Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (“Siêu ủy ban”) – đơn vị quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước – cho biết, năm 2022, tổng doanh thu của nhóm này ước đạt hơn 1,12 triệu tỷ đồng. Kết quả này tăng 33% so với năm 2021 và vượt 14% kế hoạch năm. Trong đó, nếu không tính EVN, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty, ước hơn 39.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và vượt 73% kế hoạch.
Ngược lại, EVN lỗ đột biến 31.360 tỷ đồng. Mức lỗ này, theo Ủy ban Quản lý vốn, “do yếu tố khách quan” khi EVN không được tăng giá điện.
Thông tin lỗ đột biến cũng được lãnh đạo EVN nêu tại hội nghị tổng kết 2022, triển khai nhiệm vụ 2023 sáng nay. Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, nhìn nhận “2022 là năm cực kỳ khó khăn với ngành điện”.
Tập đoàn này ghi nhận doanh thu khoảng 460.700 tỷ đồng, tăng trên 4,3% so với 2021, trong đó công ty mẹ EVN ghi nhận thu 385.300 tỷ. Tuy nhiên, giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, khoảng 53.200 tỷ đồng. Yếu tố này đã “ăn mòn” lợi nhuận khiến doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ lên tới 31.360 tỷ đồng.
Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết giá thanh toán trên thị trường điện tăng gần 20% so với năm ngoái và 36% so với cách đây 3 năm.
“Phần lớn giá chào các nhà máy trên thị trường đều cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng 1.864,44 đồng một kWh, có tổ máy giá lên tới 3.000 – 4.000 đồng”, ông Ninh cho biết.
Chưa kể, khí cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí chỉ đáp ứng 70% năng lực của các tổ máy, nên để đảm bảo cung ứng điện, nhiều thời điểm Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia phải huy động thêm các nhà máy điện chạy dầu DO giá cao.
EVN đã rà soát, tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi phí… với tổng mức giảm hơn 33.400 tỷ đồng. Nhưng mức này không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao.
Ông Tài Anh cho biết, EVN đã kiến nghị Bộ Công Thương tăng giá bán lẻ điện bình quân để giảm khó khăn, cân bằng tài chính năm 2023, áp dụng cơ chế thị trường với điện lực, và hiện đang chờ quyết định từ cấp có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhìn nhận, đây là yếu tố đáng lưu tâm do nguyên nhân khách quan. Ông yêu cầu EVN tiếp tục tối ưu hóa quản trị, tiết giảm chi phí nhiều hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. EVN cần kịp thời ứng biến với tình hình thực tế, báo cáo Thủ tướng giải pháp, trong đó có vấn đề tăng giá điện.
Không riêng công ty mẹ EVN gặp khó khăn, các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn này cho biết cũng trải qua một năm kinh doanh đầy thách thức.
“Cuối năm ngoái chúng tôi dự liệu 2022 là một năm khó khăn, nhưng thực tế những gì trải qua đã vượt xa dự tính”, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC, đơn vị quản lý phân phối điện tại 27 tỉnh, thành phía Bắc), chia sẻ.
Khó khăn đến từ cung ứng điện và giá mua điện tăng vọt. Theo đó, giá mua điện của EVNNPC hiện cao hơn so với đơn giá kế hoạch tập đoàn giao tới 685 đồng một kWh, làm chi phí mua điện tăng thêm 3.700 tỷ đồng.
Trong khi đó, tăng trưởng điện thương phẩm (điện bán ra) tới các khách hàng sử dụng điện lớn, sụt giảm. Bình quân các năm trước tăng trưởng điện thương phẩm thường trên 10%, năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19 cũng đạt 6,7%. Năm nay dịch được kiểm soát nhưng điện thương phẩm chỉ tăng 5,42%, thấp hơn thời điểm trước dịch.
Sự suy giảm này do các đơn vị sản xuất công nghiệp lớn (thép, xi măng, điện – điện tử…) thu hẹp, dừng sản xuất và xu hướng này rõ nét trong tháng cuối năm. Chẳng hạn, các hộ tiêu thụ điện lớn trong ngành thép xi măng giảm sản xuất từ 3 ca xuống 2 ca, Hoà Phát cũng dừng 4-5 lò, hay Samsung cũng thông báo tạm dừng sản xuất 15 ngày…
“Việc cắt giảm của Samsung diễn ra vào những ngày cuối năm. Mọi năm họ cũng có thời gian ngừng, giãn sản xuất nhưng để bảo dưỡng, duy tu máy móc thiết bị nhưng thời gian ngắn, chỉ vài ngày. Năm nay việc cắt giảm của tập đoàn này diễn ra vào những ngày cuối năm, thời gian dài… nên tổng lượng điện giảm tới 300 triệu kWh”, bà Ánh thông tin thêm.
Tại miền Bắc, điện cho sản xuất công nghiệp chiếm 65% nên sự sụt giảm điện thương phẩm cho thấy khó khăn sản xuất công nghiệp đang hiện hữu.
Thực tế này khiến EVNNPC dự kiến lỗ 4.700 tỷ đồng, kéo theo giảm tối đa chi phí sửa chữa lớn tới 40%; tiền lương, thu nhập của cán bộ nhân viên cũng bị cắt giảm, chỉ bằng 62% năm 2021… Mức lỗ này khiến tổng công ty khó thu xếp vốn cho các khoản vay tiếp theo cho đầu tư xây dựng, nguy cơ ngân hàng dừng giải ngân các khoản vay do báo cáo tài chính xấu…
“Lương của cán bộ nhân viên bị giảm gần 40%, nhưng việc thì nhiều nên anh em rất tâm tư”, bà Anh nói, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá điện, giúp ngành này cân đối lại tài chính.
Cũng theo báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn, 80% tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu và 90% đơn vị đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận. Trong đó, PVN ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 543.000 tỷ đồng, tăng 63% cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế gần 79.500 tỷ đồng.
Petrolimex hay Vinachem cũng tăng trưởng ở mức hai chữ số, lần lượt đạt 270.000 tỷ đồng (tăng 60% so với năm 2021) và 6.000 tỷ (tăng 20%), gấp hơn ba lần cùng kỳ.
Ngược lại, Mobifone là doanh nghiệp không hoàn thành cả mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra, VNR và Vinacafe cũng không hoàn thành một số chỉ tiêu về hoạt động kinh doanh.
Anh Minh – Minh Sơn
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/evn-lo-gan-bang-loi-nhuan-cua-18-tap-doan-tong-cong-ty-4550906.html