Kinh tế Anh sau khi rời EU
Brexit đã quay trở lại chương trình nghị sự chính trị của Anh trong tháng này. Chính phủ của tân Thủ tướng Rishi Sunak được cho là đang tìm kiếm mối quan hệ thân mật hơn với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên ông đã phủ nhận thông tin nước Anh hướng đến “Brexit kiểu Thụy Sĩ” (tức vẫn duy trì mối quan hệ thân EU). Chính quyền khẳng định ưu tiên của nước này là khiến thỏa thuận Brexit được ký kết vào năm 2020 được thực thi.
Dẫu vậy, dư luận Anh gần đây bắt đầu bàn luận về tính hiệu quả của Brexit. Nhiều người hướng sự chú ý vào số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Quốc tế công bố. Xuất khẩu của nước này sang Nhật Bản đã giảm từ 12,3 tỷ bảng Anh xuống còn 11,9 tỷ bảng trong một năm, tính đến tháng 6/2022. Xuất khẩu hàng hóa giảm 4,9% xuống 6,1 tỷ bảng và dịch vụ giảm 2% xuống 5,8 tỷ bảng.
Xuất khẩu giảm dù trước đó, Anh đã ký một thỏa thuận với Nhật Bản, được xem “mang tính bước ngoặt” hồi tháng 10/2020. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn đầu tiên được ký kết sau Brexit. Theo The Guardian, bước lùi kể trên hình thành một trở ngại đáng kể với những người ủng hộ Brexit, vốn luôn tuyên bố rằng thương mại toàn cầu với các nước ngoài EU sẽ giúp bù đắp cho bất kỳ tổn thất nào khi nước Anh rời khỏi thị trường chung.
Nick Thomas-Symonds – Bộ trưởng Phe đối lập phụ trách Thương mại quốc tế, cho rằng: “Thương mại với Nhật Bản sụt giảm là bằng chứng không thể chối cãi cho thấy các bộ trưởng không mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu của Anh”.
Hồi đầu tháng 11, thỏa thuận thương mại tương tự với Australia cũng bị chỉ trích. Cựu Bộ trưởng Bộ Môi trường George Eustice nói, đó “thực sự không phải là một thỏa thuận tốt cho nước Anh”.
Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy sự tiếc nuối ngày càng tăng của người dân Anh về quyết định rời EU, phần lớn là do những lo ngại về nền kinh tế. YouGov – công ty nghiên cứu thị trường lớn và là thành viên của Hội đồng thăm dò Vương quốc Anh – đã hỏi ý kiến hơn 1.700 người trưởng thành hồi giữa tháng này. Khoảng 56% người tham gia khảo sát cho rằng Brexit là quyết định sai lầm, trong khi tỷ lệ này là 42% vào tháng 8/2016.
Bloomberg nhìn nhận bằng chứng rõ ràng nhất về thiệt hại của Brexit nằm ở dữ liệu thương mại. Kể từ giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31/12/2020, Anh đã bị tụt hậu so với các quốc gia khác về cường độ thương mại – quy mô xuất nhập khẩu tính theo tỷ trọng GDP.
Xét về GDP, đây luôn là vấn đề gây tranh cãi. Theo Mark Carney – cựu thống đốc Ngân hàng Anh (BOE), nước này đã thu hẹp khoảng cách về quy mô nền kinh tế với Đức từ 90% xuống còn 70% kể từ Brexit. Tuy nhiên, tuyên bố trên nhanh chóng bị nghi ngờ vì các dữ liệu đang so sánh hai nền kinh tế bằng USD, vào thời điểm mà bảng Anh đặc biệt yếu. Jonathan Portes – giáo sư kinh tế tại Đại học King’s College London, người phản đối Brexit, gọi báo cáo trên là “vô nghĩa”.
Trong những lo ngại về thiệt hại kinh tế, tỷ giá bảng Anh là một trong những điều dễ thấy nhất. Đồng tiền này đã giảm 12,5% so với trọng số thương mại kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Bảng Anh giảm 19% so với USD và 11% so với euro.
Simon French – nhà kinh tế trưởng tại Panmure Gordon, cho biết: “Bảng Anh đã phải đối mặt với sự mất giá kéo dài kể từ năm 2016 và chưa bao giờ phục hồi. Điều này làm cho sản lượng kinh tế của Anh trở nên ít giá trị hơn và tăng ảnh hưởng của lạm phát nhập khẩu”.
