Liên danh Coteccons, Hòa Bình cam kết xây nhà ga sân bay Long Thành trong 36 tháng
Liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu, gồm 8 nhà thầu như Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An và Power Line Engineering (PLE – Thái Lan). Đây là một trong ba liên danh nộp hồ sơ đấu thầu gói xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) thuộc sân bay Long Thành.
Trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây, liên danh này công bố kế hoạch đấu thầu dự án nhà ga sân bay Long Thành (Đồng Nai). Nếu trúng thầu và dự án khởi công vào tháng 8 năm nay, nhà ga sân bay Long Thành sẽ được xây xong vào khoảng tháng 8/2026.
Nội bộ liên danh đưa ra lộ trình ngắn hơn – 32 tháng. Họ giải thích, đây là mục tiêu mang tính thách thức hơn nhưng cần thiết để có thời gian vận hành thử nghiệm. Kế hoạch xây dựng nhà gà sân bay này đã được họ nghiên cứu và soạn thảo trong khoảng một năm.
Chia sẻ với VnExpress, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons, nói lý do các doanh nghiệp lớn chấp nhận “bắt tay” dịp này vì công trình khó sẽ tự thu hút những người giỏi. Các nhà thầu tham gia liên danh theo phương pháp “chiết xuất” điểm tốt nhất của từng thành viên để ghép lại cho tổng thể. Ông ví phương pháp này tương tự như trò ghép hình puzzle.
“Chúng tôi nhìn thấy sự quyết tâm của từng thành viên trong liên danh để hoàn thiện dự án nhanh nhất có thể, hơn là việc xét xem ai hơn ai”, ông cho biết.
Trả lời câu hỏi về sự có mặt của nhà thầu ngoại, Chủ tịch Coteccons nói không “chạy đua” để có được tên tuổi quốc tế nhằm “làm đẹp hồ sơ”, mà tập trung vào khả năng đáp ứng của họ. PLE sẽ đảm nhiệm vai trò thi công cơ khí – điện – nước (MEP) cho dự án, lĩnh vực mà công ty có kinh nghiệm và năng lực lớn tại nước Thái. Ông Bolat nói PLE càng phù hợp hơn khi vừa hoàn thành gói thầu MEP tại dự án mở rộng sân bay Suvarnabhumi.
Ngoài nhà thầu Thái, liên danh cũng có biên bản ghi nhớ với hai đơn vị tư vấn dự án từ Pháp và Nhật. Ông nói đây đều là hai đơn vị có năng lực và kinh nghiệm lớn về xây dựng sân bay trên thế giới, hy vọng sẽ tăng khả năng về đích của dự án.
Ông Trần Quang Tuấn, CEO Công ty xây dựng Central, nói với tiến độ xây dựng nhanh, họ đã tính đến trường hợp dòng tiền có thời điểm âm 5.000 tỷ đồng. Khi đó, hàng chục nghìn tỷ đồng mà Vietinbank, MB, TPBank và BIDV cam kết thu xếp sẽ trở thành nguồn vốn đảm bảo cho toàn liên danh.
Gói thầu 5.10 – xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng là hạng mục lớn nhất của dự án Sân bay Long Thành. Ngoài Hoa Lư, còn hai nhóm liên danh khác nộp hồ sơ dự thầu.
Một là Liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Ic Istas (Ic Istas) Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, có sự tham gia của các nhà thầu nằm trong hệ sinh thái do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập như Ricons, Newtecons, Sol E&C.
Liên danh còn lại CHEC-BCEG-Vietnam Contractors gồm các công ty Thuận Việt, CDC, Xuân Mai, Beijing Construction Engineering Group do Tập đoàn Xây dựng giao thông China Harbuor Engineering đứng đầu. China Harbuor Engineering là một trong những doanh nghiệp đầu ngành tại Trung Quốc, thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được chính phủ giao.
Khi được hỏi sẽ ra sao nếu năng lực xây dựng và tài chính của cả ba liên danh đang đấu thầu ngang nhau, ông Bolat Duisenov nói điểm mạnh của Hoa Lư là sự đồng lòng cao độ. Liên danh đã có một năm học hỏi, tìm hiểu và thu nhập kiến thức, kinh nghiệm lẫn nhau. Họ cho rằng đây là dự án “rất quý giá” vì qua đó, những kỹ sư trong nước sẽ tìm được cách nâng cấp trình độ, kỹ thuật và các quy chuẩn tiên tiến. Nhờ thế, ngành xây dựng nội địa có thể tự tin tiến ra thị trường nước ngoài.
“Tình cảm sâu sắc và quyết tâm người Việt xây dựng công trình biểu tượng của nước Việt mới là động lực để thực hiện dự án này”, Chủ tịch Coteccons nói.
Tất Đạt
Nguồn tin: Báo Vnexpress