Mỹ tìm cách giảm ảnh hưởng của Trung Quốc với khoáng sản châu Phi
“Mining Indaba” là hội nghị ngành khai khoáng lớn nhất châu Phi. Diễn ra tại Cape Town (Nam Phi) tháng trước, hội nghị gây chú ý vì thu hút phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ, bao gồm các quan chức Nhà Trắng và các bộ Ngoại giao, Thương mại, Năng lượng.
Mỹ tìm kiếm nguồn cung toàn cầu nhưng châu Phi – nơi có khoảng 30% tài nguyên khoáng sản của thế giới – là một phần quan trọng của cuộc săn lùng 50 “khoáng chất quan trọng” mà nước này cho là cần thiết để giảm lượng khí thải carbon và tạo ra việc làm xanh.
Bằng cách cam kết thực hiện khai thác theo cách khác – cả về cách Trung Quốc thực hiện hiện nay và cách phương Tây thực hiện trong quá khứ – Mỹ tuyên bố sẽ giúp chuyển đổi các nền kinh tế châu Phi.
“Quá trình chuyển đổi năng lượng là cơ hội cho quá trình chuyển đổi ở châu Phi”, Amos Hochstein, Đặc phái viên Tổng thống, cho biết. Đối với Mỹ, châu Phi đang giúp giải quyết hai vấn đề. Đầu tiên là sự thiếu hụt toàn cầu về các khoáng chất cần thiết nếu muốn đạt các mục tiêu về khí hậu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế tính toán rằng đến năm 2040, các nhà sản xuất công nghệ năng lượng sạch sẽ cần lượng lithium gấp 40 lần năm 2020, gấp 25 lần than chì và khoảng 20 lần niken và coban. Nhu cầu về các nguyên tố đất hiếm – được sử dụng trong mọi thứ, từ nam châm tua-bin điện gió đến máy bay chiến đấu – có thể cao gấp 7 lần vào cuối thập kỷ tới.
Vấn đề thứ hai với phương Tây là ảnh hưởng đang quá lớn của Trung Quốc với chuỗi cung ứng. Trung Quốc tinh chế 68% niken, 40% đồng, 59% lithium và 73% coban, theo một báo cáo vào tháng 7 của Viện Brookings (Mỹ). “Trung Quốc tự do kiểm soát hoạt động này trong 15 năm, trong khi phần còn lại của thế giới ngủ yên”, Brian Menell, Giám đốc điều hành công ty khoáng sản TechMet, bình luận.
Mỹ coi coban được sử dụng trong pin như một cảnh báo. Tại Congo, nơi cung cấp khoảng 70% sản lượng coban toàn cầu, Trung Quốc sở hữu hoặc có cổ phần tại 15 trong 19 mỏ sản xuất coban tính đến năm 2020.
Quyết định cho phép công ty Mỹ bán một trong những mỏ coban lớn nhất của Congo cho một đơn vị Trung Quốc vào năm 2020, theo Economist, được coi là hành động sai lầm. “Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc trở thành một OPEC của các khoáng sản quan trọng”, một quan chức Mỹ lo ngại.
Có thể xác định 3 yếu tố trong cách tiếp cận của Mỹ. Đầu tiên là một nỗ lực đa phương liên quan đến các đồng minh phương Tây. Tháng 6/2022, Ngoại trưởng Antony Blinken khởi động “Hiệp hội Đối tác An ninh Khoáng sản” (MSP) với 13 thành viên bao gồm tất cả quốc gia G7 và EU.
Nhiều quốc gia trong số này cũng đang tìm kiếm các loại đá khan hiếm. Anh đã đưa ra “Chiến lược khoáng sản quan trọng” vào tháng 7/2022. Cuối tháng 2, Ủy ban châu Âu đề xuất “Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng”.
Các thành viên MSP sẽ hỗ trợ các công ty nước họ đề xuất các dự án khai thác mỏ đáp ứng các tiêu chuẩn cao về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Sự hỗ trợ này có thể bao gồm việc vận động hành lang của các nhà ngoại giao tại quốc gia nơi mỏ sẽ được xây dựng, tài trợ cho dự án hoặc giúp thu hút đầu tư tư nhân.
Các đại diện từ Congo, Mozambique, Namibia, Tanzania và Zambia đã tham dự một cuộc họp ở New York vào năm ngoái. Triệu tập phiên họp, ông Blinken nêu ví dụ chủ sở hữu một mỏ than chì ở Mozambique đã nhận được khoản vay từ chính phủ Mỹ, cung cấp việc làm cho người dân địa phương. Trong khi đó, đầu ra sẽ được gửi đi xử lý ở Louisiana.
