Tranh luận việc giữ hay đổi tên luật về Hợp tác xã
Sáng 10/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất đổi tên dự án luật thành luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Trong khi cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ nguyên tên như luật hiện hành.
Nhiều đại biểu không đồng tình với đề xuất nói trên của Chính phủ. Theo đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam), tên gọi dự luật không phải quyết định tất cả, quan trọng hơn vẫn là nội dung luật phải tạo được động lực để hợp tác xã phát triển.
“Không phải vì tên gọi mà hợp tác xã sẽ khác hơn”, bà nói và đề nghị giữ tên gọi luật như hiện hành, là Luật Hợp tác xã sửa đổi.
Đồng tình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho rằng việc giữ nguyên tên luật vẫn đảm bảo bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng với loại hình hợp tác xã. Việc giữ nguyên tên luật sẽ tránh xáo trộn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lập luận nên đổi tên luật này như đề xuất của Chính phủ. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) tranh luận, hiện đã có 4 loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã, nên tên gọi không nên là Luật Hợp tác xã.
“Chúng ta không thể làm luật về vũ khí lại đặt tên luật về súng trường được vì súng trường chỉ là một trong các loại loại vũ khí mà thôi, cho dù chúng ta rất yêu mến súng trường, thường sử dụng nên rất nhớ đến nó”, ông Nghĩa ví von.
Ông nói thêm, tên gọi tổ chức kinh tế hợp tác là hết sức chính xác và đây cũng là một nguyên tắc lập pháp, tức là có bao nhiêu đối tượng điều chỉnh thì tên gọi nó phải đủ để bao trùm.
“Nếu chúng ta trở về tên gọi Luật Hợp tác xã thì như tôi vừa nói là luật về vũ khí và chúng ta lại đặt cho nó tên là luật về súng trường”, ông Nghĩa phân tích.
Phát biểu sau đó, nhiều đại biểu bày tỏ “rất hiểu” ý kiến của ông Nghĩa, nhưng vẫn cho rằng không nên đổi tên luật. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nói “cả lý trí và tình cảm” ông đều mong muốn giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã.
Ông nêu lý do, các loại hình kinh tế hợp tác trên thực tế chỉ là các hình thức liên kết của hợp tác xã. Loại hình tổ hợp tác cũng là hình thức sơ khai của hợp tác xã. Vì thế, tên gọi Luật Hợp tác xã sẽ đủ bao trùm tất cả các chủ thể trong luật này.
Với tên gọi tổ chức kinh tế hợp tác, ông Lộc cho hay, khái niệm không có trong Hiến pháp lẫn bộ luật Dân sự. “Bây giờ chúng ta đưa vào luật một tên không có trong Hiến pháp, không có trong luật Dân sự thì cũng nên cẩn trọng”, ông nêu.
Lý do nữa được đại biểu TP Hà Nội nêu cho lập luận nên giữ tên luật, hợp tác xã là tên gọi đã đi vào lịch sử, trở thành thương hiệu của nền kinh tế Việt Nam.
“Đây chính là một mô hình vừa thể hiện bản chất của nền kinh tế thị trường, lại vừa thể hiện được tính chất xã hội chủ nghĩa của một nền kinh tế mà chúng ta đang theo đuổi”, ông nói.
Giơ biển tranh luận lần 2, đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn ví dụ, ngày xưa có Luật Công ty, sau đó là Luật Doanh nghiệp tư nhân, luật Doanh nghiệp nhà nước… Các luật này hiện được thống nhất là Luật Doanh nghiệp, gồm tất cả các loại hình kinh doanh trên.
“Công ty hiện nay vẫn là loại hình chủ yếu trong doanh nghiệp nhưng không phải vì nó là loại hình chủ yếu hay tên gọi này ra đời đầu tiên, mà gọi đó là luật Công ty. Chúng ta phải gọi nó là Luật Doanh nghiệp”, ông Nghĩa phân tích.
Cũng theo đại biểu TP HCM, luật phải mở hành lang pháp lý chứ không chỉ điều chỉnh những gì hiện có. Theo ông, chính việc mở một hành lang pháp lý cho tương lai, luật mới tồn tại lâu dài, ít sửa đổi.
“Chúng ta cứ rượt theo sự phát triển, thậm chí chậm chân hơn sự phát triển, do đó chúng ta phải sửa luật rất nhiều lần”, ông Nghĩa nói.
Theo dự thảo luật, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được huy động vốn, cho vay trong các thành viên hợp tác xã. Các đại biểu băn khoăn nếu thua lỗ, mất khả năng thanh toán cho người góp vốn thì không rõ tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Phó đoàn Đồng Tháp) cũng hỏi việc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được huy động vốn, cho vay trong các thành viên có phải chịu chế tài theo quy định của ngân hàng không.
“Trường hợp quỹ này thua lỗ, mất khả năng thanh toán cho người góp vốn thì tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm? Ngành ngân hàng thì Nhà nước can thiệp, hỗ trợ, còn Quỹ hợp tác xã sẽ ra sao nếu xảy ra ra sự cố nhằm bảo vệ các thành viên góp vốn”, ông Hoà nêu.
Phó đoàn Đồng Tháp cho rằng, dự luật cần làm rõ nguồn vốn, cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ này, để tránh chồng chéo, trùng lắp với hoạt động của ngân hàng, quỹ tín dụng.
“Các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trong cả nước, ngân hàng quản lý rất chặt chẽ mà còn khó khăn, nay cho thành lập quỹ tín dụng nội bộ thì lại càng khó khăn hơn, dè chừng hiệu ứng domino cho các quỹ tín dụng nhân dân”, đại biểu Hoà lo ngại.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam), Hà Hồng Hạnh (Khánh Hoà) đề nghị làm rõ vai trò, chức năng đơn vị quản lý quỹ hỗ trợ, để tránh chồng chéo khi hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác vay vốn.
“Đây là quỹ có hoạt động tín dụng uỷ thác chứ không phải quỹ ngoài ngân sách, nên các quy định về cho vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cần rất cân nhắc”, đại biểu Trần Thị Hiền nói thêm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Thái Bình) lại nêu quan ngại khác. Ông Thân dẫn thực tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay được nhận hỗ trợ, bảo lãnh từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, song không hiệu quả. Với hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ không có vốn mồi của Nhà nước khiến vị đại biểu này lo lắng sẽ “không thành công”.
“Chính phủ cần xem xét có nên để quỹ này tồn tại hay không, nếu có thì phải có sự đóng góp vốn mồi của ngân sách để đảm bảo hiệu quả”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam góp ý.
Luật Hợp tác xã được Chính phủ trình lần đầu tại kỳ họp thứ tư, dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 5 giữa năm 2023.
Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/tranh-luan-viec-giu-hay-doi-ten-luat-ve-hop-tac-xa-4534336.html