Pháp và Đức tranh cãi về năng lượng hạt nhân
Kể từ khi Đức dừng các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, Paris và Berlin đã tranh cãi nhau về nguồn năng lượng này. Những tháng gần đây, đối đầu liên quan đến điện hạt nhân trở nên căng thẳng khi cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu và xung đột Ukraine khiến châu Âu phải rời xa nhiên liệu hóa thạch.
Theo ghi nhận của Le Monde, ít nhất 5 dự án lập pháp của EU đang gặp khó trong việc xây dựng vì bất đồng giữa hai nước này. Chúng bao gồm các luật về năng lượng tái tạo, khí đốt, nhiên liệu hàng không và hàng hải, và ngân hàng hydro.
Pháp và Đức cũng đang chuẩn bị lập luận riêng của mình cho 2 bộ luật chiến lược khác mà Ủy ban châu Âu sẽ sớm trình bày. Một là việc cải cách thị trường điện và hai là định hướng phát triển ngành công nghiệp xanh có tính cạnh tranh ở Liên minh châu Âu.
Hiện châu Âu chia thành hai phe trong vấn đề có nên công nhận nguồn khí hydro carbon thấp được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân là năng lượng bền vững hay không. Việc này sẽ ảnh hưởng đến đo lường tiến độ đạt mục tiêu 45 % năng lượng tái tạo vào năm 2030 của châu Âu hay không.
Phe do Đức dẫn đầu, với sự ủng hộ của Tây Ban Nha, Luxembourg và Austria, chỉ xem hydro “xanh”, được sản xuất bằng điện gió hoặc mặt trời, mới đủ điều kiện. Nhưng với phe Pháp và các đồng minh Đông, Trung Âu – vốn dựa vào năng lượng hạt nhân để tuân thủ Thỏa thuận Paris, thì không chấp nhận được.
“Việc cấm sử dụng năng lượng hạt nhân, vốn thải ra ít carbon hơn năng lượng mặt trời hoặc gió, là vô lý”, Agnès Pannier-Runacher, Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng Pháp, nhiều lần tuyên bố.
Giới chức Đức cho rằng nếu Pháp dựa vào năng lượng hạt nhân, họ sẽ không đủ nỗ lực cần thiết về năng lượng tái tạo. Pháp phản pháo rằng Đức lại tỏ ra ít cảm thấy nghiêm trọng hơn khi chấp nhận nhập khẩu LNG sản xuất từ các mỏ khí đá phiến và vận hành lại các nhà máy nhiệt điện than.
Sự bế tắc cũng tương tự với việc đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách phân loại. Châu Âu vẫn chia rẽ việc có nên dán nhãn xanh để cho phép đầu tư tư nhân nguồn năng lượng này. “Tôi có cảm giác như đang ở trong một đấu trường với hai con bò tót đối mặt nhau”, một nguồn tin nói với Le Monde.
Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện Châu Âu cho biết cả Pháp và Đức đều kiên định với các quan điểm mang tính ý thức hệ của họ. “Chúng ta phải thoát khỏi điều này, nếu không nó sẽ làm suy yếu Thỏa thuận Xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng”, ông nói.
Mâu thuẫn từng kỳ vọng được giải quyết sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Pháp – Đức tại Paris vào ngày 22/1. Đó là một cuộc đàm phán cam go, diễn ra ít ngày trước cuộc gặp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Điện Elysée. Một bản tuyên bố chung khi ấy được soạn sẵn.
Sau cuộc gặp, ông Macron và Scholz đã cam kết “đảm bảo rằng hydro tái tạo và carbon thấp có thể được tính đến trong các mục tiêu khử cacbon ở cấp độ châu Âu”. Nhờ vậy, giới quan sát cho rằng kết quả tương tự với sự chấp thuận của Đức đối với bất kỳ văn bản nào liên quan đến vấn đề hydro.
Nhưng một nhà ngoại giao ngờ vực “không chắc Thủ tướng đã thông báo cho Đảng Xanh, những người rất thù địch với năng lượng hạt nhân”. Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức (thuộc Đảng Xanh), được mô tả là biến sắc khi biết nội dung tuyên bố chung.
Trước đó vài ngày, tại Barcelona hôm 19/1, ông Macron và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ký hiệp ước hữu nghị để dỡ bỏ các trở ngại về quan điểm hydro carbon thấp. Đổi lại, Pháp đồng ý mở rộng sang Đức một đường ống dẫn hydro “xanh” nối Barcelona và Marseille (gọi là dự án H2Med) để đáp ứng yêu cầu cấp bách của Madrid và Berlin.
