Khó điều chỉnh giá điện như xăng dầu
Tại cuộc họp của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước diễn ra tuần này, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị điều chỉnh giá điện tương tự điều hành giá xăng dầu, tức khi các yếu tố đầu vào sản xuất điện tăng thì giá điện tăng, và ngược lại.
Đề nghị này được EVN đưa ra trong bối cảnh giá điện bán lẻ bị kìm giữ gần 4 năm qua, chưa được điều chỉnh, trong khi các chi phí đầu vào cho sản xuất điện (giá than, dầu và khí…) đều tăng vọt.
Xăng dầu và điện là hai lĩnh vực năng lượng đều chịu tác động từ thị trường thế giới và sự điều tiết của Nhà nước. Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, điều hành giá điện với chu kỳ ngắn 10 ngày một lần như xăng dầu là không phù hợp và khó thực hiện, do đây là hai mặt hàng, lĩnh vực có những đặc thù khác nhau.
Ông Sơn phân tích, xăng dầu mua hàng ngày, cá thể hoá theo nhu cầu từng cá nhân và có thể lưu trữ. Đây là mặt hàng bình ổn giá, doanh nghiệp được quyền quyết định giá bán trên cơ sở điều tiết của Nhà nước. Còn điện là mặt hàng không thể lưu trữ, sản xuất ra phải tiêu dùng ngay; hợp đồng mua bán thường trả chậm. Giá điện hiện do Nhà nước định giá thông qua khung giá cố định.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cũng cho rằng đề xuất điều hành giá điện như xăng dầu khó thực hiện. “Giá điện khó tính toán đầu vào để điều chỉnh 10 ngày một lần khi sản xuất điện khác việc mua xăng dầu về đổ vào bồn, rồi bán”, ông nói.
Ở điểm này, theo ông Hà Đăng Sơn, cơ sở định giá xăng dầu, điện của Nhà nước dựa trên chi phí sản xuất. Với giá điện, chi phí này gồm 4 khâu: phát điện, truyền dẫn, phân phối bán buôn, bán lẻ và chi phí điều hành.
Ở khâu phát điện, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã hình thành nhưng vẫn bị kiềm chế, chưa mang tính thị trường đầy đủ. Khâu truyền tải hiện giá quá thấp, hơn 80 đồng một kWh, khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia rót vốn dù cơ chế đã mở. Còn phân phối, bán lẻ điện vừa qua cũng bị siết đầu ra khi phải bán theo khung giá Nhà nước quy định.
“Nếu điều chỉnh theo giá xăng dầu, giá điện sẽ tăng vọt, lúc đó nguyên tắc an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát khó đảm bảo. Ngoài ra, điện không lưu trữ được nên gần như không đủ nguồn dự phòng để ổn định hệ thống trong trường hợp Nhà nước cần can thiệp”, ông Sơn nêu.
Nhìn nhận khó có thể điều chỉnh giá điện như xăng dầu, song các chuyên gia cho rằng, điều hành giá bán lẻ điện cần nhịp nhàng, linh hoạt và sát thị trường hơn.
Quyết định 24/2011 điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường và Quyết định 24/2017 về giá bán lẻ điện bình quân đều đưa ra các mốc quy định tỷ lệ và thẩm quyền điều chỉnh giá điện khi có biến động của các yếu tố đầu vào.
Chẳng hạn, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017, dựa trên biến động đầu vào của tất cả khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Theo Quyết định 24, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3-5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh. Mức biến động giá bán lẻ điện bình quân 5-10%, thẩm quyền quyết định thuộc Bộ Công Thương và trên 10% Thủ tướng quyết định điều chỉnh giá bán lẻ bình quân. Thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân giữa hai lần liên tiếp là 6 tháng.
Song, theo các chuyên gia, những quy định này vừa qua gần như chưa được thực hiện đầy đủ. Việc điều chỉnh giá ở mức nào đều phải có sự chấp thuận từ cấp có thẩm quyền do điện là đầu vào sản xuất, ảnh hưởng tới nhiều ngành, lĩnh vực.
Lần gần nhất điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là tháng 3/2019. Đây cũng là lý do khiến các chi phí đầu vào sản xuất điện tăng vọt nhưng giá bán đầu ra chưa điều chỉnh kịp thời, dẫn tới ngành điện bị lỗ lớn.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, ước tính năm nay tập đoàn này lỗ hơn 31.000 tỷ đồng do các chi phí đầu vào (giá nhiên liệu than, khí và tỷ giá ngoại tệ) leo thang làm khâu phát điện, chiếm hơn 80% giá bán lẻ điện, tăng vọt. Chẳng hạn, giá than nhập khẩu đã tăng 6 lần so với năm 2022 và 3 lần so với 2021, làm chi phí EVN tăng thêm hơn 47.000 tỷ đồng.
Tương tự, giá khí “ăn theo” giá dầu, đã tăng gấp hơn 2 lần và gần 1,4 lần so với cách đây 1-2 năm, cũng khiến chi phí của doanh nghiệp này “đội thêm” khoảng 5.500 tỷ đồng.
Tổng giám đốc EVN cho hay, với giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ tháng 3/2019 đến nay, 1.864,44 đồng một kWh, hiện tập đoàn này lỗ 180 đồng một kWh.
Bối cảnh hiện nay, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, giải pháp phù hợp nhất là điều chỉnh giá điện, nhưng lộ trình tăng giá cần rõ ràng để vừa bù đắp được chi phí cho ngành điện, vừa tránh cú sốc về giá cho người dân.
“Tăng giá điện là cần thiết nhưng cần tính toán phù hợp trong ngưỡng chịu đựng được. Cơ chế ra quyết định phải được cơ quan quản lý đưa ra thật rõ ràng, tránh chi phí bị nén quá lâu sẽ tác động xấu tới phát triển ngành điện”, ông Sơn lưu ý.
Theo GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nên xem xét điều chỉnh giá điện 6 tháng một lần, theo đúng Quyết định 24/2017, để đưa giá điện vận hành sát cơ chế thị trường, tức có tăng, có giảm theo thị trường. Do vậy, cơ quan quản lý có thể xem xét nên quy định chu kỳ bao nhiêu thì điều chỉnh, và điều chỉnh với biên độ ra sao cho phù hợp.
“Khung giá bán lẻ điện cần được điều chỉnh kịp thời trước những biến động của yếu tố đầu vào. Cần có một cơ chế để hài hòa lợi ích của EVN, phải linh hoạt hơn trong điều hành ngành điện”, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhận xét.
Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/kho-dieu-chinh-gia-dien-nhu-xang-dau-4549475.html