tuần này, các nhà kinh tế của Bank of America cho biết phần lớn rủi ro tăng lãi suất đã được Fed hoặc các ngân hàng hấp thụ thông qua việc mua trái phiếu kho bạc. Tin tốt là “Fed có nhiệm vụ, công cụ, sự nhạy bén, dữ liệu và kinh nghiệm để giải quyết những căng thẳng mới nổi trong hệ thống ngân hàng”, nhà băng này đánh giá.
Do đó, dù có dấu hiệu giống với các đợt suy thoái sau 1981 nhưng sự mất cân bằng dẫn đến khủng hoảng tài chính trong quá khứ dường như không còn nữa.
Nguồn cơn của lạm phát, nguyên nhân khiến Fed phải ra tay để đẩy kinh tế đi xuống cũng khác. Trong quá khứ, lạm phát thường được gây ra bởi cầu vượt cung. Lần này, một thủ phạm lớn hơn là nguồn cung – hàng hóa, phương tiện vận chuyển, hàng hóa, lao động – bị gián đoạn sau đại dịch và xung đột Ukraine.
Nguồn cung đang hồi phục và nhu cầu lao động mạnh mẽ cũng được đáp ứng với tỷ lệ dân số từ 25 đến 54 tuổi đang làm việc hoặc đang tìm việc hiện cao hơn so với trước suy thoái. Và mặc dù thị trường lao động thắt chặt, vòng xoáy giá – lương vẫn chưa rõ ràng. Cũng không giống như trước năm 1981, kỳ vọng lạm phát dài hạn của công chúng vẫn đang ổn định, ở mức khoảng 2% đến 3%.
Lạm phát cũng khó trị hơn bởi các yếu tố cấu trúc để giúp giảm chi phí trong những thập kỷ trước giờ bị đảo ngược. Căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ, phi toàn cầu hóa và dân số già hóa cùng làm chuỗi cung ứng đắt đỏ hơn. Có thể trí tuệ nhân tạo sẽ tăng năng suất, nhưng hiện tại điều đó hoàn toàn chỉ là giả thuyết.
Tất cả điều này khiến câu trả lời cho việc bao giờ Mỹ mới suy thoái là khác nhau khi hỏi các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phân tích của WSJ, nếu Fed thực sự hạ cánh mềm thành công, kinh nghiệm lịch sử có thể cho thấy Mỹ có thể tiếp tục tăng trưởng 4 hoặc 5 năm nữa.
Phiên An (theo WSJ)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/vi-sao-cac-du-bao-ve-kinh-te-my-lien-tuc-sai-4634952.html