Sự mất giá của nội tệ đã làm tăng lạm phát cho Anh so với các quốc gia khác, người dân nước này đã phải chịu giảm mức sống mạnh hơn. Thu nhập khả dụng thực tế của hộ gia đình – thước đo sát với đời sống kinh tế của người dân hơn GDP, đã tuột lại hẳn so với 4 quốc gia lớn của EU, ngoại trừ Tây Ban Nha.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong những dự báo về chi tiêu của người dân cho mùa World Cup 2022. Theo Bloomberg, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh thường mang lại cú hích lớn cho nền kinh tế Anh. Nếu đội tuyển nước này được vào vòng trong, người dân có thể sẽ đổ xô đến các quán rượu và tổ chức các bữa tiệc xem bóng đá tại nhà, từ đó khuyến khích người tiêu dùng mạnh tay mua sắm. Tuy nhiên năm nay có thể sẽ khác với bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Nghiên cứu của GlobalData ước tính rằng chi tiêu bán lẻ của người dân xứ sở sương mù sẽ thấp hơn 19% so với World Cup 2018 và thấp hơn 41% so với Giải vô địch bóng đá châu Âu của UEFA tổ chức vào năm ngoái. Chi tiêu cho ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn sẽ thấp hơn 10% so với năm 2018 và thấp hơn một nửa so với năm ngoái.
Đầu tư kinh doanh của nước Anh cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn Đức, Pháp và Italy. Sự không chắc chắn và bất ổn chính trị trong quá trình đàm phán với EU đã khiến khu vực tư nhân giảm chi tiêu vốn ở Anh. Đầu tư đã tụt hậu so với tất cả nền kinh tế tiên tiến của nhóm G7 kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài lại có diễn biến khác. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nước Anh nhận được nhiều đầu tư từ nước ngoài hơn các nước láng giềng EU trong nửa đầu năm nay.
Không chỉ về kinh tế, một số vấn đề lớn về xã hội cũng đang trở thành luận cứ cho nhiều người bàn cãi về Brexit. Anh có tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ hai trong số các nền kinh tế lớn nhất EU, sau Đức. Nước này có tốc độ tạo ra việc làm liên tục mạnh hơn EU nhờ thị trường lao động linh hoạt.
Gần đây, Anh phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng buộc các doanh nghiệp phải tăng lương hoặc đóng cửa. Nhưng sự khan hiếm vì mất khoảng nửa triệu người lao động kể từ đầu năm 2020, là di sản của đại dịch và chủ yếu là do già hóa dân số.
Mặt trái của tỷ lệ thất nghiệp thấp là năng suất lao động kém. Tăng năng suất có ý nghĩa sống còn của mỗi nước vì nó quyết định mức sống người dân có thể tăng nhanh như thế nào. Về biện pháp quan trọng này, nước Anh đã tụt lại so với Đức, Pháp và Mỹ trong một thời gian dài.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính, nước Anh đã bắt kịp các quốc gia trên về năng suất lao động. Kể từ đó, Anh đã thụt lùi và tiếp tục đà giảm sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Từ năm 2015 đến 2021, nước này đã mất điểm đáng kể trước Mỹ, Đức và Pháp về chỉ số GDP trên mỗi giờ làm việc. Một số nhà kinh tế đã lập luận rằng, đại dịch gây ra các vấn đề về đo lường, nhưng năng suất lao động Anh vốn đã tụt lại phía sau từ năm 2019.
Người dân cũng lo ngại về tình trạng nhập cư dễ dãi gần như không thay đổi. Lấy lại quyền kiểm soát biên giới là một cam kết trọng yếu của nhóm ủng hộ Brexit trong chiến dịch trưng cầu dân ý. Tự do di chuyển lao động với EU đã kết thúc vào tháng 12/2020 nhưng việc kiểm soát đi lại không làm giảm số lượng di cư.
Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng di cư ròng trong năm tính đến tháng 6/2022 đạt mức kỷ lục 504.000 người, do các kế hoạch định cư cho dân Afghanistan, Ukraine và Hong Kong (Trung Quốc). Một năm trước đó, trong đại dịch, số người di cư là 173.000, thấp hơn khoảng 75.000 người so với mức trung bình trước Covid-19.
Hiện tại người di cư EU khó chuyển đến Anh hơn, nhưng các quy tắc đã được nới lỏng hơn đối với các quốc gia khác. Tất cả người di cư trong năm gần nhất hầu hết đến từ bên ngoài EU trong khi các công dân EU chuộng rời khỏi xứ sở sương mù.
“Nhìn chung, lượng di cư ròng đến Anh dường như tương đương mức trước đại dịch. Khoảng một nửa số việc làm trên thị trường lao động dành đều cho những người đến từ mọi nơi trên thế giới, không chỉ EU”, giáo sư Jonathan Portes chỉ ra.
Tiểu Gu (theo Bloomberg, Guardian)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/kinh-te-anh-sau-khi-roi-eu-4541972.html