Elon Musk cuồng công việc như thế nào
Tỷ phú Elon Musk nổi tiếng là người cuồng công việc và thường xuyên đề cập đến vấn đề này. Vài tuần gần đây, ông tiếp tục nhắc đến những ngày làm việc nhiều giờ liền và những kỳ nghỉ phép hiếm hoi. Tỷ phú cũng gọi những người thích làm việc từ nhà là “sống trong thế giới viễn tưởng”.
Từ khi bắt đầu khởi nghiệp cách đây 30 năm, tỷ phú đã áp dụng triệt để văn hóa ở Thung lũng Silicon, đó là làm việc đến đêm tại văn phòng. Việc tỷ phú công khai nói về sự hy sinh đã giúp ông tạo ra văn hóa đòi hỏi cao tại các công ty mình điều hành, trong đó có Tesla và SpaceX.
Hiện tại, với mạng xã hội Twitter, cách làm này cũng đang được ông thử nghiệm để cải tổ công ty và nhân lực. Đây là nỗ lực ông mô tả là “khá đau đớn”.
Nguyên tắc “sống ở nơi làm việc” của ông đối nghịch với mong muốn làm việc từ xa của thế hệ lao động mới. Các tiếp cận của Musk cũng làm dấy lên câu hỏi về việc làm thế nào tạo động lực tốt nhất cho nhân viên? Cho họ thời gian linh hoạt để cân bằng cuộc sống – công việc? Hay thúc giục họ bằng cách tự mình làm việc điên cuồng và kỳ vọng họ làm tương tự?
Trong một hội thảo của Wall Street Journal hồi tháng 5, khi được hỏi về cách quản lý khối lượng công việc, Musk cho biết mỗi ngày, ông cố gắng chia phần thời gian cho một công ty. Ví dụ, thứ ba là ngày dành cho Tesla. Nhưng ông có thể kết thúc công việc ở Twitter. Musk cho biết việc mua Twitter khiến tổng thời gian làm việc trong tuần của ông lên hơn 120 giờ.
“Bạn có thể tượng tượng ra đấy. Một ngày của tôi rất dài và phức tạp”, Musk cho biết.
Một tuần trước đó, Musk trả lời phỏng vấn trên CNBC rằng ông chỉ nghỉ 2-3 ngày một năm. “Tôi làm việc 7 ngày một tuần, nhưng tôi không kỳ vọng người khác cũng làm như vậy”, ông nói.
Dù vậy, ông lại gửi tín hiệu rằng ông kỳ vọng người khác làm được gần như vậy. Thời gian đầu tiếp quản Twitter, Musk hỏi các nhân viên mới rằng có sẵn sàng làm việc nhiều giờ và “cường độ cao” hay không. Đây là cụm từ ông thường dùng tại Tesla khi cần tăng nhuệ khí nhân viên.
Tháng trước, nhân viên Twitter nộp đơn kiện Musk vì tỷ phú yêu cầu cải tiến phòng họp thành “phòng ngủ” để các nhân viên kiệt sức chợp mắt. Ông cũng muốn lắp phòng tắm ngay cạnh phòng làm việc của mình “để không phải đánh thức đội bảo vệ và đi qua nửa tầng để dùng phòng tắm lúc nửa đêm”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, Musk mô tả việc tiếp quản Twitter là “đau đớn”, tương tự cách ông từng nói về thời kỳ khó khăn ở Tesla trước khi hãng xe điện có lãi đều đặn. Năm 2021, ông mô tả trải nghiệm tại hãng xe là “tương đương hai phần ba số nỗi đau mà cả cuộc đời ông phải gánh chịu”.
Còn với startup đầu tiên – Zip2, Musk cũng cho thấy sự thích thú với những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh. Jim Ambras – người từng là phó giám đốc phụ trách phát triển sản phẩm cho Zip2, vẫn còn nhớ Musk khi đó bày tỏ sự ngưỡng mộ với Sumner Redstone và cách ông vượt qua khó khăn để trở thành tài phiệt truyền thông.
Năm 1979, ở tuổi 55, Redstone bị bỏng nặng trong một vụ hỏa hoạn tại khách sạn khiến tay ông bị bỏng nặng. Tuy nhiên, điều này không ngăn được ông gây dựng đế chế truyền thông có kênh truyền hình CBS và hãng phim Paramount Pictures.
“Ông ấy thích những người làm được những điều thực sự khó khăn”, Ambras cho biết.
Musk nổi tiếng khen ngợi những người sẵn sàng hy sinh tất cả. Trong một diễn đàn của Financial Times, ông bày tỏ sự ngưỡng mộ với các công nhân Trung Quốc năm ngoái. “Họ làm việc đến 3 giờ sáng. Họ thậm chí không rời nhà máy, trong khi người Mỹ chỉ cố gắng tránh phải đi làm”, ông nói.
Thói quen ngủ của Musk cũng nói lên thách thức mà ông phải giải quyết. Trong một cuộc phỏng vấn với WSJ năm 2018, khi nhà máy của Tesla gặp khó với việc sản xuất Model 3, Musk luôn để một chiếc gối bên cạnh. Ông nói rằng mình ngủ dưới bàn làm việc. “Tôi chưa rời nhà máy trong 3 ngày qua. Nếu anh thấy tôi nhếch nhác, đây là lý do đấy”, ông nói.
Cũng trong thời kỳ đó. Musk dẫn phóng viên CBS đi một vòng nhà máy và chỉ vào chiếc sofa ông nằm ngủ. “Kinh khủng lắm”, ông nói. Musk cũng đặt lịch phỏng vấn qua điện thoại với New York Times lúc 3h sáng.
Sau đó, ông giải thích trên Bloomberg Businessweek: “Tôi ngủ trên sàn nhà vì không thể sang bên kia đường thuê khách sạn được. Tôi muốn mình phải chịu thứ tệ nhất so với bất kỳ ai khác trong công ty. Khi họ cảm thấy đau đớn, tôi muốn mình phải trải qua cảm giác tệ hơn”.
Hà Thu (theo WSJ)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/elon-musk-cuong-cong-viec-nhu-the-nao-4613397.html