Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Công ty Hòa Bình chật vật đòi nợ Cocobay

Công ty Hòa Bình chật vật đòi nợ Cocobay

Nửa thập kỷ, Hòa Bình từ thỏa thuận đến khởi kiện Công ty Thành Đô (chủ dự án Cocobay) để đòi hàng trăm tỷ tiền thi công dự án, song chưa thu hồi được.

Công nợ giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) và công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô liên quan đến 12 hợp đồng thi công công trình thuộc dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (tên thương mại là Cocobay Đà Nẵng), được ký kết từ ngày 31/8/2016 đến 1/1/2018.

Mới đây, ông trùm xây dựng phía Nam này cho biết thắng kiện Thành Đô đầu năm nay, thông qua công bố thông tin lên Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Hòa Bình cho hay Hội đồng Trọng tài (VIAC TP HCM) ngày 6/12/2022 đã thông qua phán quyết buộc Thành Đô phải thanh toán cho tập đoàn này tổng số tiền gần 368 tỷ đồng, gồm tiền nợ gốc, tiền lãi, phí luật sư và phí trọng tài. Phán quyết này có giá trị chung thẩm và có hiệu lực từ ngày 6/12 năm ngoái.

Trường hợp quá 30 ngày từ ngày phán quyết có hiệu lực, nếu Thành Đô không thanh toán số tiền này sẽ phải thanh toán tiền lãi do chậm trả. Mức lãi suất là 11,5-14,6% một năm theo quy định tại các hợp đồng với số nợ gốc hơn 242 tỷ đồng, và 10% một năm với các số tiền còn lại.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn HBC cho biết Công ty luật ALB & Partners, đại diện cho Hòa Bình trong vụ kiện này, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết nhằm thu hồi toàn bộ công nợ từ Thành Đô. Tuy nhiên, dù thắng kiện, hành trình đòi nợ của ông trùm xây dựng này không mấy suôn sẻ khi phía Thành Đô chưa chấp nhận phán quyết trọng tài.

Lối vào dự án Cocobay Đà Nẵng. Ảnh: Empire Group

Lối vào dự án Cocobay Đà Nẵng. Ảnh: Empire Group

Nói với VnExpress, Công ty Thành Đô cho biết số tiền gần 367,6 tỷ đồng mà VIAC TP HCM phán quyết doanh nghiệp phải trả cho Hòa Bình gồm tiền gốc, lãi, phí trọng tài, phí luật sư là không công bằng vì không áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật phù hợp.

“Nguyên tắc giải quyết tranh chấp là các bên có quyền tự bảo vệ nhưng VIAC đã vi phạm bằng việc không triệu tập Thành Đô tham dự buổi họp cuối cùng ngày 15/11. Do không có mặt nên nhiều vấn đề đã được giải quyết phiến diện, căn cứ trên những nội dung mà Hoà Bình đưa ra”, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc pháp lý của Thành Đô nói.

Theo ông Sơn, sau phiên họp, doanh nghiệp mới nhận được thông tin và đã gửi văn bản phản đối, yêu cầu triệu tập phiên họp mới nhưng không được đồng ý. Thành Đô đã nộp yêu cầu lên tòa án để hủy phán quyết. Nếu được tuyên hủy, vụ việc giữa hai doanh nghiệp sẽ được chuyển cho tòa án để giải quyết lại từ đầu. Vụ việc Hòa Bình khởi kiện Thành Đô lên VIAC TP HCM bắt đầu từ 22/7 năm ngoái.

Theo Thành Đô, trước khi giải quyết ở trọng tài, hai doanh nghiệp đã đạt được thoả thuận xử lý toàn bộ công nợ bằng việc ký thoả thuận xác định một khoản giá trị tạm tính và bù trừ bằng các bất động sản tại Cocobay (gồm các toà khách sạn, biệt thự, nhà phố).

“Công ty Hoà Bình đã đơn phương không thực hiện các thoả thuận này và nộp đơn kiện”, đại diện Thành Đô nói. Toàn bộ tài sản đã hình thành của dự án Cocobay Đà Nẵng hiện được thế chấp tại Ngân hàng SHB (đơn vị tài trợ từ khi triển khai và là nhà tài trợ duy nhất của dự án).

