Trung Quốc kiếm gần 30 tỷ USD từ xuất khẩu thiết bị điện mặt trời
Kim ngạch này tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Wang Bohua, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc (CPIA). Các mặt hàng góp phần mang về doanh thu bao gồm tấm silicon, tế bào quang điện và mô đun.
Theo ông Wang, xuất khẩu tấm wafer và tế bào silicon mỗi tháng đều tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tỷ trọng của nhóm sản phẩm này trong tổng xuất khẩu thiết bị điện mặt trời lên thêm 2,3 điểm phần trăm.
Từ tháng 1 đến tháng 5, châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất cho các sản phẩm quang điện do Trung Quốc sản xuất, chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi, các chuyến hàng đến châu Phi tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành thị trường phát triển nhanh nhất.
CPIA dự báo trong nửa cuối năm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thiết bị điện mặt trời của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại khi châu Âu phải vật lộn với các vấn đề liên quan đến lao động, sử dụng đất và tích hợp lưới điện.
Với nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, Ủy ban châu Âu vào tháng 3 đã đề xuất Đạo luật Công nghiệp Net-Zero để giúp tăng cường năng lực sản xuất các công nghệ Net-zero của khu vực, bao gồm công nghệ ánh sáng mặt trời (Solar Photovoltaic) và công nghệ nhiệt mặt trời (Solar Thermal).
Trong đó, công nghệ Solar Photovoltaic chuyển đổi ánh sáng mặt trời trực tiếp thành điện năng. Công nghệ Solar Thermal thì sử dụng ánh sáng mặt trời để làm nóng một chất lỏng, sau đó được sử dụng cho các ứng dụng sưởi ấm khác nhau.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất thống trị trên thị trường thiết bị công nghệ Solar Photovoltaic nhưng thị phần sản xuất toàn cầu của nước này có thể giảm xuống 75% vào năm 2027 từ mức 90% hiện nay trong bối cảnh các quốc gia nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, theo một báo cáo được công bố vào tháng 12 bởi Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Phiên An (theo Caixin)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/trung-quoc-kiem-gan-30-ty-usd-tu-xuat-khau-thiet-bi-dien-mat-troi-4632692.html