Tuy nhiên, Pháp nhanh chóng nhận ra hai đối tác này đổi thái độ ở Ủy ban châu Âu. “Có lẽ Đức và Tây Ban Nha thấy không có lý do gì để nhượng bộ Pháp, nước có năng lượng hạt nhân để đảm bảo giá điện tương đối thấp”, một nguồn tin thân cận ông Macron cho biết.
Pháp phản ứng bằng cách tập hợp các đồng minh đe dọa ngăn chặn dự án H2Med. Cuộc đàm phán ngày 7/2 về năng lượng tái tạo của EU bị hủy bỏ. Ban lãnh đạo EU cũng bị chia rẽ về năng lượng hạt nhân như 27 quốc gia thành viên. “Ủy ban cũng chịu áp lực, họ chờ đợi một thời gian dài để các quốc gia thành viên đi đến một thỏa thuận”, ông Canfin nói.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có nhiều cuộc trao đổi với ông Macron và ông Scholz về chủ đề này. Dù vậy, bà biết không thể mạo hiểm chọc giận Paris, chứ đừng nói đến Berlin. “Von der Leyen đang cố gắng cân bằng cả hai”, một nhà ngoại giao cho biết.
Vào tháng 1, bà đã dành ưu thế cho Berlin khi ký một biên bản ghi nhớ với Kiev. Thỏa thuận quy định chỉ được nhập khẩu hydro xanh của Ukraine, mặc dù Ukraine có các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, Paris cuối cùng cũng đòi điều chỉnh được nội dung văn bản theo hướng có lợi cho hydro carbon thấp.
Trường hợp này cho thấy, những bản ghi nhớ như vậy giữa EU và các nước thứ ba cũng phản ánh tranh chấp Pháp – Đức. “Chúng tôi không muốn EU tham gia vào một cuộc thập tự chinh chống hạt nhân ở nước ngoài”, một quan chức cấp cao của Pháp nhấn mạnh. Trong khi, chính phủ Đức tin các thỏa thuận này sẽ đảm bảo nguồn cung cấp hydro tái tạo cho châu lục.
“Sau khí đốt của Nga, Berlin đang tạo ra những sự phụ thuộc mới”, một nhà ngoại giao châu Âu ủng hộ hạt nhân cho biết. Nhà ngoại giao này cho rằng, kế hoạch nhập khẩu hydro bằng thuyền từ Chile hoặc New Zealand của Đức cũng không hẳn là thân thiện với môi trường.
Một quan chức EU cho biết mỗi khi từ hydro được nhắc đến ở đâu đó, Paris và Berlin lại đụng độ nhau, ngay cả vấn đề nhỏ. Ví dụ mới nhất là vào ngày 20/2, khi các ngoại trưởng châu Âu thông qua kết luận về ngoại giao khí hậu, một hoạt động thường niên sau Hội nghị các Bên của Liên hợp quốc. Nhưng năm nay, vì nó cũng là về hydro, nên kết luận không thể phát hành.
“Đức phải để Pháp phát triển hydro carbon thấp trong khi Pháp phải để Đức phát triển mô hình nhập khẩu hydro tái tạo”, ông Canfin nói. Theo ông, để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào 2050, châu Âu cần năng lượng hạt nhân lẫn tái tạo.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết sẽ mất thời gian để giảm leo thang. Hiện tại, ông Scholz và Macron đã tránh trao đổi trực tiếp về chủ đề này. Trong khi, ở hậu trường, các chuyên gia hai bên đang tìm kiếm một thỏa thuận.
Nhưng thời gian không còn nhiều. Ủy ban châu Âu sẽ phải trình bày các đề xuất cải cách thị trường điện châu Âu và giúp các quốc gia thành viên phát triển một ngành công nghiệp năng lượng xanh có tính cạnh tranh. Tác động của nó đối với năng lượng hạt nhân sẽ mang tính quyết định. Nếu đến lúc đó, Pháp – Đức vẫn chưa đạt được thỏa hiệp thì cuộc tranh luận giữa các nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ kịch tính hơn nhiều.
Phiên An (theo Le Monde)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/phap-va-duc-tranh-cai-ve-nang-luong-hat-nhan-4584730.html