Nước hoa – ngành kinh doanh xa xỉ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch
Pochet du Courval (Pháp) đã sản xuất chai thủy tinh cho các thương hiệu nước hoa hàng đầu thế giới từ trước khi smartphone ra đời. Họ đã trải qua vô số lần nhu cầu của người tiêu dùng bùng nổ rồi sụt giảm. Tuy nhiên, các lãnh đạo công ty cho biết họ chưa bao giờ bận rộn như lúc này.
“Nhu cầu quá lớn khiến chúng tôi không thể đáp ứng kịp. Chúng tôi chưa khi nào giao nhiều chai đựng nước hoa hay mỹ phẩm như thế này”, Yves Bouquier, Chủ tịch công ty con của Pochet tại Mỹ nói.
Năm nay, Pochet du Courval đã giao 270 triệu chai nước hoa thủy tinh và mỹ phẩm. Đây là một kỷ lục với doanh nghiệp 400 năm tuổi này. Pochet du Courval sản xuất chai nước hoa đầu tiên cho hãng Guerlain vào năm 1853.
Tốc độ tăng trưởng này cũng tạo ra sự tranh luận giữa các nhà phân tích và giám đốc điều hành các công ty làm đẹp về việc liệu nhu cầu nước hoa sẽ tiếp tục duy trì hay nhanh chóng suy giảm.
Doanh số bán nước hoa cao cấp trên toàn cầu bắt đầu tăng trong thời gian dịch bệnh và còn tăng mạnh hơn trong năm qua. Theo Bloomberg, nhu cầu với mặt hàng này vẫn được duy trì, ít nhất đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các mặt hàng xa xỉ khác đã chậm lại, phần nào do triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu.
“Ban đầu, chúng tôi nghĩ đây chỉ là do nhu cầu bị dồn nén, nhưng nó vẫn tiếp tục tăng trưởng 3 năm qua”, Michel Atwood – Giám đốc tài chính Inter Parfums, công ty sản xuất và phân phối nước hoa cho các thương hiệu như Oscar de la Renta, MCM và Donna Karan cho biết.
Atwood cho biết khi bắt đầu phân tích sự tăng trưởng, công ty nhận ra có rất nhiều khách hàng mới. “Khi người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến sản phẩm này, họ thường tiếp tục sử dụng”, ông nói.
Theo dữ liệu từ NPD Group, doanh số nước hoa cao cấp tại Mỹ 10 tháng đầu năm nay tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019 và 13% so với năm ngoái.
Doanh số tăng không chỉ nhờ giá sản phẩm cao hơn. Số lượng chai nước hoa được bán ra trong 10 tháng đầu năm cũng nhiều hơn gần một phần tư so với trước đại dịch. Nước hoa và các mặt hàng làm đẹp cao cấp là lĩnh vực duy nhất tăng trưởng về doanh số trong 14 mặt hàng bán lẻ NPD theo dõi trong danh mục.
Các nhà sản xuất và bán lẻ nước hoa kỳ vọng nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp của họ sẽ vẫn mạnh trong suốt kỳ lễ cuối năm và sau đó. Sue Nabi – Giám đốc điều hành Coty – công ty sản xuất nước hoa cho các thương hiệu gồm Gucci, Hugo Boss và Calvin Klein – nói rằng người tiêu dùng đang ngày càng mua nhiều mặt hàng nước hoa đắt tiền hơn.
Nước hoa từ lâu đã trở thành món quà tặng phổ biến cho Ngày của Mẹ tại Mỹ và trong các kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, theo Nabi, nhiều người mua nước hoa Coty cho chính họ trong vài năm qua và coi việc sử dụng là thói quen chăm sóc cơ thể hàng ngày. Họ không nghĩ rằng nước hoa là một món đồ xa xỉ.
Khách hàng cũng tăng sử dụng nước hoa trong đại dịch, vì đây là mặt hàng dễ tiếp cận, dễ mua. Họ có thể sử dụng hàng ngày dù phải ở trong nhà, chứ không như túi xách cao cấp. Các sản phẩm tạo hương thơm trong gia đình, như nến và máy khuếch tán tinh dầu cũng bán rất chạy trong vài năm qua.
Khách hàng coi chúng như một hình thức chăm sóc bản thân, dùng mùi hương để phân biệt giữa không gian sống và làm việc khi ranh giới giữa hai không gian này ngày càng mờ nhạt, theo Artemis Patrick, giám đốc bán hàng toàn cầu tại Sephora – thương hiệu thuộc sở hữu của gã khổng lồ xa xỉ LVMH cho biết.
Patrick nói rằng họ hy vọng mảng kinh doanh nước hoa của Sephora sẽ tăng gần gấp đôi trong vài năm tới, nhưng từ chối cung cấp số liệu cụ thể. “Chúng tôi đang phát triển nhanh hơn thị trường và tiếp tục giành được thị phần”, bà nói.
Một lý do khác khiến các lãnh đạo trong ngành làm đẹp lạc quan về nước hoa là tiềm năng phát triển ở Trung Quốc. Giám đốc điều hành Coty ước tính hiện chỉ có khoảng 3% dân số Trung Quốc sử dụng nước hoa. Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, người tiêu dùng ở Tây Âu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động mua nước hoa toàn cầu, tiếp theo là Mỹ và Mỹ Latinh.
Dù vậy, không phải chuyên gia nào cũng tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nước hoa cao cấp. Nhà phân tích Olivia Tong tại Raymond James “lo lắng về tuổi thọ” của nhu cầu nước hoa, bất chấp sức tăng trưởng gần đây. Bà dự đoán đây có thể sẽ là sản phẩm đầu tiên trong các mặt hàng làm đẹp bị ảnh hưởng bởi lạm phát và xu hướng chi tiêu tiết kiệm.
Tú Anh(theo Bloomberg)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/nuoc-hoa-nganh-kinh-doanh-xa-xi-khong-bi-anh-huong-boi-dai-dich-4547799.html