Theo Thành Đô, các khoản công nợ đã được nghiệm thu của các nhà thầu đều được coi là một phần giá trị hình thành nên tài sản của dự án và đều được SHB xác nhận là một phần giá trị tài sản thế chấp. Thành Đô dự kiến dùng dòng tiền kinh doanh từ Cocobay để giải quyết công nợ nhưng do thị trường khó khăn trong 2 năm dịch bệnh nên dòng tiền ngắn hạn không đủ. “Thành Đô mong muốn dùng biện pháp bù trừ công nợ bằng tài sản, tức theo thỏa thuận cũ với Hòa Bình dùng tài sản cấn nợ”, ông Sơn nói.

Liên quan đến việc Thành Đô yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Luật sư Đặng Hoàn Mỹ – Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Đặng Hoàn Mỹ, Đoàn Luật sư TP HCM – cho biết quy tắc tố tụng trọng tài liên quan đến tranh chấp hợp đồng thường được VIAC thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, tuân thủ nguyên tắc bảo mật, công bằng, khách quan, đối chiếu thông tin nhiều bước. Quan sát từ thực tiễn, rất hiếm có phán quyết trọng tài bị đảo ngược nên yêu cầu hủy phán quyết của Thành Đô nhiều khả năng rất khó thực hiện.

Luật sư Mỹ cho biết thêm, phán quyết trọng tài là chung thẩm và thường không dễ đảo ngược, nhưng vẫn có thể bị hủy khi có đơn yêu cầu của một trong các bên đương sự. Căn cứ Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 các trường hợp hủy phán quyết trọng tài gồm: không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này.

Trường hợp vụ tranh chấp và nội dung phán quyết không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy. Ngoài ra, chứng cứ do các bên cung cấp được Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết cũng có thể dẫn đến phán quyết bị hủy.

Theo luật sư Mỹ, diễn biến cho thấy dù đã thắng kiện Thành Đô, Hòa Bình sẽ mất thêm nhiều thời gian mới thu hồi được số công nợ hàng trăm tỷ đồng này.

Trên thực tế, hành trình đòi nợ của Hòa Bình chỉ là mắt xích nhỏ trong toàn cảnh vụ vỡ trận cam kết lợi nhuận của Thành Đô với khách hàng mua condotel tại dự án Cocobay.

Có quy mô hơn 10.000 phòng nghỉ dưỡng trên tổng diện tích 31 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 11.000 tỷ đồng, Cocobay Đà Nẵng từng là điểm nóng hút đầu tư thời vàng son của căn hộ du lịch biển (condotel). Thời điểm ra mắt năm 2016, chủ đầu tư Thành Đô cam kết mức lợi nhuận tối thiểu 12% một năm liên tục trong 8 năm cho khách hàng mua condotel tại đây.

Viễn cảnh tươi sáng sớm lụi tàn khi cuối năm 2019, Thành Đô gửi thông báo dừng chi trả cam kết lợi nhuận 12% một năm từ năm 2020 cho khách hàng. Doanh nghiệp lý giải việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn do khung pháp lý chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án.

Nhiều khách hàng mua condotel tại dự án này rơi vào tình cảnh khó khăn do hầu hết đều vay tiền ngân hàng để đầu tư. Tại thời điểm Hòa Bình ký các hợp đồng thi công công trình với Thành Đô, Empire Group (công ty con thuộc Thành Đô đứng vai trò chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng) đã rơi vào tình trạng thua lỗ giai đoạn vận hành dự án 2017-2018. Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của công ty này đạt trên 11.000 tỷ đồng, hơn 50% trong số này là các khoản phải thu và hàng tồn kho. Tương ứng, các khoản nợ phải trả cũng tăng gần gấp đôi, chiếm 92% tổng nguồn vốn.

Công ty Thành Đô cho biết, tình hình khách mua Cocobay Đà Nẵng hầu hết đã thống nhất giải pháp thanh lý hợp đồng, nhận lại tiền, nhận tài sản, đồng hành hợp tác kinh doanh, chuyển đổi thành chung cư. Số ít chưa thống nhất phương án, nên tiếp tục đàm phán hoặc khởi kiện tại toà.

Vũ Lê – Đức Minh – Tất Đạt

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/cong-ty-hoa-binh-chat-vat-doi-no-cocobay-4575778.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện