Sau bốn quý liên tiếp nằm ở vùng tích cực trên 50 điểm, tức phản ánh việc mở rộng hoạt động, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý IV/2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố ghi nhận mức giảm còn 48 điểm, tức đã lùi về vùng thu hẹp.
“Quý IV cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh đã có sự suy giảm khi các chỉ số biến động toàn cầu, lạm phát và tăng trưởng chậm lại, tác động đến tâm lý ở Việt Nam”, Giám đốc điều hành Decision Lab Thue Quist Thomasen, đối tác thực hiện khảo sát BCI của EuroCham, nói.
Thực tế, kết quả BCI phù hợp với những số liệu các tháng gần đây, khi sức khỏe của một số ngành trong đó có sản xuất bắt đầu kém. Vào quý IV/2022, dù GDP tăng trưởng 5,92%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 3% so với cùng kỳ 2021, theo Tổng cục Thống kê.
Đây là mức tăng thấp nhất so với các quý của năm 2022. Tính riêng tháng trước, IIP chỉ tăng 0,19%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng ghi nhận lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt.
Tình hình chậm lại có thể tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đầu 2023. Khảo sát của EuroCham cho hay, chỉ 27% số người được hỏi dự đoán sự ổn định hoặc cải thiện kinh tế cho quý I (dự đoán trong quý trước là 42%). Cùng với đó, số người dự đoán suy thoái kinh tế cũng tăng gấp đôi.
Trước đó, điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Cục Thống kê TP HCM thực hiện trên địa bàn cho biết 45% đánh giá quý IV khó hơn quý III. Dự báo cho quý I này, 46,2% cho rằng sẽ khó khăn hơn, trong khi tỷ lệ nghĩ là tốt và ổn định hơn lần lượt là 22,3% và 31,5%.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho rằng môi trường sản xuất kinh doanh rất có thể tiếp tục theo hướng chậm lại vào năm 2023, nhưng điều này “không nên được coi là nguyên nhân gây lo ngại”.
“Cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên chúng tôi coi đây là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ”, ông nói.
Thực tế, sản xuất có khả năng tiếp tục những “ngày mưa ảm đạm”, nhất là khi CPI của Mỹ – đối tác thương mại lớn của Việt Nam – đã có tháng thứ 6 giảm tốc liên tiếp tính đến tháng 12/2022, do bắt đầu ngấm tác dụng từ chiến dịch tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ – Fed nhằm siết nhu cầu, hạ nhiệt lạm phát.
Trong khi tại bạn hàng lớn khác là châu Âu, theo nhận định mới đây của ECB, giá năng lượng tăng và đồng euro mất giá đã làm giảm thu nhập khả dụng của các hộ gia đình, “tác động mạnh” đến nhu cầu đối với hàng hóa lâu bền.
Nhưng có thể nhu cầu thế giới giảm sẽ mang tính tác động ngắn hạn. Về dài hạn, niềm tin và cơ hội cho ngành sản xuất có ghi nhận tín hiệu tích cực. Đáng chú ý là quá trình mở rộng chuỗi theo hướng Trung Quốc + 1 vẫn đang diễn ra.
Mới đây, nguồn tin của Reuters cho biết hãng sản xuất màn hình BOE Technology Group đang lên kế hoạch rót 400 triệu USD để xây 2 nhà máy ở Việt Nam. Theo BOE có một nhà máy nhỏ ở miền Nam, chủ yếu cung cấp màn hình cho Samsung và LG đang đàm phán thuê hàng chục hecta đất tại miền Bắc.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. 41% số thành viên được EuroCham hỏi cho biết đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng từ 13% trong khảo sát hồi quý III/2022. Ngoài ra, khoảng 35% cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu.
“Thật đáng khích lệ khi thấy rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu và trên toàn thế giới vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và công nghiệp xanh của Việt Nam”, ông Alain Cany nói.
Năm ngoái, thu hút vốn FDI của Việt Nam gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với 2021. Tuy nhiên, vốn giải ngân ước đạt gần 22,4 tỷ USD, mức cao nhất 5 năm qua. Theo SSI, trong bối cảnh vốn FDI đăng ký mới giảm tốc vào cuối năm ngoái, năm 2023 có thể là năm có nhiều thách thức hơn đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam do rủi ro suy thoái toàn cầu.
“Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra sẽ là động lực tăng trưởng”, nhóm phân tích của SSI đánh giá. Vì vậy, công ty chứng khoán này cho rằng giá thuê mặt bằng sản xuất dự kiến tăng nhẹ khi các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động.
Thực tế, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng quý trước, theo Colliers. Tại TP HCM, giá thuê trung bình đạt 204 USD một mét vuông trên mỗi kỳ hạn, tăng 2% so với quý III. Tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ từ 91% lên 92%.
Thị trường phía Bắc tiếp tục là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Ở Hà Nội, 3 quận có giá thuê đất khu công nghiệp cao nhất lần lượt là Mê Linh, Sóc Sơn và Long Biên. Tại miền Trung, Đà Nẵng thiết kế chính sách kêu gọi đầu tư riêng, ưu tiên các ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Chí Vũ, Trưởng phòng Cấp cao – Dịch vụ Khu công nghiệp, Colliers Việt Nam cho rằng việc giảm quy mô, hoãn hay hủy đơn hàng từ các thị trường phát triển chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn. “Tuy vậy, Việt Nam vẫn được xem là lựa chọn chiến lược cho quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, ông nói.
Thách thức tiếp theo là làm thế nào để thu hút và giữ chân nguồn vốn, nhất là dòng vốn chất lượng cao. Ông Chí Vũ cho rằng một trong những bài toán là chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình bền vững hơn trong những năm tới.
Còn theo SSI, tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng với các dự án như đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, đường cao tốc Bắc – Nam, cảng Cái Mép Thị Vải, cảng Gemalink và đường vành đai 3 & 4 sẽ tạo ra sự kết nối thuận tiện hơn giữa các khu công nghiệp.
Trong khi đó, về đề xuất để cải thiện năng lực thu hút FDI, giảm bớt khó khăn thủ tục hành chính vẫn giữ vị trí đầu bảng trong khảo sát mới nhất của EuroCham. Cụ thể, 3 rào cản về pháp lí lớn nhất đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được xác định là thiếu rõ ràng về các quy tắc và quy định (51%), khó khăn hành chính (41%), và khó khăn về thị thực và giấy phép lao động (30%).
Viễn Thông
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/kha-nang-sau-con-mua-troi-lai-sang-cua-nganh-san-xuat-4559732.html