Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh

Lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh

Bloomberg Economics và một số chuyên gia cho rằng lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh nhưng vẫn còn nhiều thử thách để đưa nó về mục tiêu 2%.

Theo số liệu của Bloomberg Economics, lạm phát toàn cầu quý III là 9,8% và được dự báo 3 tháng cuối năm nay ở mức 9,5%, còn năm sau sẽ là 5,3%. “Điều này cho thấy lạm phát toàn cầu có dấu hiệu đã đạt đỉnh”, Bloomberg Economics nhận định.

Các thước đo lạm phát chính được công bố ở Mỹ và eurozone trong tuần này cũng hạ nhiệt. Lạm phát đã chậm lại ở châu Âu vào tháng 11 – lần đầu tiên sau 17 tháng – và đã giảm ở Mỹ kể từ tháng 6.

Hiện chi phí thực phẩm, nhiên liệu và kỳ vọng lạm phát của các nhà đầu tư trên thế giới giảm. Cùng với đó, động thái siết chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương bắt đầu có tác động với độ trễ nhất định.

Tuy nhiên, theo Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg, mức lạm phát cao nhất đã hạ nhiệt “không có nghĩa là điều tồi tệ nhất đã qua”, nhất là với các nhà hoạch định chính sách. “Ngay cả khi chúng giảm xuống, chỉ số giá tiêu dùng sẽ vẫn cao hơn mức an toàn đối với các ngân hàng trung ương, đòi hỏi phải thắt chặt nền kinh tế hơn nữa”, Tom Orlik nhận định.

Diễn biến CPI toàn cầu (đen) cùng với các nền kinh tế phát triển (hồng), các nền kinh tế mới nổi trừ Trung Quốc (xanh), và Trung Quốc (vàng). Nguồn: Bloomberg Economics

Diễn biến CPI toàn cầu (đen) cùng với các nền kinh tế phát triển (hồng), các nền kinh tế mới nổi trừ Trung Quốc (xanh), và Trung Quốc (vàng). Nguồn: Bloomberg Economics

Tại hội nghị Reuters NEXT ở New York mới đây, các chuyên gia cũng cho rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh, nhưng thách thức phía trước vẫn nhiều.

Giám đốc điều hành Morgan Stanley James Gorman cho biết các ngân hàng trung ương có thể đạt được một số tiến bộ với mục tiêu lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Nhưng việc quay lại mức 2% mà hầu hết đã đặt ra có thể khó khăn trong một thế giới mà chuỗi cung ứng, nhân khẩu học và những thách thức khác sẽ giữ giá cả ở mức cao hơn.

“Tôi nghi ngờ lạm phát sẽ vẫn cao hơn mong muốn của mọi người,” Gorman nói. Theo ông, các ngân hàng trung ương có thể hạ lạm phát xuống khoảng 4%. Nhưng từ mức 4% xuống mục tiêu 2% sẽ khó khăn hơn nhiều.

Theo Chủ tịch World Bank David Malpass, lạm phát “vẫn còn rất đáng lo ngại”. Từ tháng 4, các chuyên gia đã nhắc đến nguy cơ lạm phát đình trệ (stagflation) và theo ông điều đó đang diễn ra. “Chúng ta có tốc độ tăng trưởng chậm. Lạm phát vẫn ở mức cao. Chúng ta có nguy cơ suy thoái ở nhiều quốc gia”, Malpass nói.

Ngoài nỗ lực của các ngân hàng trung ương, Malpass cho rằng cần có giải pháp từ phía cung để đối phó với tình trạng giá cả tăng cao. “Mọi người nên cố gắng sản xuất nhiều hơn để chống lại xu hướng lạm phát đang diễn ra”, ông nói.

Trong bài phát biểu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra báo cáo chi tiết về các yếu tố có thể kéo lạm phát xuống trong những tháng tới. Tuy nhiên, các quan chức nhất trí rằng giá cả vẫn đang tăng quá nhanh và ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cần thêm các giải pháp ngoài chính sách tiền tệ.

“Giá vẫn còn quá cao”, Phó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói tại sự kiện Reuters NEXT. Theo ông, Fed chịu trách nhiệm chính nhưng cần làm thêm mọi thứ có thể về phía cung, bao gồm cả việc giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược, đầu tư công vào sản xuất vi mạch và các chương trình đào tạo nhằm cải thiện nguồn cung công nhân cho nước Mỹ.

Nhưng đó là những giải pháp dài hạn. Vấn đề cấp bách trong ngắn hạn đã khiến Fed và các ngân hàng trung ương khác mạo hiểm với suy thoái, thông qua việc tăng lãi suất đều đặn. Trong trường hợp của Fed, hành động của họ còn đặt các quốc gia khác vào tình thế rủi ro vì sự thống trị toàn cầu của USD.

Một số người bắt đầu đặt câu hỏi liệu có nên chấp nhận một “bình thường mới” trong lạm phát hay không. Cựu nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard, hiện là thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, từ lâu đã ủng hộ mục tiêu lạm phát cao hơn.

Ông lập luận rằng cái giá phải trả cho lạm phát 2% so với 4% là không đáng kể, trong khi tỷ lệ cao hơn mang lại lợi ích cho ngân hàng trung ương, giúp có nhiều không gian chính sách hơn để quản lý nền kinh tế.

Trong môi trường hiện tại, Olivier Blanchard cho rằng việc quay về mức 2% là quá khó khăn. “Tôi nghi ngờ rằng khi lạm phát trở lại mức 3% vào năm 2023 hoặc 2024, sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu có đáng để giảm xuống 2% hay không nếu nó phải trả giá bằng việc hoạt động chậm lại đáng kể của nền kinh tế”, ông phát biểu trên tờ Financial Times.

Phiên An (theo Bloomberg, Reuters)

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/lam-phat-toan-cau-co-the-da-dat-dinh-4543259.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện