Ngân hàng ngấm đòn huy động cao, cho vay khó
Những ảnh hưởng của một giai đoạn chạy đua lãi suất huy động, rồi tiếp nối là khó khăn của việc cho vay, đang hiện rõ trên báo cáo tài chính của các nhà băng.
Trong 22 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II, chi phí trả lãi trong ba tháng gần nhất đều tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước, cá biệt có một số nhà băng ghi nhận chi phí này cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp gần ba lần.
Ở chiều ngược lại, thu nhập lãi và các khoản tương đương có biên độ tăng chậm hơn đáng kể, dẫn tới thu nhập lãi thuần bị thu hẹp – diễn biến lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây. Kể cả giai đoạn Covid-19, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng vẫn tăng trưởng dương.
Trong nhóm các ngân hàng quốc doanh, Vietcombank, VietinBank hay BIDV ghi nhận chi phí trả lãi trong quý II vừa qua tăng 60-80% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mức tăng của thu nhập từ lãi cho vay chỉ bằng một nửa, ở ngưỡng 35-40%.
Đứng đầu về quy mô là BIDV với chi phí lãi và các khoản tương tự là hơn 25.500 tỷ đồng trong quý II năm nay, cao hơn 75% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, thu nhập lãi chỉ tăng 35%, khiến thu nhập lãi thuần trong kỳ giảm hơn 6%. Chỉ tiêu này trước đó đã tăng trưởng liên tục, kể cả giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tương tự, Vietcombank hay VietinBank cũng gặp diễn biến tương tự. Chi phí lãi trong ba tháng gần nhất của Vietcombank gấp gần hai lần cùng kỳ, còn VietinBank cũng tăng hơn 60%. Khác với BIDV, thu nhập lãi thuần – “nồi cơm chính” – của hai nhà băng này vẫn tăng trưởng dương nhưng biên độ đều dưới 10%.
So với nhóm quốc doanh, “cuộc đua” lãi suất huy động trong giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023 ở nhóm tư nhân còn diễn ra căng thẳng hơn. Kết quả là trong quý II, nhiều nhà băng top đầu nhóm này chịu chi phí lãi hơn gấp đôi cùng kỳ.
Techcombank – nhà băng tư nhân nhiều năm trước gắn liền với vị trí “á quân” về lợi nhuận – nay rơi về cuối top 5. Nguyên nhân chính do các mảng thế mạnh, như bất động sản hay trái phiếu, gặp khó. Ngoài ra, chi phí lãi tăng đột biến đã khiến nguồn thu từ tín dụng sụt giảm.
Chi phí lãi trong quý II của riêng ngân hàng mẹ Techcombank gấp gần ba lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 7.500 tỷ đồng. Trong khi nguồn thu từ lãi tăng thấp hơn đáng kể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm hơn 20% so với quý II năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, mức biến động của hai chỉ tiêu này cũng tương đương quý II.
Một phần lý do đà tăng chi phí lãi đứng đầu hệ thống là do tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank giảm mạnh. Những năm trước, tỷ lệ CASA của nhà băng này chiếm gần một nửa tổng huy động, nhưng đã giảm xuống 32% vào cuối quý I năm nay, trước khi tăng lên gần 35% vào cuối quý II.
Những ngân hàng khác trong top đầu nhóm tư nhân có tốc độ tăng chi phí lãi trong quý II vượt 100% là VPBank, MB và HDBank.
Thu nhập lãi thuần của VPBank trong quý II và nửa đầu năm nay đều thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nguyên nhân chính là chi phí lãi tăng mạnh. Chỉ tiêu này với quý II của ngân hàng mẹ VPBank là hơn 9.000 tỷ đồng, so với mức 4.200 tỷ quý II/2022. Lũy kế 6 tháng, VPBank chi ra hơn 16.500 tỷ đồng cho chi phí lãi, gấp hơn hai lần so với năm trước.
Tương tự, tăng trưởng thu nhập từ lãi của MB và HDBank trong quý II đạt 40-60%, còn tăng chi phí lãi lên tới 120-127%.
Diễn biến này xuất hiện sau một giai đoạn ngân hàng huy động tiền gửi lãi suất cao, nhưng sau đó lại gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng do khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế.
Nửa cuối năm trước, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng khi “room” tín dụng bị dùng cạn, lượng tiền gửi của doanh nghiệp thu hẹp do khó khăn chung. Để cân đối cơ cấu vốn, các nhà băng chuyển hướng trọng tâm sang thu hút tiền gửi từ dân cư.
Lãi suất theo đó bắt đầu tăng nhanh từ giữa năm 2022, một phần cũng do đà tăng của nhiều nền kinh tế nhằm đối phó với lạm phát. Lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thời điểm đó có lúc được đẩy lên 11-12%. Để tận dụng ưu đãi, đa số người gửi tiền trong giai đoạn này chọn kỳ hạn dài. Áp lực chi phí vốn lãi suất cao vì thế đã kéo dài sang nửa đầu năm 2023.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc mở rộng tín dụng gặp khó khăn. Tín dụng trong nửa đầu năm nay của toàn hệ thống chỉ tăng 4,7%, bằng một nửa tốc độ của cùng kỳ năm trước. Hoạt động nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm đơn hàng, dẫn tới tình trạng giảm nhu cầu vay vốn, bởi “có vay tiền về cũng không biết để làm gì”.
Những tháng gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh lãi suất điều hành, diễn biến lãi suất có phần dễ thở hơn.
Tính tới cuối tháng 6, hệ thống chỉ còn hai ngân hàng yết lãi suất tiết kiệm cao nhất 8% một năm, trong khi cách đây một tháng có hơn 10 đơn vị sẵn sàng trả vượt mức này. Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm về dưới 8% một năm. Chục nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất (thường áp dụng với kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng) dưới 7% một năm.
Tuy nhiên, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng áp lực chi phí vốn đầu vào cao sẽ còn ảnh hưởng trong thời gian tới, bởi ít nhất phải tới cuối năm nay, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm từ cuối năm 2022 (thời điểm mặt bằng lãi suất huy động cao) mới tất toán. Việc mở rộng tín dụng gặp khó, trong khi chi phí vốn đầu vào cao sẽ tiếp tục là một bài toán khó với các nhà băng.
Minh Sơn
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/ngan-hang-ngam-don-huy-dong-cao-cho-vay-kho-4636707.html