Phần thứ hai trong cách tiếp cận của Mỹ liên quan đến các dự án “giảm thiểu rủi ro” của các cơ quan phát triển như họ đã thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc năng lượng. Ngoài Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ còn có Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế (DFC) tham gia tài trợ vốn.
Vào năm 2018, chính quyền Trump đã tăng gấp đôi giới hạn cho vay của DFC lên 60 tỷ USD và thay đổi các quy tắc để tổ chức này có thể nắm giữ cổ phần trong các công ty. Hiện DFC chỉ có một khoản đầu tư trực tiếp vào khai khoáng và rất muốn bổ sung.
Yếu tố thứ ba là ngoại giao tích cực hơn ở châu Phi. Kể từ khi ông Biden tiếp đón hơn 40 nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington vào tháng 12, một số quan chức cấp cao bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã đến thăm lục địa này. Ông Biden dự kiến đến thăm trong năm nay.
Một thành công ngoại giao ban đầu là hành lang Lobito. Ý tưởng cải tạo tuyến đường sắt có thể đưa đồng từ Congo và Zambia đến cảng Lobito của Angola. Nó đã được thảo luận trong nhiều thập kỷ nhưng bị đình trệ cho đến khi 3 tổng thống mới ở các nước này có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và ít nghiêng về Trung Quốc.
Năm ngoái, một tập đoàn phương Tây đã thắng các công ty Trung Quốc trong hợp đồng xây dựng lại tuyến đường sắt. Các nhà ngoại giao Mỹ hy vọng dự án khiến đầu tư vào ba quốc gia trở nên hấp dẫn hơn và tạo ra một con đường mới đến các nhà máy chế biến bên ngoài Trung Quốc.
Một thành công tiềm năng khác là một biên bản ghi nhớ được Mỹ, Congo và Zambia ký vào tháng 1/2023. Theo đó, Mỹ đồng ý giúp hai quốc gia châu Phi xây dựng chuỗi cung ứng để xử lý khoáng sản thô thành tiền chất của pin cho xe điện.
Các chính trị gia châu Phi chào đón người Mỹ một cách thận trọng. Các công ty khai thác nhỏ thì hy vọng rằng sự khao khát của phương Tây đối với các dự án khoáng sản thân thiện với môi trường sẽ khiến họ trở thành những đề xuất đầu tư hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu tham vọng của phương Tây có chuyển thành sự gia tăng lớn trong đầu tư hay không. Chi phí vốn của 20 công ty khai thác lớn được dự báo sẽ tăng khoảng 12% vào năm 2023, theo Mining Technology. Con số này thấp hơn ước tính của giới phân tích về những gì cần thiết để đáp ứng các mục tiêu khí hậu.
Duncan Wanblad, CEO Anglo American, nói có quá ít dự án khả thi về tài chính đang được phát triển. 20 năm qua, Benedikt Sobotka, CEO Tập đoàn Tài nguyên Á – Âu, đánh giá việc triển khai vốn lớn duy nhất là hệ sinh thái Trung Quốc”.
Sameh Shenouda, CEO Tập đoàn Tài chính Châu Phi, một quỹ có trụ sở tại Nigeria, hoan nghênh sự quan tâm của phương Tây nhưng có hai lo lắng. Một là các dự án sẽ mất quá nhiều thời gian để bắt đầu do bộ máy quan liêu của Mỹ. Hai là việc Mỹ thúc đẩy đầu tư thân thiện với đồng minh có thể không còn nếu một tổng thống từ đảng Cộng hòa lên tiếp quản.
Các quan chức Mỹ đôi khi tỏ ra trịch thượng khi họ cảnh báo người châu Phi không nên giao dịch với Trung Quốc. “Người Mỹ hoàn toàn không biết gì về những gì đang diễn ra trong nền chính trị của chúng tôi”, Cựu cố vấn một tổng thống châu Phi nói. Theo vị này, thành công của Trung Quốc ở châu Phi là do các công ty của họ có thể hoàn thành kịp các dự án cho cuộc bầu cử tiếp theo.
Nhiều chính phủ châu Phi muốn Mỹ tham gia nhiều hơn vào lục địa này nhưng không vội rời xa Trung Quốc. “Zambia xem xét từng quốc gia trong từng trường hợp”, Paul Kabuswe, Bộ trưởng Bộ mỏ của Zambia cho biết. Theo ông, càng nhiều sự cạnh tranh thì càng giúp các chính phủ châu Phi đạt được thỏa thuận tốt hơn.
Phiên An (theo The Economist)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/my-tim-cach-giam-anh-huong-cua-trung-quoc-voi-khoang-san-chau-phi-4576140.html