Mùa đông ấm – nhân tố khiến Nga mất lợi thế năng lượng ở châu Âu
Dự trữ khí đốt của các nước châu Âu vẫn còn gần đầy và giá khí đốt gần đây đã về mức trước xung đột. Bước ngoặt diễn ra chỉ trong một tháng, khiến châu Âu dường như đã qua thời kỳ tồi tệ nhất của khủng hoảng năng lượng.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có Covid-19 tại Trung Quốc khiến nước này không tham gia cạnh tranh trên thị trường khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đã giúp hạ nhiệt lạm phát, ổn định triển vọng kinh tế của châu Âu. Điều này làm giảm lợi thế của Điện Kremlin trong cuộc chiến năng lượng với phương Tây.
Nga muốn dùng năng lượng để gây sức ép buộc châu Âu ngừng ủng hộ Ukraine và đã cắt giảm phần lớn khí đốt bằng đường ống sang khu vực này. Tuy nhiên, kế hoạch này gần đây đang lung lay.
Dù một đợt lạnh hoặc sự gián đoạn nguồn cung bất chợt cũng có thể khiến thị trường năng lượng rơi vào hỗn loạn, giới quan sát vẫn lạc quan rằng châu Âu có thể vượt qua mùa đông năm nay và năm tới.
“Nỗi lo kinh tế suy thoái nghiêm trọng đến nay đã được loại bỏ”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck – kiến trúc sư trưởng của chương trình đối phó khủng hoảng năng lượng tại nước này, cho biết trong một chuyến thăm Na Uy. Na Uy gần đây đã vượt Nga trở thành nước cung cấp khí đốt lớn nhất cho Đức.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến châu Âu tốn thêm gần 1.000 tỷ USD vì giá nhiên liệu tăng vọt. Các chính phủ phản ứng bằng cách tung hơn 700 tỷ USD hỗ trợ các công ty và người tiêu dùng. Họ cũng ráo riết tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng, đặc biệt là khí đốt, từ Nga.
Liên minh châu Âu (EU) hiện không còn nhập khẩu than đá và dầu thô từ Nga. Số khí đốt được giao đến đây cũng gần như dừng lại. Khoảng trống này được lấp đầy một phần bởi nguồn cung từ Na Uy và LNG từ Qatar, Mỹ cùng một số nước khác.
Tại Đức, các kho chứa hiện đầy 91%, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã quốc hữu hóa công ty con của Gazprom tại đây và chi hàng tỷ euro để lấp đầy kho dự trữ.
Các chính sách nhằm tiết kiệm năng lượng từ ngành công nghiệp và các hộ gia đình, cũng như nhiệt độ tháng 1 cao nhất nhiều thập kỷ, đã giúp tạo ra bộ đệm cho Đức.
“Chúng tôi đang rất lạc quan”, Klaus Mueller – người phụ trách hệ thống năng lượng của Đức cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ARD cuối tuần trước, “Càng có nhiều khí đốt trong kho dự trữ vào đầu năm, chúng tôi càng bớt áp lực và chi phí cho việc làm đầy chúng mùa đông năm sau”.
Giá khí đốt tại châu Âu hiện chỉ bằng 20% mức đỉnh hồi tháng 8/2022. Bất chấp lo ngại giá giảm kéo nhu cầu lên cao, lượng tiêu thụ thực tế lại đang giảm xuống. Trong một báo cáo gần đây, Morgan Stanley cho biết tiêu thụ khí đốt tại các nước châu Âu năm nay dự kiến giảm 16% so với mức trung bình 5 năm.
Sự phát triển của năng lượng tái tạo cũng góp phần xoa dịu cuộc khủng hoảng này. Năng lượng gió và mặt trời sẽ giúp giảm gần 40% lượng điện tạo ra từ khí đốt tại 10 thị trường điện lớn nhất châu Âu năm nay, theo S&P Global.
Tình hình biến chuyển đến mức hiện tại có quá nhiều LNG đang được chuyển đến châu Âu, theo Morgan Stanley. Số LNG giao đến đây đã lập kỷ lục mới tháng trước và con số này vẫn đang tăng lên.
Đức đang mở thêm 3 cảng LNG mùa đông này. Họ dự kiến các cảng này đáp ứng một phần ba nhu cầu trước đây. Nguồn cung ổn định từ các nước ngoài Nga cũng có thể khiến giá thị trường không tăng vọt như năm ngoái.
“Việc châu Âu làm đầy được kho dự trữ thực sự đã tạo ra bộ đệm cho giá cả trong mùa đông tới”, Giacomo Masato – chiến lược gia tại hãng năng lượng Illumia nhận định, “Các dự báo đang nghiêng về hướng châu Âu dư thừa nguồn cung”.
Việc làm đầy kho dự trữ có thể bớt thách thức hơn sau mùa đông này. Morgan Stanley và Wood Mackenzie dự báo các kho vẫn đầy một nửa trong mùa xuân năm nay nếu thời tiết tiếp tục ấm áp. Mức này đã gấp đôi cùng kỳ năm ngoái rồi.
Dù vậy, giá khí đốt hiện vẫn cao hơn trung bình các năm trước và rủi ro còn hiện hữu. Nhập khẩu khí đốt bằng đường ống từ Nga năm nay chỉ bằng 20% mọi năm và Điện Kremlin có thể cắt hoàn toàn mức này trong thời gian tới.
“Đây sẽ là sự cắt giảm khổng lồ với thị trường tiêu thụ tới 400 tỷ m3 khí đốt năm 2021”, Anne-Sophie Corbeau – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia cho biết.
LNG vì thế trở nên thiết yếu để đảm bảo đủ nguồn cung cho mùa đông năm sau. Châu Âu sẽ cần cảnh giác rất nhiều. Vì nếu kinh tế Trung Quốc hồi phục, cạnh tranh trên thị trường LNG sẽ rất gay gắt. Nguồn cung có thể co hẹp cho đến năm 2025. Nga cũng có khả năng gây gián đoạn thị trường do vẫn là một trong 3 nhà cung cấp LNG lớn nhất cho châu Âu.
Dù vậy, báo cáo của CICC Research cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng chuyển sang các loại nhiên liệu có chi phí thấp hơn LNG, như nhập than đá, khí tự nhiên và sử dụng nhiên liệu sản xuất trong nước. Thậm chí, nước này có thể không nhập khẩu LNG năm nay.
Biến đổi khí hậu cũng có thể khiến thời tiết chuyển lạnh bất ngờ, như Mỹ tháng trước. Nhiệt độ thấp kéo dài có thể khiến các kho dự trữ chỉ còn 20%, theo báo cáo của Wood Mackenzie. “Châu Âu có thể đang ở vị thế tốt hơn kỳ vọng, nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn thoát rắc rối đâu”, báo cáo kết luận.
Hà Thu(theo Bloomberg)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/mua-dong-am-nhan-to-khien-nga-mat-loi-the-nang-luong-o-chau-au-4557842.html