Giá điện đang được xác định dựa vào giá bán lẻ bình quân do Chính phủ quy định trên cơ sở tính đủ các chi phí đầu vào (phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý…) nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư. Tháng 5, giá bán lẻ bình quân tăng thêm 3%, lên 1.920,37 đồng một kWh, sau gần 4 năm kìm giữ.
Theo quy định hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh nếu giá điện bình quân thực tế tăng từ 3%. Còn tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương bổ sung quy định các khâu đầu vào sản xuất (phát điện, truyền tải, phân phối…) làm giá giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, EVN phải giảm mức tương ứng; còn tăng khi mức tăng từ 3% trở lên.
Sự thay đổi này, theo ông Trần Hồng Phương, Trưởng phòng Giá phí (Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương), nhằm minh bạch trong cơ chế điều chỉnh và sát diễn biến thay đổi đầu vào của ngành điện.
PGS. TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế Quản lý (Đại học Bách Khoa Hà Nội) bình luận, sửa cơ chế giá bán lẻ điện bình quân theo hướng có tăng và giảm với biên độ cụ thể giúp Việt Nam tiến gần hơn đến thị trường điện, người dân bớt bức xúc hơn.
Với quy định như vậy, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO), nhìn nhận nhu cầu sử dụng điện chỉ tăng chứ không giảm khi dân số, hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng. Khi ấy, giá phải theo cơ chế thị trường.
“Cần đưa ra tín hiệu rằng ‘giá điện cũng sẽ điều chỉnh như giá xăng dầu’ theo cơ chế thị trường có lên, có xuống để doanh nghiệp và người dân không tâm tư”, nguyên Tổng cục trưởng GSO nói.
Ông phân tích thêm, giá theo thị trường sẽ giúp EVN có lãi, đảm bảo nguồn lực đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất và truyền tải điện. Giá cạnh tranh cũng thu hút dòng vốn đầu tư tư nhân, FDI vào lĩnh vực này khi nhu cầu tiêu thụ không ngừng tăng qua từng năm.
Tuy vậy, với đặc điểm điều kiện tự nhiên Việt Nam, theo ông Trần Văn Bình, giá điện sẽ có chênh lệch lớn giữa mùa khô và mưa. Ông phân tích, vào mùa mưa, tỷ trọng huy động thủy điện tăng cao, chi phí sản xuất giảm do đây là nguồn giá thấp so với các nguồn điện khác trong hệ thống, nên việc giảm giá bán lẻ bình quân có thể xảy ra.
Ngược lại, vào mùa khô hay khi thị trường năng lượng thế giới biến động, chi phí nguyên liệu (than, khí) tăng vượt mức khung cho phép, giá bình quân sẽ điều chỉnh. Cộng với biểu giá điện bậc thang như hiện tại, những hộ dùng nhiều sẽ phải trả giá cao.
“Lúc này, tần suất biến động tăng, giảm nhiều, EVN có được quyền tăng giá bán lẻ bình quân như quy định hay bị kìm giữ như vừa qua?”, ông Bình đặt vấn đề.
Băn khoăn được ông Bình đưa ra khi điều chỉnh giá điện vừa qua không diễn ra theo định kỳ hay tuân thủ quy định. Theo thống kê, giai đoạn 2009-2012 khi khâu phát điện chưa tổ chức theo mô hình cạnh tranh, các lần điều chỉnh giá được thực hiện đều đặn, có năm điều chỉnh hai lần. Từ 2013 đến nay, khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành, tức là tính chất thị trường trong giao dịch ở phần nguồn điện tăng lên, tần suất điều chỉnh giá bán lẻ lại ít hơn.
Gần nhất, giá bình quân tăng 3% từ đầu tháng 5/2023 sau 4 năm giữ giá, tức chưa thực hiện theo quy định tại Quyết định 24/2017 là 6 tháng xem xét điều chỉnh một lần.
Bên cạnh nêu biên độ giảm, dự thảo Quyết định lần này còn quy định trường hợp giá bán điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với hiện hành, EVN điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân tương ứng. Sau khi giảm giá hoặc tăng giá, EVN đều phải báo cáo Bộ Công Thương và Tài chính cũng như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Với trường hợp các chi phí làm giá bình quân biến động từ 5% đến dưới 10%, EVN sẽ được tăng ở mức tương ứng với điều kiện báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Nếu các yếu tố đầu vào làm giá bán lẻ điện bình quân tăng hơn 10% việc điều chỉnh sẽ do Bộ Công Thương chủ trì, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng.
Ở lần sửa đổi này, cơ quan quản lý cũng đề xuất rút chu kỳ thay đổi giá từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần, tức mỗi năm sẽ có 4 lần điều chỉnh.Ông Trần Hồng Phương, giải thích quy định này sẽ phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện.
Cùng đó, chu kỳ điều chỉnh ngắn hơn cũng để tránh giật cục và tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại lo tần suất điều chỉnh 4 lần một năm này sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của họ. “Chắc chắn kế hoạch sản xuất sẽ ảnh hưởng nếu doanh nghiệp không tính toán kỹ để tương ứng với chu kỳ thay đổi giá điện”, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó tổng giám đốc Công ty CP Giấy Hoàng Hà (Hải Phòng), chia sẻ.
Một chuyên gia năng lượng cũng cho rằng giá điện có thể dao động lớn khi mùa mưa rẻ, còn mùa khô cao. Điện là mặt hàng nhạy cảm, việc thay đổi có thể ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân.
Để trấn an, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết dự thảo đưa ra quy định hồ sơ phương án giá điện của EVN sẽ phải báo cáo đánh giá ảnh hưởng việc tăng giá đến chi phí mua điện của khách hàng sử dụng.
Theo báo cáo kiểm toán độc lập năm ngoái, Tâp đoàn Điện lực lỗ hợp nhất hơn 20.700 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ – EVN lỗ hơn 26.500 tỷ đồng. Khoản lỗ của tập đoàn này được đơn vị kiểm toán nêu do giá bán điện thấp hơn giá mua vào, khi doanh thu bán điện là 372.900 tỷ đồng còn giá vốn hơn 402.600 tỷ. Giá nhiên liệu đầu vào sản xuất khâu phát điện (chiếm gần 84% chi phí sản xuất) như than, khí tăng gấp 5-6 lần làm giá thành sản xuất điện đi lên.
“Vừa qua, chúng ta đã kìm giữ quá lâu và không điều chỉnh giá điện trong khi chi phí đầu vào tăng rất cao. Điều này vô hình trung làm kìm hãm năng lực tăng trưởng nền kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận xét.
Ngọc Hà
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/gia-dien-se-co-tang-giam-khi-sua-co-cau-ban-le-binh-quan-4632016.html