Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Doanh nghiệp Mỹ, EU tìm nguồn cung hàng hóa từ Việt Nam

Doanh nghiệp Mỹ, EU tìm nguồn cung hàng hóa từ Việt Nam

Suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ muốn tìm nguồn cung giá rẻ tại Việt Nam và các thị trường mới nổi.

Đây là chia sẻ của ông Hu Wei – CEO Global Sources (đơn vị chuyên về nền tảng tìm nguồn cung ứng đa kênh tại Hong Kong) tại buổi họp báo về triển lãm nguồn cung quốc tế lần đầu tiên tại TP HCM chiều 6/12.

Ông Hu Wei cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, hàng loạt các nhà mua hàng B2B từ Mỹ, châu Âu, châu Á đề nghị Global Sources kết nối nguồn hàng giá rẻ từ Việt Nam và các nước lân cận. Trong đó, các nhà nhập khẩu Mỹ, EU muốn chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống như Hong Kong, Nhật Bản sang Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Ngoài ra, chất lượng hàng hóa Việt Nam ngày càng cải thiện, giá cạnh tranh nên được nhiều người tiêu dùng tại các quốc gia trên ưa chuộng.

Theo CEO này, các đối tác của họ muốn tìm được nguồn cung đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ, thời trang phụ kiện tại Việt Nam. Tại triển lãm lần này, có 500 nhà cung ứng tại Việt Nam đăng ký và 6.000 khách mua quốc tế.

Triển lãm sẽ tổ chức giao thương trực tiếp và online. Nền tảng online có thêm cộng đồng người mua trên 150 quốc gia với 1,5 triệu thành viên đăng ký và 200.000 người mua hàng tham dự.

Mong mỏi tìm các đối tác mới từ Việt Nam, bà Eva Yueh – Giám đốc Tập đoàn Head Headwind Group kỳ vọng có thể kết nối nhiều nhà sản xuất uy tín trong lĩnh vực ba lô, túi xách, dụng cụ nhà bếp uy tín tại Việt Nam để cung ứng cho thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á.

Còn tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) kỳ vọng có thể tìm được người mua mới để tăng năng lực xuất khẩu. Theo hiệp hội này, năm nay, năng lực xuất khẩu của ngành gỗ ở Bình Dương giảm 50%. Dự báo quý I, II/2023, tỷ trọng xuất khẩu tiếp tục giảm khi số lượng đơn đặt hàng thấp do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu và chiến tranh. Do đó, các doanh nghiệp đang cấp tập tìm đối tác mua hàng mới.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) mong muốn các doanh nghiệp của họ không chỉ tìm được người mua B2B mà cả nhóm B2C. Ngoài những doanh nghiệp đã có thương hiệu trên thị trường, họ cần kết nối với nhóm đối tác vừa và nhỏ để đa dạng đơn đặt hàng cho nhiều nhóm ngành khác nhau.

Theo Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD tăng 13,4%. Trong các thị trường xuất khẩu, Mỹ, châu Âu có mức tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp ở thị trường này ngày càng ưu tiên nguồn cung hàng hóa từ Việt Nam.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 11 tháng ước đạt 101,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Còn thị trường EU, xuất khẩu đạt 29,4 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước.

Triển lãm Global Sourcing Fair Việt Nam diễn ra 26-28/4 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Đây là sự kiện về triển lãm nguồn cung quốc tế lần đầu tổ chức tại Việt Nam sau 7 năm tổ chức tại Hongkong. Mục tiêu, kết nối người mua ở khu vực Mỹ, EU với và nhà cung cấp tại Việt Nam và khu vực ASEAN.

Thi Hà

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-my-eu-tim-nguon-cung-hang-hoa-tu-viet-nam-4544997.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện