Nhân tố bí mật trong cuộc chiến năng lượng của Nga
Pavel Sorokin là một trong những quan chức trẻ tuổi, có hiểu biết sâu về phương Tây đang làm việc trong chính phủ Nga. Ông tham gia đàm phán các thỏa thuận dầu khí với châu Phi và Trung Đông. Ông hỗ trợ việc thành lập OPEC+ (liên minh giữa OPEC và các nước sản xuất dầu ngoài khối này, dẫn đầu là Nga).
Nguồn tin của WSJ cho biết tháng trước, Sorokin còn tham gia thiết lập giá cố định cho dầu Urals xuất khẩu, thay vì để thị trường quyết định. Việc này được dự báo giúp Nga có thêm 8,2 tỷ USD thuế.
Sorokin và các đồng nghiệp của ông đã giúp xoa dịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga. Nhiệm vụ của họ sẽ trở nên phức tạp hơn khi các tác động dài hạn xuất hiện. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng họ cũng đã giúp kinh tế Nga không sụp đổ như các dự báo ban đầu.
Viktor Katona – nhà phân tích dầu thô tại hãng dữ liệu Kpler – cho rằng Sorokin đã trở thành “vũ khí bí mật” của Nga trong việc chống lại các ảnh hưởng của lệnh trừng phạt. Theo ông, nhiều nước đã đánh giá thấp thế hệ lãnh đạo mới, từng học tại phương Tây của Nga. “Sorokin thuộc thế hệ người trẻ có nhiều lựa chọn. Và họ chọn làm việc cho chính phủ”, Katona nói.
Chiến sự tại Ukraine đã làm thay đổi cục diện thị trường năng lượng toàn cầu. Châu Âu – khách hàng mua nhiều năng lượng Nga nhất – giờ lại xa lánh mặt hàng này. Dầu khí Nga vì thế chuyển hướng sang Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng được bán với giá rẻ hơn. Số liệu của Bộ Tài chính Nga cho biết nguồn thu từ dầu khí nước này trong tháng 1 giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để bù đắp khoảng trống đó, Nga cần thêm nhiều đối tác thương mại mới. Sorokin và các đồng nghiệp của ông dường như đang có thành công bước đầu. Nga đã xuất khẩu hơn 8 triệu thùng dầu trong tháng 1, theo Kpler. Đây là một trong 5 tháng xuất khẩu cao nhất lịch sử, cũng là cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Tháng 9 năm ngoái, Sorokin bay đến Brazzaville – thủ đô Cộng hòa Congo để gặp Tổng thống nước này. Sau 2 ngày, ông đạt thỏa thuận cung cấp dầu cho họ. Hai công ty khác của Nga cũng được phép xây đường ống trị giá 850 triệu USD tại đây.
Tháng trước đó, ông gặp gỡ một quan chức Afghanistan. Hai bên sau đó công bố thỏa thuận cung cấp khí đốt.
Sorokin cũng đàm phán với Bahrain để quốc gia này trở thành trung tâm giao dịch dầu Nga. Số liệu hải quan cho thấy năm ngoái, một số giao dịch dầu Nga đã được xử lý tại quốc gia Vùng Vịnh này.
Sorokin sinh ra tại Moskva, nhưng lớn lên ở Cyprus do cha mẹ ông là nhân viên ngoại giao. Ông sau đó quay về Nga làm việc cho hãng kiểm toán Ernst & Young. Năm 26 tuổi, ông trở thành chuyên gia phân tích cấp cao tại Alfa Bank – ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga.
Sau đó, Sorokin lấy bằng thạc sĩ tài chính tại Đại học London. Ông cũng từng làm việc cho chi nhánh ngân hàng Morgan Stanley tại Moskva.
Một người quen của Sorokin cho biết trên WSJ rằng ông là một đồng nghiệp khiêm tốn. Sorokin thường ăn trưa ở một quán đồ Ukraine và dùng bữa tối trong các quán phong cách châu Á. Một đồng nghiệp khác nói rằng Sorokin thường bày tỏ mong muốn giúp đất nước phát triển.
Năm 2016, Sorokin được Alexander Novak – Bộ trưởng Năng lượng Nga khi đó, hiện là Phó thủ tướng – bổ nhiệm phụ trách trung tâm nghiên cứu năng lượng. Ông nhanh chóng được Novak tin tưởng, thường xuất hiện trong nhiều sự kiện ngoại giao cùng Novak và đóng vai trò phiên dịch.
Sorokin cũng được cho là thân thiết với Adeeb Al Yama (cố vấn lâu năm của nhiều bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia) cũng như cố Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo. Nhờ các mối quan hệ này, ông đã giúp Novak lên kế hoạch liên minh với OPEC, lập ra OPEC+ năm 2016. Sự ra đời của OPEC+ giúp Nga có tiếng nói lớn hơn trong thị trường dầu toàn cầu.
WSJ trích đăng tài liệu của Điện Kremlin cho biết trong một cuộc gặp năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hỏi Sorokin về công việc hiện tại. Sorokin trả lời: “Dự án lớn chúng tôi đang làm gần đây là thỏa thuận giảm sản xuất giữa Nga và OPEC”, ông nói. Sau đó vài ngày, Sorokin được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Năng lượng.
Trên WSJ, Arsenii Pogosyan, cựu nhân viên phụ trách truyền thông của Sorokin, nhận xét ông nổi bật trong giới quan chức chính phủ, nhờ các thói quen phương Tây, như ăn dứa cắt lát và chúc mừng bằng rượu whiskey thay vì vodka. “Ông ấy muốn lên YouTube và sẽ trả lời tất cả câu hỏi của báo chí trong vòng một giờ”, Pogosyan nhớ lại.
Ngoài việc đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Sorokin cũng tìm cách hiện đại hóa lĩnh vực năng lượng của quốc gia. Gần đây, họ ra mắt các trạm xăng làm từ khí đốt. Nga còn đang lên kế hoạch giảm tiêu thụ năng lượng.
Trong một hội thảo của tổ chức nghiên cứu chính sách Valdai Club (Nga) hôm 1/3, khi được hỏi về lệnh cấm vận ảnh hưởng thế nào với Nga, Sorokin khẳng định phần lớn các nước vẫn cởi mở với dầu nước này. “Ngành công nghiệp của chúng tôi vẫn rất hiệu quả”, ông nói.
Sorokin cho biết nhu cầu dầu và các sản phẩm từ dầu của thế giới không đổi, dao động trong khoảng 99,5 – 101 triệu thùng một ngày. “Dòng chảy năng lượng từ Nga đã được phân phối lại”, ông khẳng định.
Hà Thu(theo WSJ, TASS)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/nhan-to-bi-mat-trong-cuoc-chien-nang-luong-cua-nga-4576924.html