Thanh khoản đang là nút thắt lớn của nền kinh tế. Để khơi thông được dòng tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần nhiều biện pháp như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản…
“Việc quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo”, Thống đốc chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ, ngày 3/1.
Theo bà Hồng, chính sách tiền tệ bản chất là ngắn hạn, do đó cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. Ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống. Xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ hơn.
Tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2023, theo Thống đốc, còn nhiều khó khăn. Trước đó, người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế cũng nhận định một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm khó khăn hơn. Trong nước, lạm phát cơ bản có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần những giải pháp hỗ trợ. Những bất cập trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.
Trong bối cảnh hiện tại, Thống đốc khẳng định ưu tiên cao nhất của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Tín dụng sẽ được điều hành phù hợp, góp phần duy trì đà phục hồi của nền kinh tế, hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…
Năm 2022 vừa qua, Thống đốc cho rằng để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, những biến động trên thế giới tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước là không tránh khỏi. Điều quan trọng là phải chuẩn bị tâm thế cho sự ứng phó linh hoạt với những biến động, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ theo Thống đốc cũng cần tuỳ vào diễn biến tình hình để xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên từng thời điểm. Thực tế, từ tháng 10/2022, sự cố Ngân hàng Sài Gòn – SCB xảy ra tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường. Ngân hàng Nhà nước đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối.
Việc điều hành tỷ giá năm ngoái cũng chịu sự giám sát nâng cao của phía Mỹ, trước sức ép USD tăng cao. Nếu thực hiện theo cam kết, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó ổn định được thị trường. Bởi vậy, nhà điều hành đã chủ động đàm phán với phía Mỹ, báo cáo Thủ tướng để điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, Thống đốc cho hay.
Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo Vnexpress